Bên bờ hạnh phúc

Rắn hổ mang chúa được xem là vua của thế giới loài rắn. Loài vật này có cơ thể bóng loáng, có cách tấn công cực kỳ hiệu quả cùng nọc độc chết người. Chúng có thể ăn cả thịt đồng loại và các loài vật hoang dã khác có kích thước nhỏ và yếu sức hơn.

Rắn hổ mang chúa là loài rắn có nộc độc mạnh nhất thế giới. Nọc độc của chúng có thể giết chết một con voi to lớn. Ngày nay, loài rắn nguy hiểm này vẫn còn nhiều điều bí ẩn mà con người chưa thể giải mã hết được.

Chiều dài của 1 con rắn hổ mang chúa trưởng thành có thể đến hơn 5 mét. Rắn hổ mang chúa phân bố rộng rãi ở 1 số nước thuộc Châu Á như Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Campuchia, Thái Lan, Việt Nam… Và có lẽ nhiều nhất là trong những cánh rừng trên dãy núi Ghats Tây ở phía Tây Ấn Độ. Vì vậy nơi đó còn được mệnh danh là Vương quốc của loài rắn hổ mang chúa.

Dãy Ghats Tây là nơi có những cánh rừng ẩm ướt nhất trên trái đất. Bất kỳ nơi đâu trong các cánh rừng trên dãy núi này đều có những dòng thác, những dòng nước làm tươi mát cây cối và cảnh vật. Ở đâu có nguồn nước thì nơi đó có sự sống. Vì vậy, hệ động thực vật nơi đây rất phong phú. Và kẻ thống trị các khu rừng ẩm ướt trên dãy Ghats Tây không là loài nào khác ngoài rắn hổ mang chúa. Loài vật này có thể sống đến hơn 30 năm. Để thích ứng với sự thay đổi kích thước cơ thể, mỗi năm rắn lột da từ 4 – 6 lần.

Dấu hiệu đầu tiên báo hiệu rắn chuẩn bị bước vào thời kỳ lột da là đôi mắt. Đôi mắt không còn được trong suốt như ngày thường nữa mà bỗng biến thành màu sữa đục. Đến khi đôi mắt trong trở lại là chúng bắt đầu lột xác. Để lột bỏ hết lớp da cũ, con rắn cần khoảng 10 ngày. Một làn da nhạy cảm mới xuất hiện ngay sau khi chúng lột bỏ lớp da cũ. Đây là những quãng thời gian mà loài vật này lo lắng nhất trong cuộc sống của chúng. Vì da còn non yếu nên chúng không dám đi săn mồi, nhất là những con mồi có khả năng chống trả cao. Cách an toàn nhất là chúng tìm đến các khu dân cư để bắt gia súc con. Khi chúng đã xâm nhập vào làng mạc thì con người rất dễ gặp nguy hiểm. Chúng đến gần chỗ ở của con người không chỉ vì thức ăn mà còn muốn được sưởi ấm và có nơi trú ẩn tốt. Nhưng thực tế thì sự có mặt của chúng luôn gây ra nhiều sự cố cho con người. Nọc độc của chúng thật đáng sợ vì có thể làm chết rất nhiều người. Nếu con người không biết sự có mặt của những vị khách nguy hiểm này và vô tình khuấy động nơi ở của chúng thì những con rắn sẽ tấn công theo bản năng tự bảo vệ và hậu quả nặng nề, đáng tiếc có thể xảy ra.

Rắn hổ mang chúa là loài rắn có nọc độc mạnh nhất ở Ấn Độ. Trong 20 năm gần đây, các vụ bị rắn cắn là 1 trong 4 loại tai nạn gây chết người nhiều nhất ở nước này. Trong số 100 người bị chúng cắn thì có khoảng 10 người thiệt mạng. Rắn hổ mang chúa có khả năng khống chế lượng chất độc khi cắn con mồi. Loài rắn này tiết ra chất độc và chứa trong 1 túi cơ của tuyến nọc nằm ở vòm họng. Túi cơ này sẽ co bóp đưa nọc độc đến răng nanh khi chúng tấn công con mồi. Trong nọc độc của rắn hổ mang có độc tố tác động đến hệ thần kinh, làm cho con mồi bị tê liệt thần kinh và hôn mê. Trong một số trường hợp loài rắn này không phóng ra nọc độc khi cắn. Nọc độc đối với chúng là thứ vô cùng quý báu. Chúng cắn người thường chỉ vì tự vệ chứ không phải để săn mồi. Rắn hổ mang là loài thường xuyên tấn công cả đồng loại để duy trì sự sống. Thức ăn của chúng có thể là một số loài rắn khác.

Ngày nay loài bò sát chiếm vị trí cao trong chuỗi thức ăn này đang có sự xung đột với con người trong cuộc sống. Do dân số con người không ngừng gia tăng nên các cánh rừng trên dãy núi Ghats Tây đang biến thành những khu vườn trồng hoa màu, nông sản. Từ đó, loài rắn hổ mang ở đây dần mất dạng vì không còn nơi trú ẩn. Chúng phải rời xa vùng đất vốn là lãnh địa của mình để tìm đến những nơi ít có dấu chân con người.

Những nơi loài rắn hổ mang chúa thích trú ngụ là những cái hang dưới gốc cây, trong thân cây ở những khu rừng gần dòng nước. Chúng thường đẻ trứng vào khoảng tháng 4, tháng 5. Loài bò sát này cũng được xem là nguồn thức ăn vô cùng bổ dưỡng nên hay bị con người săn bắt. Việc làm đó gây tổn hại đến hệ sinh thái vì hiện nay chúng là loài quý hiếm, rất cần được con người bảo vệ. 

Gia Nữ

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *