Bên bờ hạnh phúc

Chính phủ Thái Lan mới đây đã bất ngờ ký kết thỏa thuận hòa bình với nhóm phiến quân Mặt trận Cách mạng dân tộc (BRN) ở miền Nam nước này. Đây được xem là bước ngoặc quan trọng nhằm giúp làm dịu căng thẳng và đi đến giải quyết cuộc xung đột kéo dài hơn 9 năm qua ở xứ sở chùa vàng, khiến hàng ngàn người thiệt mạng. Tuy nhiên, theo giới phân tích, hành trình đi tới một nền hòa bình lâu dài cho khu vực đầy bất ổn này của Thái Lan có thể sẽ không mấy dễ dàng.

Thỏa thuận nói trên được ông Hassan Thoyib, đại diện BRN, và ông Paradorn Pattanathabutr, thư ký Hội đồng an ninh Quốc gia Thái Lan, ký tại Kuala Lumpur nhân chuyến thăm Malaysia của Thủ tướng Yingluck Sinawatra. Các phương tiện thông tin đại chúng Thái Lan cho biết, các cuộc đàm phán cụ thể hóa thỏa thuận sẽ diễn ra trong 2 tuần nữa tại một địa điểm ở Malaysia.

Chính phủ Thái Lan ký thỏa thuận hòa bình với đại diện một nhóm nổi dậy ở miền Nam

Khôi phục hòa bình ở miền nam là một trong ba nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình hành động từng được Chính phủ đương nhiệm Thái Lan công bố khi nhậm chức cách đây hơn 1,5 năm. Mấy năm trở lại đây, các cơ quan an ninh nước này cũng đã nhiều lần tìm cách thúc đẩy các nỗ lực đàm phán với lực lượng nổi dậy tại đây nhưng không có kết quả. Do vậy, thỏa thuận mới ký được giới học giả và cả cộng đồng Hồi giáo Thái Lan hoan nghênh, coi đó là bước đột phá mang tính lịch sử.

Hiện trường vụ đánh bom tại tỉnh Narathiwat.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, điều đó không có nghĩa một nền hòa bình lâu dài sẽ dễ dàng được thiết lập ngay tại các tỉnh miền Nam Thái Lan vì còn ít nhất 3 phong trào ly khai đang hoạt động tại đây và họ vẫn chưa tham gia đàm phán. Ngoài ra, các phong trào này cũng không đánh giá cao vai trò cũng như ảnh hưởng của Hassan Thoyib – người đứng ra ký thỏa thuận hòa bình cho BRN. Một số chuyên gia còn bày tỏ quan ngại rằng, thỏa thuận nói trên thậm chí sẽ khó có thể làm thuyên giảm tình trạng bạo lực ở khu vực miền Nam Thái Lan và vụ đánh bom liều chết ở tỉnh Narathiwat diễn ra chưa đầy 24 giờ sau khi thỏa thuận được ký kết, khiến nhiều người bị thương là một ví dụ.

Dẫu vậy, nhiều ý kiến cho rằng, sự kiện Chính phủ Thái Lan và BRN ký kết thỏa thuận hướng tới hòa giải vẫn là "điểm khởi đầu của một quá trình lâu dài", làm dấy lên hy vọng hòa bình cho các vùng đất cực Nam Thái Lan. Dù phía trước còn nhiều vấn đề phải giải quyết, nhưng thỏa thuận vừa đạt được với BRN đã thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ Thái Lan nhằm tìm kiếm và thiết lập một nền hòa bình lâu dài tại khu vực đầy bất ổn này.

Minh Thái

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *