Festival gốm sứ Việt Nam – Bình Dương 2010 vừa bế mạc tại quê gốm Bình Dương sau một tuần diễn ra nhiều hoạt động phong phú, thu hút khoảng 400.000 khách tham quan. Đây là Festival gốm sứ đầu tiên ở Việt Nam và là lễ hội lớn ở các tỉnh phía Nam hướng về Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Khách tham quan chiêm ngưỡng, khám phá vẻ đẹp của gốm

Festival gốm sứ Việt Nam có sự góp mặt đông đủ của các làng nghề đến từ nhiều địa phương trong cả nước, có những làng nghề được hình thành từ rất lâu được nhiều người biết đến và cũng có những làng nghề còn mới mẻ. Tuy nhiên, sự có mặt của mỗi làng nghề mang một nét văn hóa khác nhau của một địa phương làm nên một cuộc hội ngộ đầy sắc màu của gốm Việt.

Festival gốm sứ Việt Nam quy tụ nhiều thương hiệu làng nghề gốm có tên tuổi trong nước như: Bát Tràng, Chu Đậu, Bàu Trúc, Biên Hòa, Vĩnh Long… và cả những làng nghề đến từ các nước bạn như Nhật Bản, Trung Quốc.… Mỗi địa phương mang đến Festival một màu sắc khác nhau với nét văn hóa đặc trưng của địa phương mình. Đây là cuộc hội ngộ đầy màu sắc của những vùng quê gốm từ khắp 3 miền đất nước.

Nếu như Bình Dương được biết đến với nghề làm gốm sứ qua những sản phẩm nổi tiếng khắp Nam Bộ từ lâu đời như lu khạp, chén dĩa, chậu bình…. và nghệ thuật vẽ hoa văn trên sản phẩm gốm, thì khi đến với cuộc hội ngộ gốm Việt, khách thưởng lãm còn được chiêm ngưỡng bước đột phá ngoạn mục của làng nghề này với những sản phẩm cao cấp của một số thương hiệu như: Minh Long, Quốc Cường… được xây dựng trên nền tảng truyền thống và sự phát triển trong tiến trình hội nhập kinh tế.

Bên cạnh đó, triển lãm còn là dịp giao lưu, quảng bá thương hiệu của những làng nghề mới hình thành từ nhiều địa phương trong nước. Mỗi làng nghề có nét đặc sắc riêng và sản phẩm tiêu biểu làm nên thương hiệu của mình. Những sản phẩm ấy không phải tồn tại một cách ngẫu nhiên mà đó là cả một quá trình sáng tạo của người thợ, cộng với sự thăng hoa giữa đất và lửa. Có nơi làm nên tên tuổi của dòng gốm đen nổi tiếng, nhưng cũng có nơi mà nguồn nguyên liệu chỉ có thể là sản phẩm gốm đỏ hay đất nung.

Dọc theo chiều dài dải đất hình chữ S đã hình thành biết bao vùng quê gốm nổi tiếng như: Thổ Hà – Bắc Giang, Chu Đậu- Hải Dương, Bàu Trúc – Ninh Thuận, Biên Hòa – Đồng Nai, Long Hồ – Vĩnh Long … Ngoài ra, còn có các sản phẩm gốm Chăm, gốm Khmer góp phần phong phú hóa các sản phẩm gốm trong nước.

Festival không chỉ là hoạt động đề cao giá trị của nghề gốm sứ, tôn vinh giá trị văn hóa của dân tộc mà còn là dịp để các làng nghề, các nghệ nhân giao lưu, trao đổi kỹ năng, tìm kiếm đối tác. Đặc biệt đây là cơ hội lớn để tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư phát triển ngành gốm sứ và phát triển du lịch gắn với làng nghề này.

Thu Trang

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *