Bên bờ hạnh phúc

Nói đến Côn Đảo, chắc hẳn nhiều người sẽ nghĩ ngay đến những di tích lịch sử, minh chứng cho những năm tháng đấu tranh hào hùng của dân tộc. Ngày nay, Côn Đảo còn được biết đến như là một điểm du lịch với nhiều phong cảnh và bãi biển đẹp. Trong những ngày cuối tháng 4 vừa qua, các bạn đoàn viên của Đoàn khối các cơ quan tỉnh Vĩnh Long đã đến thăm Côn Đảo, một trong những điểm du lịch quốc gia, được bình chọn là một trong 10 điểm đến hấp dẫn nhất khu vực Đông Nam Á.

 

 

Đến với Côn Đảo, du khách có thể lựa chọn phương tiện bằng đường hàng không hoặc tàu thủy.

Do số lượng đoàn hơn 40 người và muốn gởi tặng Côn Đảo nhiều phần quà kỷ niệm từ Vĩnh Long nên các bạn đoàn viên của tỉnh chọn phương tiện là tàu thủy.

Khởi hành lúc 17h từ cảng Cát Lỡ tại Thành Phố Vũng Tàu, bình minh hôm sau thì hình dáng Côn Đảo bắt đầu hiện ra.

Côn Đảo được ví như là một con gấu vươn mình giữa biển khơi.

Dù trời nhiều mây nhưng đối với những người lần đầu đến Côn Đảo, thì buổi bình minh hôm nay vẫn rất đẹp. Một buổi sáng thanh bình trên vùng biển đảo quê hương.

Sau hành trình khoảng 13h trên biển, tàu cập cảng Bến Đầm.  Đây là một cảng cá được xây dựng từ năm 1995. Do có độ sâu thích hợp và khuất gió nên cảng Bến Đầm rất thuận lợi cho tàu thuyền tránh sóng. Hiện nay, nơi đây đã trở thành cảng tổng hợp, đáp ứng nhu cầu giao thương giữa Côn Đảo và đất liền ngày càng tăng lên.

Điểm đến tham quan đầu tiên của đoàn là Cầu tàu lịch sử 914 tại trung tâm bãi biển chính của Thị trấn Côn Đảo.

Nếu xét về quy mô hình và độ hiện đại thì cầu tàu này không có gì nổi bậc so với các công trình tương tự. Tuy nhiên, giá trị lịch sử xây dựng và hoạt động của cầu tàu này thì không nơi đâu có được.

Cầu tàu được khởi công xây dựng từ năm 1873. Cái tên 914 cũng chính là con số do người tù nhẩm tính số người đã ngã xuống vì lao dịch, tai nạn trong quá trình khổ sai xây cầu. Đây là nơi chứng kiến nỗi cực nhọc đầu tiên của những người bị tù đày ra Côn Đảo. Rất nhiều người chỉ qua cầu 01 lần rồi vĩnh viễn không trở về đất liền.

Ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước thì Cầu tàu 914 cũng là nơi chứng kiến những giây phút vinh quang sau bao năm tháng đấu tranh của người tù chính trị.

Từ Cầu Tàu 914 đi vào bên trong là di tích lịch sử Nhà chúa đảo. Khu nhà có diện tích 18.600m2. Đây là nơi làm việc của 53 đời chúa đảo từ 1862 đến năm 1975. Hiện nay, di tích Nhà chúa đảo được sử dụng làm nơi trưng bày những hình ảnh về di tích Côn Đảo.

Tận mắt chứng kiến hình ảnh và trực tiếp nghe thuyết minh về những thủ đoạn của kẻ thù đối với tù nhân chính trị, chúng ta sẽ hiểu rõ hơn về từ “địa ngục trần gian”, mà những ai đã trải qua thường nhắc đến khi nói về hệ thống nhà tù ở Côn Đảo.

 

Khu di tích lịch sử Côn Đảo là một trong những di tích lớn nhất, lâu đời và đặc biệt quan trọng của quốc gia. Khu di tích gồm có 19 di tích trọng điểm với tổng diện tích gần 48ha. Trong suốt 113 năm hoạt động, thực dân, đế quốc đã giam cầm, đọa đày hàng chục vạn  chiến sĩ cách mạng và những người yêu nước nhiều thế hệ. Nhưng cũng tại nơi đây, bao thế hệ đã thể hiện ý chí đấu tranh kiên cường, bất khuất, giữ vững khí tiết của người cách mạng.

Nơi đầu tiên mà đoàn đến tham quan trong hệ thống nhà tù Côn Đảo là trại Phú Hải, trại được xây dựng đầu tiên vào năm 1892. Đây là trại giam lớn và cổ nhất ở Côn Đảo, mang đậm dấu tích của các thời kỳ lịch sử.

Ấn tượng để lại mạnh nhất trong buổi tham quan hệ thống các nhà tù là là khi được tận mắt nhìn thấy chuồng cọp kiểu Pháp. Dù đã được đọc nhiều, nghe nhiều qua sách báo nhưng đến dây ai cũng lặng người trước sự dã man mà kẻ thù đã gây ra.

Qua 02 thời kỳ Pháp-Mỹ, hệ thống nhà tù côn đảo có tổng cộng 127 phòng giam, 44 xà lim, 504 phòng “biệt lập chuồng cọp”. Bên cạnh đó còn có các sở tù để đày ải người tù làm lao dịch khổ sai nhằm giết dần, giết mòn sinh mạng, ý chí chiến đấu của những người tù chính trị. 

“Núi Côn Lôn được pha bằng máu

Đất Côn Lôn năm, sáu lớp xương người

Mỗi bước chân che lấp một cuộc đời

Mỗi tảng đá là một trời đau khổ …”

Những người con ưu tú của cách mạng Việt Nam qua các thời kỳ như cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh, nữ anh hùng Võ Thị Sáu và rất nhiều chiến sĩ cách mạng và đồng bào yêu nước hiện đang yên nghỉ trong khuôn viên 20 ha của nghĩa trang Hàng Dương.

Ngày cũng như đêm, những ngôi mộ nghi ngút khói hương luôn thể hiện lòng tưởng niệm sâu lắng của các thế hệ hôm nay đối với những tiền nhân đã hi sinh vì sự nghiệp cao cả của đất nước.

Ngoài đến tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Côn Đảo, cảnh quang thiên nhiên và con người nơi đây cũng để lại chúng tôi nhiều cảm xúc. Đi trên các nẻo đường chính chúng ta sẽ rất dễ bắt gặp những cây bàng, bằng lăng, cây thị rừng hàng trăm năm tuổi. Đây là những cây di sản Việt Nam, rất quý giá và thiêng liêng. Những cây đại thụ vươn mình mạnh mẽ trong nắng gió, che mát cho các nẻo đường Côn Đảo như là hiện thân cho tinh thần và ý chí của bao thế hệ đã trải qua mảnh đất này.

Côn Đảo là một quần đảo tiền tiêu nằm ở Đông Nam nước ta, gồm 16 hòn đảo nhỏ. Côn Đảo chỉ cách sông Hậu 45 hải lý, cùng vĩ độ với tỉnh Cà Mau. Tổng diện tích cả quần đảo là 76 km2. Dân số trên 6.000 người.

Hiện nay Côn Đảo là huyện có chính quyền 1 cấp, thông qua các cơ quan chức năng huyện trực tiếp quản lý 10 khu dân cư.  

Bãi biển Đầm Trầu,  một bãi biển được đánh giá là đẹp vào hàng bậc nhất ở Việt Nam. Với khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, biển ít sóng nơi đây rất thích hợp cho các chuyến du lịch nghỉ dưỡng và khám phá. Vườn quốc gia Côn Đảo với hệ sinh quyển phong phú cũng là một trong những thế mạnh riêng của vùng đất chứa đựng nhiều giá trị lịch sử.

Chứa đựng những giá trị lịch sử vô cùng quý giá, Côn Đảo là một điểm đến rất thích hợp cho các chuyến tham quan tìm hiểu về truyền thống cách mạng. Đồng thời với những thế mạnh về phong cảnh, bãi biển đẹp Côn Đảo có rất nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nghỉ dưỡng, khám phá.

Được nhiều tổ chức du lịch bình chọn là một trong những điểm đến ấn tượng nhất Đông Nam Á, Côn Đảo đang hứa hẹn sẽ là một trong những trọng điểm trong phát triển kinh tế biển đảo quốc gia.

Trung Hiếu 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *