Bên bờ hạnh phúc

Sóng gió lại vừa nổi lên trong quan hệ giữa Mỹ và Afghanistan khi hôm 10/3 vừa qua, tổng thống Afghanistan Hamaid Karzai lên tiếng cáo buộc Mỹ đã bí mật đàm phán với lực lượng Taliban để cho người dân thấy rằng tình hình bạo lực ở Afghanistan sẽ nghiêm trọng hơn nếu liên quân nước ngoài rút khỏi quốc gia Nam Á này. Tất nhiên là cáo buộc trên đã bị Washington phủ nhận, tuy nhiên theo giới phân tích, điều này đã một lần nữa cho thấy lòng tin của Afghanistan đối với Mỹ đang càng lúc càng vơi.

Trong bài diễn văn được phát sóng trên toàn quốc, tổng thống Karzai nói rằng hai vụ nổ ở thủ đô Kabul và tỉnh Khost hôm 9/3 được thực hiện nhằm phục vụ lợi ích của Mỹ. Chính quyền của tổng thống Mỹ Barack Obama đã liên tục bác bỏ cáo buộc trên đồng thời nhấn mạnh lý do mà ông Karzai đưa ra hoàn toàn đi ngược với các chủ trương của Mỹ liên quan đến cuộc chiến ở Afghanistan.

Tổng thống Afghanistan Hamid Karzai

Trước đó, kế hoạch chuyển giao nhà tù Bagram do Mỹ kiểm soát ở Afghanistan cho lực lượng an ninh bản địa dự kiến vào ngày 9/3 cũng đã thất bại khi hai bên vào phút chót vẫn bất đồng xung quanh số phận của khoảng 3.000 nghi phạm đang bị giam giữ tại đây.

Theo giới phân tích, cách đây hơn 11 năm, Mỹ đã đưa quân sang Afghanistan với giấc mơ xây dựng nhà nước Afghanistan tự chủ và có đủ khả năng bảo đảm an ninh trên toàn lãnh thổ, song quan trọng hơn hết là ngăn chặn sự phát triển của mạng lưới khủng bố al-Qaeda. Tuy nhiên, cuộc chiến dai dẳng nhất và hao tài tốn của nhất của cường quốc số 1 thế giới này đã không đạt kết quả như mong đợi. Với hơn 2.000 lính Mỹ đã thiệt mạng cùng hàng ngàn tỉ đô la đổ vào chiến trường này, đáng lẽ Mỹ phải được người dân Afghanistan đánh giá cao những cố gắng của họ. Tuy nhiên thực tế cho thấy niềm tin mà người dân Afghanistan dành cho các binh sĩ Mỹ ngày càng giảm sút. Một trong những dấu hiệu của sự giảm sút đó là việc hôm 24/2 vừa qua, tổng thống Karzai đã yêu cầu các lực lượng đặc nhiệm Mỹ rút khỏi tỉnh Wardak chiến lược nằm gần thủ đô Kabul với cáo buộc lực lượng này đã tra tấn và sát hại dân thường tại tỉnh Wardak.

Nhà Trắng tuyên bố nếu không xây dựng được một chính phủ ổn định tại Afghanistan thì quốc gia này sẽ rơi vào tay Taliban, sau đó là rơi vào tay al-Qaeda. Chính vì vậy mà đến tận bây giờ Washington vẫn chưa đưa ra quyết định sẽ để lại bao nhiêu quân ở chiến trường Afghanistan sau năm 2014 mặc dù trước đó tổng thống Obama khẳng định chiến tranh ở Afghanistan sẽ kết thúc vào thời điểm trên. Tuy nhiên các chuyên gia cho rằng khi sự hoan nghênh và lòng tin đã không còn, cũng như có quá nhiều việc phải giải quyết trong quan hệ song phương hiện nay, thì Mỹ nên nhanh chóng rút khỏi Afghanistan. Bởi lẽ xét cho cùng, những lợi ích, nếu có, của việc duy trì sự hiện diện quân sự này mang lại sẽ không thể bù đắp những tổn thất kinh tế mà Washington sẽ phải gánh chịu.

Hồng Anh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *