Bên bờ hạnh phúc

 Hiện nay, ở một số nơi trong tỉnh Vĩnh Long bà con nông đang bước vào thời điểm thu hoạch rộ lúa Đông Xuân năm 2012-2013. Nhìn chung, năng suất lúa Đông Xuân vụ này đạt khá cao, bình quân đạt 6,8 tấn/ ha. Khâu thu hoạch được cơ giới hóa nên tiến độ thực hiện rất nhanh và đảm bảo chất lượng hạt lúa được tốt.

 

Vụ Đông Xuân năm nay, anh Lê Hoàng Bảo ở ấp Vĩnh Thành xã Vĩnh Xuân huyện Trà Ôn sản xuất hơn 1 ha lúa chất lượng cao. Niềm phấn khởi của anh trong vụ lúa này là ngoài việc trúng mùa anh còn thuê được máy gặt đập liên hợp về thu hoạch lúa để rút ngắn được thời gian, giảm tỷ lệ thất thoát và tăng thêm hiệu quả kinh tế.

Anh Lê Hoàng Bảo cho biết: “Trước kia tôi cắt bằng tay khoảng 3, 4 ngày lúa mới đem về tới nhà, nhiều khi ảnh hưởng thời tiết nó còn kéo dài ra nữa. Còn bây giờ là đã cơ giới hóa, đặc biệt như máy GĐLH, trong 12 công lúa này tôi làm khoảng hơn nửa buổi thôi là lúa đã về tới nhà xong.”

Điều đáng ghi nhận trong việc thu hoạch lúa Đông Xuân năm nay là  phần lớn diện tích đều được thực hiện bằng máy gặt đập liên hợp, không chỉ giúp nông dân hóa giải được tình trạng khan hiếm lao động, mà còn giảm bớt được chi phí nhân công và nâng cao được chất lượng hạt lúa. Hiện nay giá thu hoạch lúa bằng máy trọn gói chỉ có từ 240.000 đến 250.000 đồng/công, thấp hơn từ 50.000 đến 100.000 đồng/công so với thu hoạch bằng biện pháp thủ công, từ đó giảm được giá thành sản xuất lúa cho nông dân. Ngoài ra, thu hoạch bằng cơ giới còn giúp cho công việc được tiến hành nhanh gọn và ít lúa bị hao hụt do rơi vãi…

Anh Nguyễn Thanh Trúc, xã Hòa Thạnh – Tam Bình cho rằng: “Trong sản xuất lúa, trước đây thu hoạch bằng nhân công, thùng suốt, cắt tay thì rất khó khăn phải thuê mướn nhân công rất là tốn kém. Còn so với bây giờ có cơ giới hóa, có máy gặt đập liên hợp thì bà con thu hoạch rất là khỏe trong vòng 1,2 ngày có máy là làm xong, ít hao hụt đỡ nhân công.”

Nhằm đẩy mạnh chương trình cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa, trước đây, tỉnh cũng đã có chính sách hỗ trợ lãi suất một phần cho nông dân mua sắm máy gặt đập liên hợp. Nhờ vậy, đến nay toàn tỉnh có gần 1.000 máy gặt đập liên hợp. Nếu tính bình quân mỗi máy thu hoạch được từ 3 đến 5 ha/ ngày thì trong một ngày toàn tỉnh có từ 3.000 đến 5.000 ha lúa được thu hoạch xong. Đặc biệt, việc thu hoạch lúa bằng cơ giới sẽ làm tỷ lệ thất thoát trong thu hoạch giảm chỉ còn 2% trong khi cắt bằng tay tỷ lệ này lên tới hơn 10%.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Văn Liêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long: “Với số lượng máy hiện có thì chúng ta chỉ thu hoạch được khoảng 70% diện tích trong đợt này. Nếu chúng ta tính ra thêm các đợt xuống giống không tập trung, nếu số máy này thì chúng ta thu hoạch trên 80%, thậm chí 90% số diện tích được thu hoạch bằng máy. Thực tế trên đồng ruộng bà con chúng ta đa số đều chọn thu hoạch bằng máy gặt đập để vừa giảm chi phí vừa hạn chế thất thoát. Đây là hướng Sở NN-PTNT cũng như là các địa phương chúng ta phấn đấu làm sao đảm bảo đưa cơ giới hóa vào sản xuất nhằm giảm chi phí, giảm thất thoát tăng năng suất và tăng lợi nhuận cho bà con nông dân.”

Thực tế cho thấy khi thực hiện cơ giới hóa trên đồng ruộng thì việc sản xuất và thu hoạch lúa được nhanh gọn sẽ giúp người nông dân chủ động được thời gian, tăng hiệu quả sản xuất. Đây cũng là một trong các giải pháp hướng đến mục tiêu công nghiệp hóa – hiện đại hóa ngành sản xuất nông nghiệp của tỉnh, góp phần tăng hiệu quả kinh tế và tăng thu nhập cho người dân nông thôn theo đúng chủ trương của chương trình xây dựng nông thôn mới hiện nay./.

Lê Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *