Bên bờ hạnh phúc

Kinh tế năm 2013 vẫn còn nhiều khó khăn. Song cũng có nhiều yếu tố tích cực mà các doanh nghiệp VN hưởng lợi như: các nước lớn thực hiện các gói kích cầu; dự thảo thuế thu nhập doanh nghiệp giảm còn 23% và quyết tâm của Chính phủ thể hiện qua nghị quyết 02 về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết nợ xấu.

 

Trong những năm vừa qua, kinh tế Việt Nam được các chuyên gia nhận định rằng có sự tăng trưởng nhiều rủi ro. Đồng vốn tín dụng được bơm mạnh và liên tục đã giúp cho nền kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong thời gian dài. Điều này dẫn đến việc tăng trưởng thiếu bền vững. Thời điểm đến năm 2007, khi tăng trưởng kinh tế diện rộng và đạt mức 7 – 8%/ năm, đầu tư được xác định là động lực để đạt được mục tiêu này, đã khiến cho nhà nhà, ngành ngành đầu tư. Nguồn lực phân bổ vốn đầu tư sai lệch và rộng với quá nhiều dự án quy mô lớn, vượt năng lực quản lý, khiến cho hiệu quả sử dụng nguồn lực thấp, năng suất kém và giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế. Hệ quả dẫn đến là lạm phát cao vào năm 2008.

Số doanh nghiệp giải thể và ngừng hoạt động của cả nước đến cuối năm 2012 là trên 54 ngàn doanh nghiệp. Còn trong 3 tháng đầu năm nay, tiếp tục có hơn 15 ngàn doanh nghiệp giải thể ngừng hoạt động, tăng hơn 2 ngàn doanh nghiệp so với cùng kỳ năm trước.

Riêng tỉnh Vĩnh Long, một tỉnh có trên 3.200 doanh nghiệp, không nhiều so với các tỉnh ĐBSCL, nhưng số lượng doanh nghiệp giải thể, bỏ địa chỉ kinh doanh, kinh doanh nhưng không đăng ký thuế, v.v… lên đến gần 1.300 doanh nghiệp, chiếm tỷ lệ hơn 40%. Như ngành sản xuất gạch gốm của Vĩnh Long từ hai năm qua, số lượng doanh nghiệp và sản lượng gốm cứ giảm dần. Nếu như năm 2007, nghề gốm đỏ của tỉnh có đến 120 doanh nghiệp lớn nhỏ tham gia sản xuất thì hiện nay chỉ còn 1/ 4 với khoảng 30 cơ sở. Với mặt hàng 100% xuất khẩu nhưng khó khăn về thị trường và tín dụng khiến cho hàng tồn kho nhiều, doanh nghiệp suy kiệt. Gốm đỏ chỉ là một trong số nhiều ngành hàng đã rơi tận đáy của sự khủng hoảng và cần sự hỗ trợ của ngành chức năng đổi mới để tồn tại.

Sau 5 năm gia nhập tổ chức thương mại thế giới WTO, doanh nghiệp trong nước đã có sự nhập cuộc nhanh chóng. Tuy vậy, ngoại trừ năm 2012, các năm còn lại nước ta đều nhập siêu. Trong đó nhập siêu lớn nhất là từ Trung Quốc đã tăng dần lên từng năm và đạt mức trên 16 tỉ đôla Mỹ vào năm 2012. Làm gì để không lệ thuộc quá lớn vào một thị trường , thật không đơn giản khi nền công nghiệp hỗ trợ của nước ta hiện rất yếu. Tại Diễn đàn kinh doanh thường niên lần thứ 4, năm 2013 với chủ đề "Đổi mới để tồn tại và phát triển" vừa tổ chức tháng 4 vừa qua tại TP.HCM, các chuyên gia kinh tế thẳng thắn mổ xẻ những nhược điểm nhức nhối hiện tại của nền kinh tế.

Hơn ai hết, tự thân doanh nghiệp phải có sự quyết tâm đổi mới cho dù Nhà nước đã có những chính sách quan trọng. Đây chính là lúc doanh nghiệp cần định vị được mình trong bối cảnh mới. Năm 2011,  Chính phủ điều chỉnh chính sách phát triển theo hướng kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội. Các chính sách tài khoá, tiền tệ thắt chặt khiến lãi suất lên cao, nhu cầu nội địa giảm, tăng tồn kho và sản xuất suy giảm nghiêm trọng, làm cho doanh nghiệp phá sản cao kỷ lục. Tuy vậy, những doanh nghiệp không quá lệ thuộc vào vốn vay ngân hàng cũng tìm được cơ hội mới cho mình. Như tại một doanh nghiệp, với sản phẩm bột mì – một mặt hàng lương thực thiết yếu, nếu như năm 2007 cung không đủ cầu thì hiện nay  nhà máy chỉ chạy 60% công suất cho dù giá bán sản phẩm đã giảm hơn 20%. Vì vậy, công ty chuyển hướng sản xuất. Trong đó bao gồm việc đầu tư thêm nhà máy xay xát lúa công suất 200 tấn/ ngày, tổng vốn đầu tư 200 tỷ đồng và dự kiến đi vào hoạt động cuối năm nay.

Doanh nghiệp hiện đang đứng trước áp lực tái cơ cấu rất lớn. Điều này ngoài việc tự thân tự lực, doanh nghiệp cần thêm nhiều  chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Trong đó, quan trọng là xoá bỏ cơ chế ưu tiên tập trung nguồn lực vào doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế Nhà nước. Sức ép doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, đòi hỏi cơ cấu lại chuỗi giá trị các sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân có thêm cơ hội phát triển.

Trong khi chờ đợi tín hiệu tích cực từ thị trường, điểm cần tập trung hiện nay là khơi thông nguồn vốn cho doanh nghiệp , mà điểm nghẽn vẫn là gánh nặng lãi suất. Từ đầu năm đến nay, lãi suất ngân hàng có giảm nhưng những khoản vay cũ lãi suất vẫn còn cao. Đó chính là lý do khiến cho tỷ lệ nợ quá hạn của doanh nghiệp còn cao, nợ xấu chậm khắc phục. Trong khi đó, tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng triển khai chậm chạm.

 

Với chương trình phục hồi tăng trưởng dài hạn, cộng thêm các chương trình, chính sách của Nhà nước như: hoãn giãn thuế, đặc biệt là dự thảo giảm thuế suất thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống còn 23% sẽ củng cố thêm niềm tin cho doanh nghiệp. Qua đó phát huy được tính chủ động, vượt qua những khó khăn trở ngại hiện nay.

Trong một nền kinh tế mà sự tăng trưởng có phần đóng góp đến 62% từ vốn đã làm cho sự tăng trưởng của doanh nghiệp thiếu bền vững. Và trong sự hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nước ta đang đứng trước thách thức trong việc lựa chọn mô hình phát triển. Đó là cải cách thể chế để xây dựng và điều hành chính sách. Trong đó, bao gồm cải cách ngân hàng, thuế, đầu tư công cũng như phân bổ lại nguồn lực đầu tư. Qua đó, thu hẹp dần khu vực doanh nghiệp nhà nước và khuyến khích khu vực tư nhân thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển.

Quốc Dũng 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *