Bên bờ hạnh phúc

Việc đàn rùa tai đỏ được nhập khẩu bởi Caseamex và nuôi nhốt tại Vĩnh Long thời gian qua đã gây hoang mang trong dư luận về khả năng thoát ra ngoài cũng như có thể gây ảnh hưởng xấu đến môi trường.

 

Ngày 10/8, Tổng cục Thủy sản có buổi làm việc trực tiếp với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long và quyết định hạn chót để Caseamex tái xuất hoặc tiêu hủy toàn bộ đàn rùa là vào ngày 31/8. Song, việc xử lý đàn rùa tai đỏ đã thể hiện nhiều lúng túng và cho nên đến nay đã quá thời gian quy định nhưng đàn rùa vẫn tồn tại trên đất Vĩnh Long.

Theo ông Lê Thiết Bình, Trưởng phòng Bảo vệ và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thì rùa tai đỏ là sinh vật ngoại lai rất nguy hiểm mà khi nhập khẩu phải hết sức thận trọng và phải qua khảo nghiệm của cơ quan chức năng.  Thực tế thì việc nhập rùa của Caseamex đã không được khảo nghiệm và khi Caseamex mang số rùa này nuôi nhốt ở Vĩnh Long cũng không hề thông báo cho lãnh đạo địa phương.

Khi Caseamex đưa rùa tai đỏ về nuôi nhốt ở Vĩnh Long, nhiều người đã đặt câu hỏi, liệu rùa tai đỏ có sinh sản và thoát ra ngoài môi trường tự nhiên? Ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Cty Cổ phần chế biến Xuất nhập khẩu thủy sản Cần Thơ (Casesmex) khẳng định là trứng rùa không thể nở trong điều kiện nuôi nhốt tại trung tâm cũng như rùa không thể thoát ra bên ngoài. Nhưng thực tế, tình hình hoàn toàn ngược lại.  

Ngày 10/8, ông Chu Tiến Vĩnh, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản đã có buổi làm việc trực tiếp với phía Caseamex, sau đó làm việc với lãnh đạo tỉnh Vĩnh Long. Tại buổi làm việc, lãnh đạo Tổng cục Thủy sản quyết định Caseamex phải tái xuất hoặc tiêu hủy toàn bộ số rùa trước ngày 31/8.

Ngày 24/8, ông Trương Văn Sáu đã có buổi làm việc với ông Võ Đông Đức và kiểm tra thực tế việc nuôi nhốt đàn rùa. Tại buổi làm việc, ông Sáu nhắc nhở Caseamex phải nghiêm túc thực hiện theo đúng yêu cầu của Tổng cục Thủy sản. Nhưng vì không có phương án để xuất hoặc tái xuất đàn rùa, Caseamex đã tìm nhiều biện pháp để tránh, kéo dài thời gian, không thực hiện quyết định của Tổng cục Thủy sản. Tổng cục Thủy sản cũng có văn bản gia hạn cho phía Caseamex thời gian báo cáo kết quả tái xuất hoặc tiêu hủy là hết ngày 5/9/2010. Nhưng hiện là ngày 8/9, rùa tai đỏ vẫn hiện hữu ở Vĩnh Long.

Qua đó cho thấy, lãnh đạo cơ quan hữu quan có những quyết định cụ thể nhưng không có biện pháp thực thi quyết định ấy, thể hiện sự lúng túng trong cách xử lý. Một số nhà quản lý còn cho rằng, rùa tai đỏ đã xuất hiện ở Việt Nam hơn 10 năm nhưng chưa thấy gây hại gì, nên cứ từ từ xử lý.

Một bài học vẫn còn nguyên giá trị cảnh báo là ốc bươu vàng xâm nhập vào nước ta từ năm 1975, nhưng đến những năm 1990 mới trở thành đại dịch. Do đó, nếu không kiên quyết hơn trong vấn đề xử lý triệt để đàn rùa này thì không ai dám khẳng định, trong vài năm nữa sẽ không có một đại dịch rùa tai đỏ?

Trường Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *