Bên bờ hạnh phúc

 BS Nguyễn Thị Nguyệt Nga, Viện Gút TP.HCM cảnh báo: "Cứ vào thời điểm sau Tết, số bệnh nhân tới Viện Gút tăng gấp đôi, gấp ba so với bình thường (có ngày lên tới trên 80 trường hợp). Trong đó, chiếm 60% là do ăn uống thiếu lành mạnh làm ảnh hưởng đến diễn tiến của bệnh. Các kết quả xét nghiệm của những bệnh nhân này cho thấy chỉ số về máu nhiễm mỡ tăng, men gan tăng, chức năng thận giảm…”. 

Chế độ ăn uống ảnh hưởng trực tiếp tới bệnh tình

Theo BS Nga, có hai nguyên nhân khiến số người bị gút và lên cơn gút cấp tính tăng cao là do chế độ ăn uống và yếu tố thời tiết.

Bữa ăn ngày Tết thường đa dạng và phong phú. Nếu bệnh nhân gút không có chế độ ăn uống nghiêm ngặt, sử dụng thoải mái các thực phẩm ngày Tết sẽ làm cho bệnh trở nặng.

Người bị gút phải hạn chế ăn các thức ăn chứa nhiều đạm. Cụ thể, chỉ nên ăn khoảng 100 – 150g thịt/ngày và tránh ăn nội tạng động vật, hải sản bởi những thực phẩm này có độ đạm rất cao.

Theo BS Nga, bệnh nhân gút nên ăn thịt heo nạc, hạn chế ăn thịt mỡ, nên ăn cá nước ngọt thay vì cá biển.

Nhiều người thường nghĩ, thịt động vật mới chứa nhiều đạm, ít ai biết trong các cây, hạt họ đậu cũng có hàm lượng đạm cao. Những loại rau mầm hay đồ ăn chua cũng rất dễ khiến bệnh nhân gút lên cơn gút cấp.

Sở dĩ người bị gút phải kiêng rượu bia bởi loại thức uống này vừa trực tiếp, vừa gián tiếp gây tăng sản xuất axit uríc và giảm đào thải urát qua thận dẫn tới tình trạng tăng urát máu.

Không chỉ kiêng rượu bia, bệnh nhân gút nên tránh uống cả các loại nước có đường hóa học như nước ngọt, nước tăng lực, socola vì đường hóa học làm trầm trọng thêm rối loạn chuyển hóa, góp phần làm tăng urát máu cũng như tăng lắng đọng tinh thể urát.

Trong dịp Tết, bệnh nhân gút nên uống hai-ba lít nước kiềm mỗi ngày (nước ngâm alkalin) để trung hòa các axit dư thừa trong cơ thể và giúp thận thải urát, các chất độc ra khỏi cơ thể tốt hơn, tránh bị sỏi thận.

Thời tiết lạnh dễ lên cơn gút cấp

Ngoài ra, thời tiết trở lạnh cũng là nguyên nhân gây cơn gút cấp ở bệnh nhân gút.

Khi nhiệt độ cơ thể thấp sẽ dễ gây lắng đọng tinh thể urát. Vì vậy, bệnh nhân gút thường đau nhức khớp vào lúc nửa đêm về sáng nhiều hơn ban ngày, vì lúc này nhiệt độ lạnh hơn.

Nhằm tránh đau nhức xương khớp do cơn gút cấp gây ra, BS Nga khuyên những người bị gút: Tối, trước khi đi ngủ hãy ngâm chân nước nóng, thoa dầu vào gan bàn chân và mang vớ.

Những bệnh nhân lên cơn gút cấp do thời tiết chủ yếu là người lớn tuổi, bị gút lâu năm.

Bệnh gút là một bệnh lý rối loạn chuyển hóa purin làm tăng axit uríc máu, dẫn đến ứ đọng tinh thể muối urát tại khớp gây viêm khớp. Biểu hiện lâm sàng đặc trưng thường là sưng tấy, nóng, đỏ, đau dữ dội tại một hay nhiều khớp.

Cơ chế viêm của gút rất phức tạp, tinh thể muối urát kết tủa ở đâu sẽ gây viêm ở đó, có thể biến chứng là biến dạng khớp, tinh thể muối urát cũng có thể kết tủa cả ở tim.

Thống kê của Viện Gút cho thấy, bệnh nhân gút ngày càng trẻ hóa.Trước đây, độ tuổi trung bình của nhóm bệnh nhân gút từ 40 – 50 tuổi, nay có những trường hợp mới 20 tuổi đã mắc bệnh. Đặc biệt, 60% bệnh nhân gút đến khám đều trong tình trạng hết sức nặng nề.

Theo Huyền Anh ( PNO )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *