Bên bờ hạnh phúc

Số bệnh nhân tử vong và nhiễm liên cầu khuẩn lợn gần đây tăng “chóng mặt”. Nguyên nhân do giết mổ hoặc ăn thịt lợn bệnh, không đảm bảo vệ sinh.

Bác sĩ Vũ Minh Điền, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung Ương cho biết, từ đầu năm đến nay đã có gần 20 bệnh nhân mắc liên cầu lợn phải nhập viện cấp cứu, trong tình trạng nguy hiểm viêm màng não, nhiễm trùng huyết nặng, huyết áp tụt, tiền sốc, hôn mê, chân tay hoại tử bốc mùi…

Nhiều ca tử vong

Theo thống kê từ Bệnh viện Trung ương Huế, chỉ riêng trong tháng 8 vừa qua đã có 12 ca nhiễm khuẩn liên cầu lợn nhập viện (trong khi cả năm 2009 chỉ ghi nhận chưa tới 10 ca). Đặc biệt, đã có 10 ca tử vong trong số 34 ca nhập viện kể từ đầu tháng 4 đến nay.

Tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, hiện cũng có 5 bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn đang điều trị. Tất cả các bệnh nhân đều là nam giới và nhập viện trong tình trạng nguy kịch.

Bệnh nhân T. vẫn hôn mê sau một tuần điều trị. Ảnh: Tường Linh.

Bệnh nhân Đinh Văn T., 28 tuổi (Duy Tiên, Tam Dương, Vĩnh Phúc) nhập viện được 7 ngày vẫn trong tình trạng hôn mê sâu, chân tay sưng to, hoại tử. Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân không ăn tiết canh nhưng có ăn thịt lợn do người nhà tự giết mổ. Sau khi ăn, anh T. bị đau bụng, đi ngoài, sốt cao, nhập Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương trong tình trạng hôn mê sâu, mạch nhanh, huyết áp bằng 0, thở bóp bóng, gan to, trên da nhiều ban xuất huyết, hoại tử. Bệnh nhân đã được lọc máu liên tục nhưng vẫn trong cơn nguy kịch.

Bệnh nhân Đinh Văn K. (Lý Nhân, Hà Nam) nhiễm liên cầu lợn do ăn lòng lợn mua từ chợ về. Hiện dù đã qua hơn một tháng điều trị, lọc máu bằng ba quả lọc, song vẫn phải thở máy, tinh thần lơ mơ, toàn thân bong tróc thâm đen bởi các vết hoại tử…

Theo bác sĩ Điền, đa phần các bệnh nhân đều phải thở máy và lọc máu liên tục bằng quả lọc (không thể lọc được như bình thường) bởi nhiễm khuẩn huyết, sốc nặng, suy đa phủ tạng… Chi phí thuốc men cho một đợt điều trị lên tới cả trăm triệu đồng, nhưng nhiều bệnh nhân vẫn không qua khỏi. Đặc biệt, với các bệnh nhân bị mắc liên cầu khuẩn thể viêm màng não, sau ra viện vẫn để lại di chứng nặng nề.

Phát hiện và điều trị sớm

ThS Nguyễn Trung Cấp, Khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, cho biết, vi khuẩn liên cầu lợn thường cư trú quanh năm ở họng một số con lợn mà không gây bệnh. Nhưng khi lợn nhiễm virus lợn tai xanh thì sức miễn dịch bị suy giảm khiến vi khuẩn liên cầu phát triển mạnh, gây bệnh viêm phổi, nhiễm trùng huyết cho lợn. Khi mổ thịt những con lợn bệnh này, hoặc đi tiêu hủy không đúng cách, hoặc khi chế biến thịt trước khi đun nấu, thậm chí nhiều người do không biết lợn bệnh nên vẫn ăn các sản phẩm tươi sống như tiết canh, lòng lợn, nem chạo…, khi đó cơ thể người sẽ hấp thu một lượng lớn vi khuẩn liên cầu lợn còn sống. Đặc biệt, trên những nền bệnh nhân như tiểu đường, suy gan, nghiện rượu… thì liên cầu khuẩn lợn càng dễ gây bệnh.

ThS Cấp cảnh báo, điều nguy hiểm là từ khi tiếp xúc, ăn phải thịt lợn bệnh, thời gian khởi phát bệnh rất nhanh. Hơn nữa, dù đã từng bị nhiễm liên cầu khuẩn lợn, người bệnh vẫn hoàn toàn có thể mắc lại lần sau. Vì căn bệnh này giống như nhiễm trùng liên cầu bình thường, không để lại miễn dịch lâu dài cho cơ thể.

Vì thế, theo ThS Cấp, sau khi ăn thịt lợn, nếu xuất hiện các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, đi lỏng, sốt cao… phải cần đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Bởi đây là giai đoạn phát bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng lớn đến tính mạng nếu không can thiệp sớm.

Điều đáng nói, biểu hiện của bệnh liên cầu khuẩn dễ bị chẩn đoán nhầm với các bệnh khác như nhiễm khuẩn huyết, sốt xuất huyết, viêm màng não mủ….

 

Các chuyên gia y tế khuyến cáo, người dân không nên sợ bệnh mà tẩy chay thịt lợn làm ảnh hưởng tới kinh tế và sức khỏe. Bởi thịt lợn là thực phẩm rất tốt. Điều cần làm là không mua, giết mổ thịt lợn bệnh. Virus gây bệnh dễ dàng bị tiêu diệt ở nhiệt độ cao, nên dùng các món thịt đã được chế biến chín, hợp vệ sinh.

Theo datviet

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *