Trước đây, tranh nghệ thuật ở nước ta thường phổ biến với các loại chất liệu như lụa, sơn dầu, màu nước… Ngày nay, cùng với sự phát triển đa dạng của xã hội hiện đại, các chất liệu khác cũng được nhiều nghệ nhân, nghệ sĩ đưa vào sáng tạo nghệ thuật và phát triển thành những dòng tranh khá độc đáo, thí dụ như tranh gỗ, tranh cát, tranh đá, vân vân…

Quỳnh Vy – một trong số những cơ sở tranh nghệ thuật tại Thành phố Hồ Chí Minh – hiện đang chế tác ba loại tranh bằng các chất liệu có sẵn trong tự nhiên. Đó là tranh cát, tranh đá và tranh gạo.

 

Tranh cát, với chất liệu và sắc màu từ cát thiên nhiên, đã là dòng tranh nghệ thuật nổi tiếng.

Tranh đá quý – hay còn gọi là tranh đá màu – cũng là một loại tranh độc đáo. Đây là các loại đá sẵn có trong tự nhiên, hoàn toàn không phải đá nhuộm màu. Để làm tranh, các nghệ nhân phải đập vỡ khối đá thành từng mảnh nhỏ, sau đó mài cho thật bóng, rồi tùy theo hình dáng, màu sắc của từng mảnh đá mà sắp xếp hoặc ghép chúng lại với nhau, tạo thành một tổng thể hài hòa và rực rỡ. 

Tuy nhiên, ở Quỳnh Vy, đặc biệt nhất vẫn là tranh gạo. 

Người khởi xướng ý tưởng phát triển nghệ thuật tranh gạo chính là Nguyễn Thúy Vy, vốn là sinh viên ngành Quan hệ quốc tế. Tuy nhiên, xuất phát từ lòng đam mê bẩm sinh đối với các loại hình nghệ thuật, một lần tình cờ qua một người anh họ là sinh viên Trường Mỹ thuật, Thúy Vy phát hiện ra thể loại tranh gạo độc đáo. Từ đó,  cô quyết định tìm hiểu loại hình nghệ thuật này. Càng học, càng nghiên cứu, Thúy Vy càng cảm thấy say mê. 

Song, để có được những tác phẩm ưng ý cũng không phải chuyện dễ dàng. Đầu tiên phải kể đến những khó khăn trong việc tìm nguyên liệu. 

Lúc đầu, tranh gạo của Quỳnh Vy chỉ sử dụng những loại gạo màu/ có sẵn trong tự nhiên/ như các loại gạo trắng thông thường, gạo huyết rồng và gạo nếp than. Về sau, để phát triển, càng ngày tranh gạo càng đòi hỏi phải có nhiều màu sắc hơn. Màu sắc càng đa dạng, càng phong phú thì tác phẩm càng sinh động, hấp dẫn. Do vậy, mấy loại màu ít ỏi tìm thấy từ gạo trong tự nhiên không đủ để đáp ứng cho yêu cầu làm tranh.                                          

Sau nhiều lần thử nghiệm, cuối cùng, Thúy Vy cũng tìm ra được phương thức sử dụng nhiệt độ để xử lý gạo, nói nôm na là rang gạo, từ đó tạo ra được các cấp độ màu như ý muốn. Gạo làm tranh của Quỳnh Vy hiện có bốn gam màu chủ đạo là trắng – vàng – nâu – đen. Nhiệt độ càng cao thì màu sắc của gạo càng đậm dần, từ màu trắng trong ngả sang trắng đục, trắng ngà, rồi đến các màu vàng nhạt, vàng đậm, màu cánh gián, màu nâu, màu đen, vân vân… 

Phương pháp xử lý màu gạo bằng nhiệt độ đã tạo cho Quỳnh Vy khoảng 30 màu khác nhau. 

Trong quy trình làm tranh gạo, công đoạn đầu tiên – tức vẽ phác thảo – là một trong những công đoạn khó nhất. Về nguyên tắc, tranh gạo được phóng tác theo các tác phẩm hội họa hoặc nhiếp ảnh, nên việc đầu tiên phải làm là dùng kỹ xảo vi tính để chuyển tác phẩm từ màu sắc bình thường sang màu vàng nâu – tức tông màu của tranh gạo – để xác định những mảng sáng – tối, sau đó vẽ phác thảo lên khung hình.

Dựa theo những mảng màu sáng – tối đã xác định và những đường nét phác thảo này, người làm tranh sẽ đi những đường cơ bản đầu tiên để định hình cấu trúc bức tranh.

Quy trình tiếp theo bao gồm các công đoạn dán gạo thành tranh, xử lý gạo để bảo đảm tranh sẽ không bị mối mọt. Cuối cùng, đổ lớp keo thứ hai để cố định hạt gạo và tạo độ bóng cho bức tranh.

Do thực hiện hoàn toàn bằng phương pháp thủ công nên một bức tranh gạo có kích cỡ trung bình phải mất từ 7 đến 10 ngày mới hoàn thành. Riêng đối với các tác phẩm có kích thước lớn hoặc tranh chân dung, thời gian thực hiện khoảng một tháng.

Với cách xử lý như hiện nay, tranh gạo Quỳnh Vy có thể bảo quản được trong thời gian 7 năm hoặc lâu hơn.  

Tranh gạo Quỳnh Vy khá phong phú về đề tài, bao gồm tranh phong cảnh, tranh kiến trúc, tranh hoa lá, tranh muông thú, tranh tĩnh vật, tranh thư pháp, tranh chân dung … 

Các nghệ nhân cho biết, ngoài việc làm thành phiên bản từ các tác phẩm nhiếp ảnh hay hội họa, tranh gạo còn có thể thực hiện theo ý muốn của khách hàng. Chỉ cần khách hàng có ý tưởng, họ sẽ thực hiện phác thảo và sau đó làm thành tác phẩm. Chính vì vậy, trong các thể loại tranh gạo ở Quỳnh Vy còn có một thể loại đặc biệt là tranh logo. 

Trong các thể loại kể trên, khó thực hiện nhất chính là tranh chân dung.

Tranh chân dung cũng có thể được làm từ rất nhiều chất liệu khác nhau. Ở Bảo tàng Tôn Đức Thắng , có hẳn một phòng trưng bày các tác phẩm nghệ thuật chân dung Bác Tôn. Ở đây, ta mới thấy hết sự phong phú của chất liệu trong nghệ thuật tạo hình. Đó là các tác phẩm được thực hiện từ đồng – đá – gỗ – gốm, sơn dầu – lụa – lá, rồi tranh thêu, tranh thảm len – dây điện thoại – hạt nút áo – hạt cườm, tranh tem – giấy – cát, tranh lúa – mè – gạo, vân vân… 

Năm 2011, Quỳnh Vy đã thực hiện hai tác phẩm tranh gạo chân dung lãnh tụ. Đó là chân dung Bác Hồ – gửi tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh nhân kỷ niệm 121 năm ngày sinh- 100 năm ngày Người ra đi tìm đường cứu nước và chân dung Bác Tôn – gửi tặng Bảo tàng Tôn Đức Thắng nhân kỷ niệm 31 năm ngày Bác mất. Tranh gạo của Quỳnh Vy đã góp phần làm phong phú thêm bộ sưu tập tranh nghệ thuật tại các bảo tàng này.

 

 

Mấy năm trước, những bức tranh gạo đầu tiên đã được Nguyễn Thúy Vy đưa lên mạng như một cách thăm dò thị trường và thị hiếu khách hàng. Rất bất ngờ, tranh được nhiều người đánh giá cao và chọn mua. Năm 2009, cơ sở tranh gạo Quỳnh Vy ra đời, lần đầu tiên chính thức giới thiệu nghệ thuật tranh gạo đến với công chúng. Ngày nay, tại Thành phố Hồ Chí Minh, tranh gạo Quỳnh Vy đã trở thành một thương hiệu khá nổi tiếng, được nhiều người ưa chuộng. Quỳnh Vy là tên ghép của hai chị em, Nguyễn Ngọc Quỳnh và Nguyễn Thúy Vy.

Sự phát triển của dòng tranh gạo đã góp phần làm cho diện mạo tranh nghệ thuật Việt Nam thêm phong phú, nhiều màu sắc. Không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của công chúng, ngày nay, tranh gạo còn trở thành một loại sản phẩm văn hóa rất tinh tế, là niềm tự hào của người Việt Nam khi giới thiệu đến bạn bè quốc tế. Vì sự mới lạ và độc đáo của nó, tranh gạo đã luôn nhận được nhiều lời ngợi khen.

Mấy năm qua, tranh gạo Quỳnh Vy đã được mời tham dự nhiều sự kiện văn hóa trong và ngoài nước để quảng bá hình ảnh Việt Nam. Tranh gạo từng sang Hàn Quốc, đến Ấn Độ. 

Ngoài ra, tại các buổi gây quỹ giúp người nghèo và những hoàn cảnh khó khăn trong xã hội của giới văn nghệ sĩ Thành phố Hồ Chí Minh, tranh gạo thường được lựa chọn làm sản phẩm bán đấu giá. Từng có những tác phẩm bán được từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng, giúp mổ mắt, mổ tim cho bệnh nhân nghèo.

Sinh ra ở Cần Thơ gạo trắng nước trong, Nguyễn Thúy Vy đã luôn ôm ấp giấc mộng trả được món nợ ân tình với quê hương chôn nhau cắt rốn của mình. Thành công với thể loại tranh gạo, giấc mơ đã hiện hình, nhưng Thúy Vy chưa muốn dừng lại khi hãy còn rất trẻ. Mùa xuân năm nay, cô mới tròn 24 tuổi. Mơ ước quảng bá hình ảnh đất nước bằng các sản phẩm văn hóa nghệ thuật, từ đó kiến tạo nên sự nghiệp của riêng mình là một giấc mơ mạnh mẽ và đẹp đẽ. Bản lĩnh tuổi trẻ cộng với những suy nghĩ nghiêm túc, đúng đắn chắc chắn sẽ giúp Nguyễn Thúy Vy thành công trên bước đường tạo dựng tương lai. 

Ngày Tết, xem tranh gạo cũng là một thú trở về với thiên nhiên .. Hạt gạo đồng quê trong bàn tay sáng tạo của con người, kết thành tinh thần cuộc sống qua tranh, đang là câu chuyện nghệ thuật trong ngày Xuân mới./

Thu Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *