Bên bờ hạnh phúc

 Hoạt động sản xuất lúa ở ĐBSCL  ngày càng chịu áp lực lớn về sâu bệnh và ô nhiễm môi trường,  do trong quá trình canh tác bà con nông dân đã sử dụng thuốc BVTV tràn lan . Để giảm thiểu áp lực trên, từ nhiều năm qua các tỉnh ĐBSCL đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp mới như chương trình IPM,  3 giảm -3 tăng, 1 phải- 5 giảm … và gần đây là chương trình Công nghệ sinh thái trên ruộng lúa hay còn gọi là “ Ruộng lúa bờ hoa”, nhằm lợi dụng những côn trùng, thiên dịch có ích để khống chế các loài sâu bệnh gây hại  trên cây lúa . Việc ứng dụng công nghệ sinh thái trên đồng ruộng có thể xem là biện pháp tổng hợp của các giải pháp kỹ thuật, nhằm hướng đến mục tiêu canh tác lúa bền vững, thân thiện với môi trường.

 

 

 Do cây lúa bị áp lực ngày càng nặng bởi sự tấn công gây hại của các đối tượng sâu bệnh mà hàng năm người nông dân đã phải tiêu tốn một khối lượng thuốc BVTV khá lớn để phòng trừ, vừa tốn kém vừa gây tác hại đến môi trường. Nhằm hướng đến một nền sản xuất nông nghiệp an toàn và bền vững, các nhà chuyên môn đã khuyến cáo nông dân thay đổi dần phương cách quản lý các loại bệnh và côn trùng gây hại lúa theo hướng thân thiện với môi trường. Và biện pháp sinh học quản lý dịch hại trên cây lúa bằng công nghệ sinh thái hiện đang được nhiều nông dân chọn để áp dụng. Bởi,  nó đáp ứng tốt yêu cầu đó . Nguyên lý cơ bản của biện pháp này là lợi dụng côn trùng có ích (thiên địch) để tấn công các loài dịch hại, bảo vệ cây lúa. Từ đó giảm bớt việc sử dụng thuốc hóa học trên đồng ruộng, nhưng vẫn đảm bảo năng suất và chất lượng sản phẩm.

Hiện nay, tuy tình hình rầy nâu, sâu bệnh hại trên ruộng lúa luôn được kiểm soát tốt, nhưng chúng vẫn luôn là mối hiểm nguy thường xuyên đe dọa các vụ lúa. Từ các công trình nghiên cứu khoa học về nông nghiệp cho thấy không chỉ có nước ta, mà nhiều  quốc gia khác trong khu vực cũng đang phải đối mặt với nguy cơ mất mùa do các đối tượng dịch hại gây ra, mà những tác động từ quá trình thâm canh tăng vụ, biến đổi khí hậu và nhiều sai lầm khác của bà con nông dân, nhất là việc sử dụng tràn lan, vô nguyên tắc các loại thuốc BVTV, chính là những nguyên nhân chủ yếu gây ra tình trạng này.

 Nhằm tìm ra những giải pháp phòng trừ dịch hại hiệu quả và an toàn hơn, từ vụ Đông Xuân 2009-2010 Bộ NN&PTNT đã tiến hành xây dựng mô hình cộng đồng quản lý rầy nâu, sâu cuốn lá, bệnh siêu vi khuẩn trên ruộng lúa bằng công nghệ sinh thái. Đầu tiên mô hình này được thực hiện tại tỉnh Tiền Giang, sau đó là An giang. Và hiện nay đã được nhân rộng đến tỉnh Vĩnh long, và các tỉnh trong khu vực ĐBSCL. Mục tiêu của chương trình là duy trì sự đa dạng về cây trồng và quần thể sinh vật có ích trên đồng ruộng, hình thành một hệ sinh thái ruộng lúa luôn được cân bằng.

Về biện pháp thực hiện, nhìn chung mô hình vẫn áp dụng những kỹ thuật canh tác tiên tiến, như xuống giống né rầy, canh tác lúa theo chương trình  IPM, 3 giảm -3 tăng  và 1 phải- 5 giảm, nhưng có thêm điểm mới là kết hợp trồng thêm các loại hoa trên bờ ruộng. Những giống hoa được chọn trồng như  cúc mặt trời, hoa soi nhái, cúc dại, hoa xuyến chi, đậu bắp, mè…. là những loại hoa màu sắc sặc sỡ, và có khả năng thích nghi tốt trong điều kiện  ở ngoài đồng ruộng

Khi trồng các loại hoa trên bờ ruộng, nhất là hoa có màu trắng và màu vàng thường có nhiều mật và phấn, nên có khả năng thu hút nhiều thiên địch đến cư trú, và hầu hết  các loài thiên địch này đều ăn các loài côn trùng gây hại lúa, như rầy nâu, sâu cuốn lá và kể cả nhện gié. Vì vậy ruộng lúa không phải phun xịt  thuốc trừ sâu rầy như tạp quán canh tác thông thường của nông dân. 

Tại Vĩnh long chương trình công nghệ sinh thái bằng cách trồng hoa trên bờ ruộng đã được thực hiện ở huyện Vũng liêm từ vụ lúa hè thu  năm 2011 cho đến nay, trên tổng diện tích 30 ha ruộng trồng lúa liền kề nhau ở ấp Hiếu minh A, xã Hiếu nhơn . Kết quả cho thấy, áp dụng công nghệ sinh thái bà con nông dân đã giảm từ 2 đến 3 lần phun thuốc trừ sâu bệnh, mà năng suất  vẫn đạt trung bình từ 6 đến 6,5 tấn/ha đối với vụ hè thu, thu đông; và 7 đến 7,5tấn/ha đối  với vụ đông xuân, tăng từ 0,5 -1 tấn/ ha so với sản xuất lúa bình thường. Về tổng thu trên một héc-ta đất canh tác theo mô hình công nghệ sinh thái và sản xuất lúa theo tạp quán của nông dân vẫn tương đương nhau. Tuy nhiên, do tiết giảm được chi phí giống, phân bón và thuốc BVTV …. nên lợi nhuận ở mô hình ứng dụng công nghệ sinh thái cao hơn gần 3,5 triệu đồng so với ruộng nông dân.

Thực tế cho thấy khi áp dụng công nghệ sinh thái, trồng hoa trên bờ ruộng thì mật số thiên địch gia tăng đáng kể và tỷ lệ ấu trùng sâu cuốn lá nhỏ và trứng rầy bị thiên địch ký sinh nhiều hơn. Nhờ vậy, các diện tích lúa thực hiện chương trình công nghệ sinh thái này, hầu như trong suốt mùa vụ không có sử dụng thuốc trừ sâu rầy, nên giảm được chi phí sản xuất, nâng cao lợi nhuận. Ngoài ra còn giảm ô nhiễm môi trường, và đặc biệt là giảm gây tác hại cho sức khỏe người nông dân và cộng đồng. 

 

Vụ đông xuân 2012-2013 là vụ thứ 5 gia đình ông Hà Văn Quýt  ở ấp Hiếu minh A, xã Hiếu nhơn, huyện Vũng liêm áp dụng công nghệ sinh thái –  trồng hoa trên bờ xung quanh ruộng lúa. Theo ông, mô hình này  đã giúp nông dân tiết kiệm gần phân nửa lượng lúa giống gieo sạ, giảm 1/4 lượng phân hóa học, nhất là hạn chế được 3 lần phun thuốc BVTV phòng ngừa sâu bệnh … Nhưng năng suất lúa vẫn đạt trung bình từ 6 đến 8 tấn / ha, Cụ thể, trong vụ đông xuân 2012-2013 này, năng suất đạt trên 7,5 tấn/ha. Ngoài hiệu quả về kinh tế, điều quan trọng nữa là đã giúp giảm thiểu được tình trạng ô nhiễm môi trường và tạo được vẻ mỹ quan cho đồng ruộng. 

Bên cạnh hiệu quả kinh tế, chương trình sản xuất lúa bằng công nghệ sinh thái còn mang lại lợi ích sâu sắc về mặt xã hội. Do chương trình này đã giúp bà con nông dân thay đổi và nâng cao được trình độ nhận thức ứng dụng tiến bộ KHKT vào trong canh tác. Không sử dụng phân thuốc hóa học bừa bãi để vừa bảo vệ môi trường, vừa giảm bớt dư lượng độc tố trong lúa gạo và tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời qua đó cũng tạo cho bà con thói quen sản xuất theo tổ nhóm cộng đồng, cùng trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau, nâng cao hiệu quả của công tác phòng chống dịch hại ; có khả năng tập hợp những nông dân sản xuất lúa riêng lẻ vào trong một  cánh đồng lớn, để thực hiện tốt việc áp dụng  các kỹ thuật tiên tiến vào trong canh tác lúa một cách đồng bộ, mang lại hiệu quả trên diện tích rộng lớn, rút ngắn khoảng chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân….  Đây là điều kiện quan trọng đối với việc sản xuất lúa theo chuẩn VietGap, tiến đến xây dựng thương hiệu lúa gạo VN. Ngoài ra, còn hướng đến xây dựng một vùng nguyên liệu lúa gạo tập trung  có chất lượng cao, đồng thời thông qua liên kết 4 nhà để chủ động trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo cho nông dân.

Trong điều kiện ngày nay, vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái và hạ giá thành sản phẩm đang là yêu cầu hết sức bức thiết trong sản xuất lúa. Chương trình công nghệ sinh thái « Ruộng lúa bờ hoa » không chỉ đảm bảo hiệu quả kinh tế cho bà con nông dân, mà còn giúp giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường, giữ vững sự cân bằng sinh thái trên đồng ruộng. Mở ra cách nhìn mới trong sản xuất, nhất là việc phòng chống sâu bệnh, bảo vệ cây lúa. Vì vậy, cần nhân rộng hơn nữa chương trình cộng đồng quản lý dịch hại bằng công nghệ sinh thái trong thời gian tới.

Quốc Chiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *