Bên bờ hạnh phúc

          Khoai lang là mặt hàng nông sản chủ lực của huyện Bình Tân. Vùng chuyên canh khoai lang lớn nhất ĐBSCL này hàng năm đã mang lại nguồn lợi không nhỏ góp phần phát triển kinh tế địa phương. Tuy nhiên, theo nhìn nhận và đánh giá của nhiều chuyên gia thì sự phát triển khoai lang hiện nay thiếu tính bền vững, giá cả bấp bênh vì đầu ra tiêu thụ phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc.

 

         Muốn mở rộng thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm, không còn cách nào khác là người dân phải thay đổi tập quán sản xuất, liên kết tạo thương hiệu khoai lang Bình Tân và sản xuất theo hướng sạch thì mới có thể phát triển bền vững.

         Ruộng khoai của anh Nguyễn Thành Long ở xã Nguyễn Văn Thảnh, huyện Bình Tân đang phát triển. Mỗi tuần, anh Long đều phải sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phun xịt lên ruộng khoai để phòng trừ sâu bệnh, sùng gây hại và cả các loại động vật như chuột tấn công. Anh Long cho biết: Xịt thuốc này là thuốc topizet, bảo vệ khoai mỗi tuần xịt một lần. Nếu mà xịt tốt mỗi tuần một lần thì kết quả có thể đạt 90%, sợ mấy người bỏ cữ thì mấy con sâu mới cạp lỗ.

          Dù ngành chức năng đã tuyên truyền nhiều về tác hại của việc phun xịt thuốc bảo vệ thực vật, thuốc tăng trưởng khoai, tuy nhiên vì từ lâu người dân đã quen với tập quán canh tác kiểu này nên tuy có hiểu về tác hại của thuốc đối với khoai lang và sức khỏe người tiêu dùng, nhưng việc thay đổi không phải là dễ. 

        Theo anh Ngô Văn Hải, P.Chủ nhiệm HTX khoai lang Tân Thành, Bình Tân: Mình hổng tưới thì hổng được, nói chung hổng tưới thì sâu rầy nó ảnh hưởng là mình hổng có thu hoạch được nên bắt buộc nông dân mình phải xử lý thuốc, còn chất lượng khoai thì khi mà sử dụng thuốc nhiều thì chất lượng chắc là không đảm bảo được rồi. Nói chung là nông dân mình đây ai cũng phải vậy hết chứ không biết sao mà nói. 

           Thạc sĩ Lê Quốc Cường, P.Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cho biết: Qua một vụ bà con sử dụng từ 15 tới 18 lần thì chúng tôi thấy rất là nguy hiểm. Nếu vụ này cũng như thế vụ kia cũng như thế, rồi năm này, năm khác thì nó sẽ tích lũy, trước mắt thì nó ảnh hưởng đến người sử dụng thuốc và thứ hai thì ảnh hưởng đến người tiêu dùng vì nông sản của mình chắc chắn dư lượng có trong đó, và thứ ba là môi trường sống của mình sẽ bị hủy hoại đi, đặc biệt là môi trường nước, đất bị nhiễm thuốc rồi nước, thuốc trực di xuống mạch nước ngầm, mình lấy nước ngầm lên xài thì rất nguy hiểm. 

          Thời gian qua, thị trường tiêu thụ khoai lang của Vĩnh Long chủ yếu là Trung Quốc và luôn bị thương lái thao túng giá. Trong năm 2012, Sở NN-PTNT tỉnh đã phối hợp với Cục Chế biến thuộc Bộ NN-PTNT đi khảo sát các thị trường mới như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… nhưng xem ra việc xúc tiến đưa hàng sang qua các thị trường này còn gặp nhiều khó khăn. 

         Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, P.Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: Ở thị trường các nước thì giá khoai ở mức khá cao, nhưng đòi hỏi về chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm rất khắc nghiệt. Họ chủ yếu nhập của chúng ta là khoai đã luộc, mà khoai luộc thì chúng ta không xuất được nhiều. Còn khoai tươi thì họ cho rằng khoai của chúng ta có vấn đề về vệ sinh an toàn thực phẩm, về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và dư lượng vi sinh vật nên trong khâu kiểm định thì họ chưa chấp nhận. 

          Đó là minh chứng cho thấy, nếu người nông dân không thay đổi tập quán canh tác thì khoai lang Vĩnh Long vẫn sẽ lệ thuộc vào thị trường Trung Quốc, và điệp khúc khoai lang được mùa rớt giá, được giá mất mùa sẽ vẫn cứ lại tái diễn. 

        Cũng theoThạc sĩ Nguyễn Văn Liêm: Bà con nông dân chúng ta cần chú ý thêm vấn đề về sản xuất theo hướng an toàn, đó là theo hướng GAP, hoặc chúng ta cần đảm bảo sử dụng phân bón thuốc BVTV đúng thời gian cách ly và phải thận trọng không vì quyết tâm bảo vệ được khoai lang mà chúng ta sử dụng quá nhiều loại thuốc gần ngày cách ly hoặc đưa vào nhiều loại phân bón không có trong danh mục thì vô tình chúng ta làm cho sản phẩm của chúng ta không an toàn thì khi đó chúng ta không thể nào đem đi bán ở những thị trường khó tính và như thế chúng ta không thể nào nâng cao giá trị của khoai lang chúng ta và nếu như thế thì hiệu quả kinh tế của việc trồng khoai sẽ không mang lại hiệu quả cao.

         Trường Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *