38 năm sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngần ấy thời gian cũng đủ chứng kiến biết bao sự đổi thay của quê hương Vĩnh Long từ thành thị đến nông thôn, nhất là những vùng căn cứ cách mạng. Và hơn ai hết chỉ những người đã từng sống, chiến đấu và gắn bó cuộc đời mình với mảnh đất này mới chứng kiến và cảm nhận được rõ nét những đổi thay của nông thôn ngày ấy và bây giờ.

 

 Hơn nửa đời người gắn bó với quê hương Mỹ Lộc – vùng căn cứ Cách mạng từ những năm tháng chiến tranh ác liệt đến tận bây giờ. Điều mà ông Lê Văn Tỷ – nguyên Phó ban căn cứ Tỉnh ủy Vĩnh Long, nguyên Bí thư Chi bộ xã Mỹ Lộc – Tam Bình tâm đắc nhất chính là thành quả của sản xuất nông nghiệp hôm nay so với 38 năm về trước. Theo ông Tỷ: “Sau giải phóng rồi nhân dân trong ấp, xóm vùng sâu đói vì hồi đó tập quán làm lúa mùa năm có lần thôi, 1 công trúng lắm 10 giạ thôi/ ngay bây giờ 1 công 1.000 m2làm 3 vụ trong năm có gần 100 giạ, nếu mà tôi làm chục công nhân lên rất nhiều lúa nên nông dân chẳng phải sản xuất tự cung tự cấp, lúa cũ đổi lúa mới nữa mà trở thành lúa hàng hóa để bán, mặc dù nông nghiệp lời hổng nhiều nhưng đời sống nông dân giờ khá lên.”

Không chỉ phấn khởi vì sản xuất nông nghiệp đi lên mà người dân nơi đây còn vui mừng vì sự đổi thay đáng kể của cơ sở hạ tầng nông thôn. Đường xá, cầu cống thông suốt cả hai mùa mưa nắng. Chợ búa được đầu tư xây dựng khang trang. Mạng lưới trường lớp, giáo dục đào tạo được quan tâm đúng mức.

Ông Biện Công Thơi, xã Hậu Lộc – huyện Tam Bình cho biết: “Hồi đó đi chợ ban đêm đi xuồng ghe gởi rất khó khăn, bây giờ có đường lộ xe đi dễ dàng, muốn đi trễ cũng được mà đi sớm cũng được, gấp 10 lần hồi xưa”.

Theo ông Nguyễn Văn Trọng, Bí thư kiêm Trưởng ấp 9 – xã Mỹ Lộc – huyện Tam Bình:  “Năm 1975 sau giải phóng thì quê hương Mỹ Lộc mỗi sẻo một cây cầu, hàng ngàn cây cầu tre, cầu khỉ nhưng mà qua đó đến nay coi như giải tỏa trắng luôn, toàn xã hiện nay đường xe bốn bánh đi hết phạm vi xã, vùng quê hương Mỹ Lộc thì năm 1999 mới có điện, từ khi có điện đến giờ thì việc học của các cháu tốt, thứ hai nữa là mở mang trí thức cho bà con xem tivi, hiện nay sử dụng internet trên địa phương rất là nhiều, đây là một điều hết sức phấn khởi, bản thân tui cũng phấn khởi mà nhiều người dân cũng phấn khởi nữa, cũng như người dân sử dụng internet sẽ truy cập được nguồn tin mới nhất rồi giá cả thị trường”

Ông Phạm Thành Tính, hội viên Hội Cựu chiến binh xã Mỹ Lộc – huyện Tam Bình nhận xét: “Những năm trước đây, thời kỳ như tôi thì trường làng là lớn nhất, trường làng là trường của xã, còn địa phương này thì học tại địa phương, mỗi thầy dạy nhiều lớp chứ hỏng phải mỗi thầy mỗi môn mỗi lớp, còn máy móc thì thôi miễn không bao giờ có vấn đề máy móc, bây giờ học thì rất đầy đủ, phương tiện Đảng và Nhà nước lo rất chu đáo vấn đề máy móc cho học sinh, sinh viên, nói chung trong tỉnh Vĩnh Long chúng ta cũng thấy rất mừng”.

Giáp ranh xã Mỹ Lộc, bộ mặt nông thôn Phú Lộc hôm nay cũng được khoác lên mình chiếc áo mới. Hệ thống điện, đường, trường, trạm ngày một hoàn chỉnh, khang trang, tạo điều kiện để người dân yên tâm phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Ông Trần Văn Ảnh, Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến xã Phú Lộc – huyện Tam Bình cho biết: “Trước thiết bị hỏng có, dụng cụ cũng đơn sơ thôi, bây giờ thiết bị đầy đủ, hai nữa tập trung bác sĩ về đây, trạm y tế thì rất khang trang hơn trước kia theo hiện đại chung của nhà nước, dân trong ấp trong xóm đều phấn khởi hết trơn, giữa y tế và dân gắn liền với nhau”.

Theo ông Võ Văn Ba, xã Phú Lộc – huyện Tam Bình: “Trong chiến tranh học Nghị quyết 7 rồi, tôi không hình dung chuyện Bác Hồ đã nói là coi như thành thị hóa nông thôn, nông thôn hóa thành thị làm gì có chuyện đó nhưng mà ngày nay nó rõ ràng như vậy, ngay bây giờ được đứng đây hết sức phấn khởi, làm sao giáo dục cho con cháu nối tiếp truyền thống của ông cha, điều đó rất quý”.

Không nhất thiết đưa ra những con số để chứng minh, với những gì diễn ra trước mắt, đang được nhìn thấy, thông qua sự bày tỏ niềm phấn khởi của người dân, vùng căn cứ cách mạng năm xưa, mỗi người – nhất là thế hệ trẻ hôm nay như có thêm nguồn động lực ra sức phấn đấu lao động, học tập để tiếp nối truyền thống của cha anh, xây dựng vùng đất anh hùng ngày càng phát triển giàu đẹp./.

Bích Chi 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *