Bên bờ hạnh phúc

Ở các vùng nông thôn miền Bắc Ấn Độ, vai trò của phụ nữ trong gia đình thường bị xem nhẹ do họ bị lệ thuộc về kinh tế. Với mục tiêu thúc đẩy bình đẳng giới chứ không chỉ vì lợi nhuận, quỹ phi chính phủ Deepalaya đã cung cấp các khoản vay vi tài chính cho nhiều phụ nữ nghèo khởi nghiệp và vươn lên trong cuộc sống.

Cách đây 8 năm, bà Shahnaz Begum được cung cấp khoản vay trị giá 1.000 USD dành để mua trâu. Trước đó, người phụ nữ này hầu như chưa từng kiếm được đồng nào. Giờ đây, bà đã có nguồn thu nhập, có điều kiện cho con cái ăn học và có được tiếng nói hơn. Bà cho biết: "Tôi cảm thấy tự tin rằng là một phụ nữ, tôi có thể làm được điều gì đó hữu ích."

Bà Shahnaz Begum bên đàn trâu mua được nhờ khoản vay vi tài chính

Tại Ấn Độ, chỉ khoảng 26% phụ nữ có công việc được trả lương. Còn ở các làng mạc thuộc quận Mewat của bang Haryana này, phụ nữ ít khi rời khỏi nhà hay tự mình khởi nghiệp. Bà Shyam Panchal có 4 con, hiện đang có một cơ sở sản xuất sữa nhờ khoản vay vi tài chính từ quỹ Deepalaya. Bà nói:  "Trước đây, tôi thậm chí không đến ngân hàng hay trò chuyện với ai, kể từ khi gia nhập Deepalaya, tôi cảm thấy tự tin khi chuyện trò với bất kỳ ai."

Theo quỹ Deepalaya, tiềm năng kinh tế cộng đồng có liên quan mật thiết với vai trò người phụ nữ. Ông T.K. Mathew, Giám đốc Điều hành Deepalaya cho biết: "Nếu giúp đỡ người mẹ, thì con cái họ trở nên an toàn hơn. Với quan điểm này, chúng tôi đã tiếp xúc với nhiều phụ nữ và nhận thấy rằng họ rất có tiềm năng làm kinh tế."

Tại Ấn Độ, chỉ khoảng 26% phụ nữ có công việc được trả lương.

Quỹ Deepalaya chỉ cung cấp khoản vay cho các nhóm phụ nữ mà trước tiên họ phải góp vốn tiết kiệm vào. Không giống như các tổ chức tài chính thông thường, quỹ này tính lãi suất thấp và cho phép người vay bắt đầu trả nợ sau 20 tháng. Trong 10 năm qua, 13.000 phụ nữ Ấn Độ đã được vay tiền để tạo dựng nên 7.000 cơ sở và đóng góp lượng vốn xoay vòng trị giá 2 tỷ USD. Nhờ đó, đông đảo phụ nữ nghèo đã có cơ hội vươn lên trong cuộc sống. Họ tin tưởng vào tương lai tốt hơn cho con cái, nhất là trẻ gái khi chúng được học hành, có điều kiện làm việc và không cần phải bước vào hôn nhân sớm.

Phúc Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *