Bên bờ hạnh phúc

Lại một mùa thi nữa sắp vào hồi cao điểm. Nghĩa tình thầy trò luôn hiện hữu dưới mái trường lại càng ấm áp hơn vào mỗi mùa thi. Việc đỡ đầu con nuôi đối với những học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp trung học phổ thông và việc tổ chức bữa cơm trưa nhân ái cho học sinh nghèo ở lại ôn thi nguyên cả ngày đang được nhiều trường phổ thông triển khai thực hiện, nhằm hướng đến một mùa thi thắng lợi càng làm đậm đà thêm nghĩa tình thầy và trò.

 

Hội nghị chỉ đạo ôn thi của Sở Giáo dục – Đào tạo Vĩnh Long chưa năm nào đông đủ như năm nay. Đây là năm đầu tiên Sở Giáo dục – Đào tạo Vĩnh Long triệu tập toàn thể thành viên Ban Giám hiệu các trường trung học phổ thông trong tỉnh về triển khai công tác ôn thi tốt nghiệp, thay vì chỉ mời Hiệu trưởng như các năm trước. Theo Ban Giám đốc Sở, tổ chức hội nghị với quy mô như thế này  cũng nhằm để lắng nghe được nhiều ý kiến phản ánh những thuận lợi, khó khăn từ các trường trong việc triển khai công tác ôn thi để từ đó có hướng chỉ đạo cụ thể và sát hợp hơn. Hội nghị này cũng thể hiện quyết tâm cao của ngành Giáo dục-Đào tạo tỉnh nhà trong mùa thi 2013 là phải ôn tập thật nghiêm túc 6 môn thi tốt nghiệp trung học phổ thông.

Từ lâu nay, trường trung học phổ thông Trà Ôn có tiếng là trường có truyền thống dạy tốt, học tốt với bề dày phát triển gần năm mươi năm. Kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông ở trường Trà Ôn luôn có vị trí cao về thứ hạng trong bảng tổng sắp của toàn tỉnh. Đây cũng là trường đầu tiên thực hiện mô hình nhận đỡ đầu con nuôi trong ôn thi cách nay khá nhiều năm để tăng hiệu quả công tác phụ đạo học sinh yếu. Cách làm của nhà trường là phát huy tối đa vai trò của các tổ bộ môn trong ôn thi các môn có thi tốt nghiệp. Việc triển khai mô hình được bắt đầu từ sau khi phân loại học sinh yếu kém từng môn, nhà trường lập danh sách giao Tổ Bộ Môn và từng giáo viên dạy các môn thi có kế hoạch nâng kém đều đặn, thường xuyên.

Điểm nhấn của mô hình nhận đỡ đầu con nuôi này là huy động được cả những thầy cô không dạy lớp thi cùng tham gia phụ đạo nâng kém và dò bài cho học sinh đang ôn thi, theo đúng môn mình phụ trách.Thực ra việc dò bài nói riêng và chuyện phụ đạo học sinh yếu nói chung đều là các giải pháp được áp dụng rộng rãi ở hầu hết các trường , trong mùa ôn thi. Tuy nhiên ở nơi này, nơi khác, việc dò bài diễn ra quá căng thẳng thì cũng khiến cho cả thầy trò đều mệt mỏi vì chịu nhiều áp lực. Việc nhận đỡ đầu con nuôi đã giúp cho thầy cô tận tình hơn và giúp học sinh giải tỏa bớt lo âu trong  lúc ôn thi vì các em cảm thấy thầy cô gần gũi hơn, gắn bó với mình hơn.

Trong việc thực hiện mô hình nhận đỡ đầu con nuôi, trường trung học phổ thông Vĩnh Xuân đặc biệt chú trọng phát huy vai trò của chi đoàn giáo viên, trong đó hầu hết đều là các giáo viên trẻ, khỏe, đầy hăm hở, nhiệt tình sẵn lòng   giúp đỡ  một cách kịp thời đối với những học sinh có nguy cơ rớt tốt nghiệp. Để sử dụng hiệu quả thời gian truy bài học sinh vào các buổi chiều trong tuần, Đoàn viên giáo viên phải có sự thống nhất với giáo viên bộ môn về yêu cầu cần phải triển khai để cùng phối hợp thực hiện cho tốt. Theo nhận định chung của nhà trường thì tỉ lệ học sinh yếu các môn Toán, Hóa, Anh văn còn khá cao. Vì thế bên cạnh việc tăng cường các tiết phụ đạo các môn này, nhà trường còn quan tâm đẩy mạnh việc dò bài, truy bài các môn còn lại như môn Sinh, môn Địa trong thời gian tăng tốc ôn thi. 

Xuất phát từ tình hình đa phần các em học sinh phải học 2 buổi cả ngày, sáng thì ôn tập chính khóa, chiều thì phụ đạo ngoại khóa, từ năm học này,Ban Giám hiệu trường trung học phổ thông Vĩnh Xuân đã vận động được các nhà Mạnh thường quân lo cho các em bữa cơm chay để ăn trưa. Các nhà mạnh thường quân ở đây nói đúng ra là nhà chùa và bà con phật tử ở  xã Tích Thiện và các xã lân cận  mà nòng cốt là một nhà sư có chân trong Ban Đại diện Phật Giáo Việt Nam huyện Trà Ôn đã đứng ra lo tất tần tận mọi thứ để hỗ trợ các em  bữa ăn này. Theo Ban giám hiệu trường, bữa ăn lên đến  gần 400 suất cho cả học sinh nghèo, nhà xa của cả 3 khối lớp 10, 11, 12. Riêng khối lớp 12 thì đông nhất, khoảng trên dưới 150 em. Trong thời gian này, nhà trường và thầy cô luôn nung đúc tinh thần học tập của học sinh, động viên các em cố gắng thật nhiều trong ôn thi để không phụ lòng các nhà hảo tâm và các vị mạnh thường quân đã chung tay chăm lo bữa ăn trưa cho các em no lòng để chuyên tâm học hành.

 
 

Trường Trung học Cấp II, III Hòa Bình  lại có cách chăm lo cho học trò nghèo theo kiểu khác. Thay vì nấu cơm trưa, nhà trường kết hợp với các quán ăn quanh trường phát phiếu cơm miễn phí cho các em học sinh nghèo trong suốt thời gian ôn thi và 3 ngày thi tốt nghiệp. Ban Giám hiệu khởi xướng cách làm này vì  xét thấy tình hình giáo viên trong trường đa số còn công việc đồng áng, thời gian ôn tập cũng vào mùa vụ nên khó có thể nấu cho học sinh ăn. Hơn nữa, khi phát phiếu cơm thì các em có thể chọn quán mà các em thích để ăn, hoặc nếu không muốn ăn cơm các em cũng có thể ăn các món khác đồng giá, khoảng 17.000 đ/suất. Giờ ăn của mỗi học sinh nhờ đó cũng được linh hoạt, học sinh không cần phải đi ăn cùng lúc. Năm nay, Trường Trung học Cấp II- III Hòa Bình có 236 HS, trong đó có 57 em HS thuộc diện nghèo, đặc biệt khó khăn được nhà trường phát phiếu cơm miễn phí trong suốt 6 tuần ôn tập tại trường và 3 ngày thi tốt nghiệp.  Kinh phí tổ chức lấy từ nguồn thu từ hoạt động văn nghệ gây quỹ của Đoàn Trường và sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm.

Từ đầu tháng 4, trường Trung học phổ thông Trần Đại Nghĩa đã vận động học sinh và giáo viên trong trường tự nguyện quyên góp để hỗ trợ ăn trưa cho những em có hoàn cảnh khó khăn. Học sinh có em vài nghìn đồng, giáo viên từ vài chục đến một trăm nghìn đồng, tùy khả năng của mỗi người. Lo cho bữa ăn của các em thêm đầy đủ, các thầy cô trong trường không ngại đi vận động các doanh nghiệp, những nhà hảo tâm hỗ trợ thêm. Sau khi kết thúc kỳ kiểm tra Học kỳ II, vừa bước vào chiến dịch ôn tập, ngay ngày đầu tiên của tuần lễ bắt đầu ôn thi, bếp ăn của trường bắt đầu nổi lửa.

 Để tiết kiệm chi phí tối đa, các thầy cô giáo đã trực tiếp đảm đương công việc làm bếp. Mỗi ngày, từ 5 giờ sáng, các cô đã dậy để đi chợ mua đồ về nấu ăn cho học trò. Trong khi các em miệt mài trên lớp thì dưới bếp, các thầy cô không có tiết cũng hối hả nhặt rau, vo gạo, chuẩn bị bữa trưa. Các thầy cô trong Ban Giám hiệu nhà trường cũng tranh thủ thời gian xuống góp sức.

 

Mùa thi, các lớp 12 đều phải tăng cường học hai buổi mỗi ngày. Trong số này, có rất nhiều em ở xa, đi lại vất vả nên các em thường ở lại trường buổi trưa để chiều học tiếp. Năm 2006, nhìn những khuôn mặt học trò hốc hác, mệt mỏi vì áp lực học tập trong khi bữa trưa có em nhịn đói, Cô Hiệu trưởng Huỳnh Thị Hồng Lạc  – nay đã nghỉ hưu – đã nhiều lần không khỏi nhói lòng. Bữa trưa của tình thầy trò bắt đầu từ đó và duy trì đến nay nhờ sự nối tiếp có kế thừa và phát huy của thầy Trần Công Danh – Hiệu trưởng đương nhiệm, để thiết thực giúp đỡ học sinh nghèo, khó khăn, nhà xa trường.

Bếp ăn đầy ý nghĩa này đã được cả bốn trường trung học phổ thông còn lại trong huyện Tam Bình  học tập. Ủy ban Nhân dân huyện Tam Bình cũng góp sức để các bếp ăn hỗ trợ học trò nghèo của các trường trong huyện luôn đỏ lửa mỗi mùa thi tới.

Thời gian ôn thi tốt nghiệp trung học phổ thông kéo dài 6 tuần lễ là thời gian ôn thi quyết liệt của thầy và trò các trường phổ thông. Xuất phát từ tình hình thực tế, các trường đã có nhiều sáng kiến, hình thành những cách làm hay trong việc chăm lo cho học sinh nghèo ôn thi, để rồi lan tỏa ra nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long. Từ kết quả những năm qua và hiệu quả bước đầu trong thời gian ôn thi năm nay có thể cho là những tín hiệu vui cho một vụ mùa bội thu trong mùa thi tới đây./.

An Khánh  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *