Bên bờ hạnh phúc

Cùng với cả nước, trong những ngày cuối tháng 2, các địa phương- đơn vị trong toàn tỉnh Vĩnh Long đã và đang tổ chức lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Đây là đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, rộng lớn trong toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, nhằm phát huy quyền làm chủ, huy động trí tuệ, tâm huyết của các tầng lớp nhân dân và tạo sự đồng thuận của  nhân dân trong việc xây dựng Hiến pháp để Hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân.

 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có 11 chương, 124 điều. So với Hiến pháp năm 1992, Dự thảo giảm 1 chương, 23 điều, giữ nguyên 13 điều, sửa đổi 99 điều và bổ sung 11 điều mới. So với Hiến pháp 1992 thì Dự thảo lần này có nhiều tiến bộ.

 

 Góp ý về chế độ chính trị, tất cả các ý kiến đều cho rằng : Dự thảo quy định : Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng tiên phong lãnh đạo Nhà nước và xã hội, đó là sự khẳng định đúng đắn. Tuy nhiên, Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội như thế nào thì cần được xác định bằng một số điều trong Hiến pháp. Bởi hiện nay, quyền và nghĩa vụ của nhân dân, của các cơ quan Nhà nước đã được quy định rất cụ thể. Trong khi đó quyền và nghĩa vụ của lực lượng lãnh đạo Nhà nước và nhân dân là Đảng thì quy định chưa thật cụ thể rõ ràng. Vì vậy, có thể dành một chương riêng, chứ chỉ có điều 4 thì chưa đầy đủ.

 Góp ý về bộ máy Nhà nước, tất cả các ý kiến đều có chung nhận định : Dự thảo tiếp tục kế thừa bản chất và mô hình tổng thể của bộ máy Nhà Nước trong Hiến pháp năm 1992, thể chế hoá các quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà Nước pháp quyền. Dự thảo đã làm rõ hơn nguyên tắc phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp và điều chỉnh lại một số nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan này, bổ sung một số thiết chế Hiến định độc lập, là Hội đồng Hiến pháp, Hội đồng Bầu cử quốc gia và Kiểm toán Nhà nước.

Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đã được Dự thảo quy định đầy đủ, sâu sắc và nhất quán hơn, thể hiện một bước tiến mới về nhận thức lý luận. Tuy nhiên cũng có ý kiến cho rằng : Việc tổ chức bộ máy Nhà nước hiện nay chưa thật sự phù hợp với tinh thần của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Điều này thể hiện rõ nhất trong cơ chế kiêm nhiệm các chức danh trong bộ máy hành pháp và tư pháp. Chính cơ chế kiêm nhiệm này đã làm giảm hiệu lực của quyền giám sát đối với hoạt động của Nhà nước.

 Góp ý về quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân, hầu hết các ý kiến đều cho rằng : Dự thảo tiếp tục khẳng định và làm rõ hơn các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp năm 1992. Đồng thời bổ sung một số điều mới, là kết quả của quá trình đổi mới đất nước, phù hợp với điều ước quốc tế về quyền con người mà Cộng hoà – Xã hội – Chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, là đáng hoan nghênh. Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân thể hiện trong Dự thảo có bước phát triển về nhận thức cũng như cách thể hiện. Điểm mới nhất, là Dự thảo đưa quyền con người lên chương 2. Đây không đơn thuần là sự thay đổi vị trí mà là sự xác định nhân dân là chủ thể của quyền lập Hiến. Tuy nhiên, cách thể hiện của Dự thảo có những chỗ cần phải làm rõ hơn. 

 Góp ý về chế độ kinh tế, tất cả các ý kiến đều tâm đắc với điều 54 của Dự thảo đã khẳng định : “ Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với nhiều hình thức sở hữu, nhiều thành phần kinh tế. Các thành phần kinh tế đều là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, cùng phát triển lâu dài, hợp tác, bình đẳng và cạnh tranh theo pháp luật”. Sự khẳng định này vừa bám sát nội dung của Cương lĩnh, vừa phù hợp với tính chất quy định của Hiến pháp. Còn tên gọi và vai trò của từng thành phần kinh tế cụ thể sẽ được xác định trong luật và các chính sách cụ thể của Nhà nước. Tuy nhiên, cũng có ý kiến đề nghị nêu cụ thể tên và vai trò của các thành phần kinh tế trong Hiến pháp để làm rõ hơn tính chất của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

 

 

 

Góp ý về xã hội – văn hoá, hầu hết ý kiến có chung nhận định : Dự thảo tiếp tục kế thừa và khẳng định trách nhiệm của Nhà nước và xã hội trong lĩnh vực lao động, việc làm và an sinh xã hội, chăm sóc sức khoẻ nhân dân, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá, xây dựng gia đình gia đình truyền thống, phát triển con người, bổ sung quy định trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động và tạo điều kiện xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hoà và ổn định.

 Góp ý về địa vị pháp lý của Viện Kiểm nhân dân, có ý kiến cho rằng : Dự thảo tiếp tục kế thừa quy định của Hiến pháp năm 1992, với chức năng là thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp. Ngoài việc góp phần bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất, Dự thảo bổ sung thêm nhiệm vụ của Viện kiểm sát là “ Bảo vệ pháp luật, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ lợi ích Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Quy định mới này phù hợp với chức năng mà Viện kiểm sát đang đảm nhận. Bởi hiện nay, Viện kiểm sát không chỉ có vai trò, trách nhiệm là bên buộc tội mà còn có trách nhiệm chống làm oan cho người vô tội, phát hiện và xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động tư pháp. 

 Góp ý Chương IV về bảo vệ Tổ Quốc, các ý kiến thống nhất cho rằng, Dự thảo tiếp tục khẳng định : Bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, giữ vững an ninh Quốc gia là sự nghiệp của toàn dân. Trong đó lực lượng vũ trang nhân dân giữ vai trò nòng cốt, phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững chắc Tổ quốc, bổ sung quy định về góp phần bảo vệ hoà bình ở khu vực và trên thế giới. Đồng thời Dự thảo cũng khẳng định lực lượng vũ trang có trách nhiệm tuyệt đối trung thành với Đảng và bảo vệ Đảng, bổ sung việc thực hiện nghĩa vụ quốc tế của lực lượng vũ trang nhân dân.

 Có thể nói, với tinh thần xây dựng có trách nhiệm cao, phần lớn cán bộ- đảng viên, công chức – viên chức và  các tầng lớp nhân dân tỉnh Vĩnh Long đã tích cực nghiên cứu đóng góp nhiều ý kiến có giá trị, với kỳ vọng việc sửa đổi Hiến pháp lần này sẽ tạo cơ sở pháp lý, đảm bảo đổi mới đồng bộ cả về kinh tế và chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Đồng thời hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, xây dựng và bảo vệ đất nước, tích cực hội nhập quốc tế.

 Để Hiến pháp thể hiện được ý chí, nguyện vọng của nhân dân, hiện nay Ban chỉ đạo Vĩnh Long đang khẩn trương tập hợp, tổng hợp một cách đầy đủ, chính xác, trung thực tất cả những ý kiến đóng góp tâm huyết của nhân dân vào Dự thảo sửa đổi Hiến pháp gửi Chính Phủ và Uỷ ban sửa đổi Hiến pháp Quốc gia để hoàn chỉnh Hiến pháp có tính ổn định lâu dài, tạo cơ sở pháp lý nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu, định hướng phát triển toàn diện, bền vững đất nước giai đoạn cách mạng mới, xây dựng nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh mà Nghị quyết đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng đã đề ra.

Trần Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *