Gần đây, Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển cộng đồng nông thôn thuộc Hội Làm vườn Việt Nam phối hợp với tổ chức ETC Hà Lan và Hội Làm vườn tỉnh Vĩnh Long triển khai dự án phát triển Biogas theo định hướng thị trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm biến chất thải thành năng lượng. Dự án này được triển khai ở 30 xã thuộc 3 huyện Tam Bình, Vũng Liêm và Mang Thít. Qua 18 tháng tổ chức thực hiện, dự án đã mang lại nhiều hiệu quả về kinh tế, xã hội và môi trường.

 

Từ ngày tham gia dự án và đầu tư xây dựng hầm biogas theo công nghệ biogas VACVINA cải tiến đến nay, việc chăn nuôi của ông Hà Văn Ái ở xã Hiếu Thuận, huyện Vũng Liêm được thuận lợi hơn. Đặc biệt việc xử lý chất thải theo công nghệ này vừa đảm bảo vệ sinh và khắc phục được tình trạng gây ô nhiễm môi trường. Ông Ái cho biết:  “Trước sử dụng túi biogas nilong khi sử dụng nó hư hỏng thì phân bay mùi, chòm xóm cũng hơi phiền do vậy sau này được tiếp thu VACVINA cải tiến này, tôi về thực hiện thì môi trường, chòm xóm không còn tình trạng hôi như cũ nữa. Nước thải ra sạch hơn so với túi.”

Điểm nổi bật của dự án phát triển Biogas này chính là việc vận động người dân kết hợp xây dựng hầm biogas với công trình nhà tắm, nhà vệ sinh tự hoại. Cách làm này vừa giúp người dân đỡ tốn diện tích đất để xây dựng các công trình phụ đồng thời cũng góp phần thực hiện tốt chỉ thị 01 của Tỉnh ủy Vĩnh Long.

Theo ông Trần Quang Minh, xã Tân An Luông – Vũng Liêm: “Hầm biogas gắn với nhà vệ sinh hố xí tự hoại nó rất tiện lợi. Nó sẽ tiết kiệm được diện tích vì chúng ta làm hố xí trên hầm biogas. Hai nữa hầm biogas cải tiến này thấy có vẻ chắc chắn, mang tính chất lâu dài được và sau khi hầm đầy, chúng ta có thể tận dụng xác bả phân để bón cây.”

Ngoài việc xử lý an toàn chất thải chăn nuôi, bảo vệ môi trường, các hầm biogas còn tạo ra nguồn khí đốt bền vững, góp phần giúp người chăn nuôi ở nông thôn tiết kiệm đáng kể chi phí về chất đốt.

Anh Nguyễn Hồng Minh, xã Hiếu Thuận – Vũng Liêm cho biết: “Từ khi làm hầm biogas này thấy khí đốt của hầm biogas xài rất tiện lợi, ít tốn tiền gas. Hồi đó mình phải đi mua gas 1 tháng ba trăm, ba trăm mấy. Bây giờ có hầm biogas mình xài gas, xung quanh nhà cũng sạch nữa.”

Tính đến hết tháng 03/2013, dự án phát triển Biogas theo định hướng thị trường khu vực đồng bằng sông Cửu Long nhằm biến chất thải thành năng lượng đã tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi tỉnh Vĩnh Long tham gia xây được 422 hầm biogas, qua đó góp phần giúp các địa phương tham gia dự án từng bước thực hiện tốt tiêu chí môi trường.

Theo ông Nguyễn Đức Thịnh, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & Phát triển cộng đồng nông thôn – Hội Làm vườn Việt Nam: “Với các hộ lắp đặt hầm biogas trung bình mỗi tháng tiết kiệm từ 200.000- 300.000đ tiền mua chất đốt như khí gas công nghiệp hay củi để đun nấu. Ngoài ra, về vấn đề môi trường xây dựng hầm biogas nó đã giải quyết triệt để chất thải từ chăn nuôi không chỉ hộ gia đình mà cho cộng đồng chung quanh hộ chăn nuôi. Về mặt xã hội cũng đóng vai trò rất quan trọng đó là cải thiện điều kiện nấu ăn của phụ nữ và mối quan hệ xã hội cũng được cải thiện khi mà môi trường được xử lý triệt để.”

Từ những hiệu quả thiết thực về kinh tế, xã hội và môi trường do dự án mang lại, các xã vùng nông thôn tỉnh Vĩnh Long cần tiếp tục vận động hộ chăn nuôi tích cực tham gia xây dựng hầm biogas để vừa xử lý tốt chất thải, tiết kiệm được chi phí chất đốt và bảo vệ tốt môi trường nông thôn, qua đó cũng góp phần giúp các địa phương thực hiện tiêu chí nông thôn mới về môi trường./.

Hồ Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *