Bên bờ hạnh phúc

 Huyện Cái Bè với thế mạnh là vườn cây ăn trái. Nhiều loại trái cây đặc sản cho hiệu quả kinh tế cao. Trong đó cũng phải kể đến một loại cây có múi nhiều năm qua đã đóng vai trò khá quan trọng trong việc xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho bà con – đó là chanh bông tím. Nay trong quá trình xây dựng nông thôn mới, cây chanh bông tím tiếp tục giữ vai quan trọng, giúp địa phương hoàn thành nhiều tiêu chí NTM.

 

 

Con đường liên xóm ở ấp 1, xã Tân Thanh, huyện Cái Bè có chiều dài khoảng 1.700 m mới vừa đưa vào sử dụng hơn 2 tháng nay. Kinh phí xây dựng trên 1,6 tỷ đồng, trong đó người dân hiến đất, vật kiến trúc, hoa màu và đóng góp thêm trên 350 triệu đồng để bơm cát, nâng nền hạ cho công trình. Ở đây bà con đóng góp theo diện tích đất của từng hộ dân, hộ nào có đất ít đóng góp ít, có nhiều thì đóng góp nhiều.

Hộ của ông Hà Văn Nghé, có 92 mét dọc theo lộ, gia đình ông phải đóng gần 17 triệu đồng. Có thể nói đây là mức đóng góp theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm” lớn nhất từ trước đến nay đối với ông, cũng như nhiều hộ dân khác ở đây. Nhưng người dân rất phấn khởi. Ông cho biết tất cả là nhờ kinh tế vườn, mà cụ thể là từ cây chanh bông tím.

Thật vậy, hơn 10 năm qua, chanh bông tím là cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân tại đây. Nhiều hộ dân có cuộc sống khấm khá cũng nhờ cây chanh này. Hiện tại có nhiều giống chanh bông tím nhưng tùy loại năng suất cao thấp khác nhau, gia đình anh Lê Đức Trường trồng giống chanh bông tím tứ quý, với diện tích trên 7 công, mỗi năm đều đặn cho thu nhập trên 300 triệu đồng. Cá biệt vào năm 2012, vườn chanh vừa trúng mùa, vừa trúng giá, thu nhập trên 700 triệu đồng. Anh cho biết từ vườn ổi không còn hiệu quả, anh chuyển sang trồng chanh bông tím, kinh tế gia đình đã khá hẳn lên.

Là một xã nằm về phía tây của huyện Cái Bè, xã Tân Thanh nằm ven các tuyến sông lớn, gồm 4 ấp, trong đó có Cồn Quy nổi tiếng và có Quốc lộ 30 ngang qua. Tân Thanh thật sự có nhiều điều kiện để phát triển kinh tế vườn. Thời gian qua những loại cây ăn trái như xoài, cam, quýt, bưởi, nhãn,… là cây trồng giúp bà con nông dân nơi đây ăn nên làm ra, xây dựng kinh tế gia đình cũng như góp phần rất lớn vào sự phát triển kinh tế nông nghiệp của địa phương. Nhưng khoảng 10 năm nay, với hiệu quả kinh tế cao, cây chanh bông tím đã dần vươn lên trở thành một trong những giống cây trồng chủ lực của xã. Hiện trên địa bàn toàn xã có khoảng 260 ha chanh bông tím, chiếm trên 35% diện tích vườn toàn xã. Và hiện loại cây có múi này vẫn đang đóng vai trò rất quan trọng trong quá trình thực hiện nhiều tiêu chí Xây dựng Nông thôn mới tại xã điểm Tân Thanh này. Không chỉ có lợi nhuận cao cho nhà vườn, mà việc trồng chanh bông tím còn giúp giải quyết công ăn việc làm cho đông đảo lao động tại địa phương, góp phần nâng cao đáng kể thu nhập của bà con. Theo thống kê gần nhất, thu nhập bình quân đầu người của Tân Thanh hiện nay đã đạt trên 27 triệu đồng/người/năm.

Để giúp cho bà con trồng chanh ở tận các vùng sâu hơn có điều kiện canh tác tốt, tiết kiệm chi phí và tăng thu nhập, lãnh đạo địa phương còn dành nhiều chính sách hỗ trợ khác trong thời gian tới.

Không chỉ xã điểm Tân Thanh lựa chọn cây chanh bông tím làm cây trồng thực hiện tiêu chí hộ nghèo, tiêu chí thu nhập mà ở một số địa phương khác có phong trào trồng chanh bông tím hiệu quả thời gian qua, cũng chọn cây này để thực hiện các tiêu chí trên. Bởi, được biết cây chanh bông tím dễ trồng, ít vốn đầu tư, nhanh cho thu hoạch, và mùa vụ thu hoạch quanh năm rất phù hợp với những hộ nghèo ít đất, ít vốn. Đó là trường hợp tại xã Mỹ Đức Đông.

 

Với những hộ có diện tích nhiều, mạnh dạn chuyển đổi sang trồng chanh từ 5 – 6 năm nay thì thu nhập tăng lên khá cao. Hộ của ông Phan Văn Thanh, gia đình có gần 2 ha vườn, trước đây trồng nhiều loại cây ăn trái nhưng chưa năm nào có lợi nhuận trên 300 triệu đồng. Vậy mà cây chanh bông tím đã giúp gia đình ông đạt được mức lợi nhuận đó trong gần 2 năm qua.

Bà con ở đây, từ lâu cũng biết chuyển dịch cơ cấu cây trồng, chuyển sang trồng chanh bông tím đạt hiệu quả. Nay bà con còn tiếp tục tìm tòi, sáng tạo hơn, như chọn được giống chanh bông tím mới, năng suất cao hơn, dễ làm trái hơn để trồng. Được biết, với giống chanh mới này năng suất thu được tăng gấp 2 lần so với các giống chanh trước đó. Đây quả là tín hiệu vui cho địa phương khi có chủ trương khuyến khích trồng chanh để thực hiện tiêu chí giảm nghèo và nâng cao thu nhập.

Hiện tại trên địa bàn xã Mỹ Đức Đông, có rất nhiều hộ dân nhờ trồng canh bông tím mà đã vượt qua nghèo vươn lên khá giàu.

Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, tiêu chí thu nhập và hộ nghèo được xem là một trong những tiêu chí tạo tiền đề để thực hiện tiếp các tiêu chí khác. Nên nhiều địa phương khi có điều kiện thường phát động phong trào để thực hiện nhanh tiêu chí này. Một khi kinh tế nông hộ được phát triển ổn định, thì việc thực hiện các tiêu chí cần có sự đóng góp của người dân sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều. Vì vậy, việc đưa mô hình chanh bông tím vào công tác xóa nghèo và nâng cao thu nhập tại một số xã điểm nông thôn mới ở huyện Cái Bè là hoàn toàn phù hợp. Bởi, được biết hiện nay thị trường tiêu thụ chanh nói chung, và chanh bông tím nói riêng là khá lớn và ổn định. Hơn nữa, chanh trồng chỉ 7 đến 8 tháng là cho trái, nên đây còn được cho là mô hình “đánh nhanh, thắng nhanh” để tạo điều kiện cho nhà vườn tích lũy vốn, đầu tư phát triển những loại cây đặc sản, có giá trị kinh tế cao sau này.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *