Bên bờ hạnh phúc

Thực tiễn lịch sử cách mạng nước ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam trong 83 năm qua là lịch sử của những chiến công trong sự nghiệp kháng chiến, giải phóng dân tộc cùng những thắng lợi quan trọng nối tiếp nhau trong công cuộc đổi mới, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đưa đất nước vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, vững bước tiến lên trên con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong tiến trình lịch sử ấy, toàn bộ sức mạnh của Đảng không chỉ ở bản thân Đảng mà chủ yếu bắt nguồn từ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân.

 

Tết năm nay, ông Trần Văn Sáng tròn 80 tuổi. Ở cái tuổi này, ông Sáng thường chiêm nghiệm lại phần đời đã trải qua và đúc kết cho bản thân, cho con cháu triết lý, nguyên tắc sống để luôn vững vàng vượt qua những khó khăn, thách thức, vươn tới tương lai.

Những năm kháng Pháp, rồi chống Mỹ, sống trong vùng căn cứ kháng chiến của tỉnh Vĩnh Long, gia đình ông Sáng là điểm nuôi chứa cán bộ và vũ khí cho cách mạng. Dù bị địch thường xuyên theo dõi nhưng nhờ có niềm tin sâu sắc vào sự lãnh đạo của Đảng nên khó khăn, nguy hiểm nào gia đình ông cũng vượt qua, một lòng “bám đất, giữ làng”, theo cách mạng.    

Sau ngày đất nước hoàn toàn giải phóng đến nay, bộ mặt làng quê nơi ông sinh ra và lớn lên không ngừng khởi sắc, thay da đổi thit; đời sống người dân từng bước được nâng lên. Đảng chăm lo cho dân nên niềm tin yêu của dân đối với Đảng càng được vun đắp. Gia đình ông Trần Văn Sáng cùng nhiều hộ dân ở địa phương đã tự nguyện hiến đất, làm đường giao thông, thủy lợi, góp phần cùng với Đảng và Nhà nước xây dựng nông thôn mới. Ông Sáng cho biết: “Cũng do Đảng lãnh đạo, từ cán bộ chỉ đạo mình mới phát triển được chứ không phải tự cái bụng mình mà hiểu ra cái vấn đề mần ăn này. Cũng nhờ Đảng lãnh đạo, nhờ hòa bình, không còn chiến tranh nữa thì mấy ổng mới dẫn dắt cho mình làm ăn, kinh tế, lúa hồi trước nó có 100 giạ, bây giờ  300 – 500 giạ, mỗi một năm như vậy đó”.   

Theo bà Nguyễn Thị Bé, Ấp 10 – Mỹ Lộc – Tam Bình: “Mình thấy Đảng cầm đuốc soi cho mình, bây giờ mình độc lập rồi, mình hy sinh đâu có màng, bởi vì hồi trước chiến tranh mà lính ra vô, tui nuôi bí mật trong hầm vậy đây chứ cũng ra vô tới hỏi lui. Vậy đó bây giờ mình thấy Đảng mình tổ chức những cái gì rất là tốt đẹp là mừng lắm”. 

Không riêng gì gia đình ông Sáng, bà Mười hầu hết các hộ dân ở xã Mỹ Lộc vô cùng phấn khởi vì nhiều chủ trương của Đảng đều nhằm nâng cao đời sống, vật chất tinh thần cho người dân; tạo điều kiện thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội địa phương. Tù đó, người dân đã đồng tình hưởng ứng hiến hàng chục héc ta đất, hoa màu, nhà cửa, trị giá hàng trăm triệu đồng để nhà nước làm đê bao thủy lợi kết hợp đường giao thông. Nhờ vậy mà hiện nay trên 1.000 ha đất sản xuất nông nghiệp của xã Mỹ Lộc được khép kín, người dân yên tâm sản xuất 3 vụ lúa trong năm.    

 “Dễ trăm lần, không dân cũng chịu. Khó vạn lần, dân liệu cũng xong”. Thực tế phát triển kinh tế xã hội ở xã Mỹ Lộc cho thấy để phát huy được sức mạnh của mình với vai trò là Đảng lãnh đạo toàn xã hội thì Đảng ta phải thực hiện tốt công tác dân vận nhằm tăng cường mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân, và quan hệ đó phải được đặt trong mối quan hệ hai chiều, đó là Đảng có trách nhiệm trước nhân dân, phục vụ nhân dân; nhân dân có trách nhiệm đối với sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.

Theo ông Võ Ngọc Liền, Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lộc – Tam Bình: “Muốn giữ được lòng dân và tạo người dân tin theo Đảng, tôi nghĩ không có cách nào khác hơn là Đảng đề ra chủ trương thì phải cho nó sát, đúng và phải phù hợp với lòng dân, và một chủ trương sát đúng rồi đó thì đem ra tuyên truyền để tham khảo đối với nhân dân, được nhân dân góp, rồi chúng ta nghe, bổ sung cho nó hoàn chỉnh. Khi hoàn chỉnh rồi, quá trình thực hiện phải đảm bảo theo quy chế dân chủ, dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, có như thế dân mới tin tưởng sự lãnh đạo của mình, mà tham gia đóng góp hoặc là xây dựng”.  

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhắc nhở muốn sự nghiệp cách mạng tiếp tục đạt được những thắng lợi, "Phải củng cố mối quan hệ giữa Đảng và quần chúng" bởi không có quần chúng thì không có lực lượng, không có Đảng thì không có người lãnh đạo, hướng dẫn, chỉ đường.

Lịch sử xã Mỹ Lộc có ghi lại, lúc đầu khi mới thành lập vào tháng 4 năm 1930, Chi bộ Cái Ngang (một trong 3 chi bộ đầu tiên của huyện Tam Bình) chỉ có 7 đảng viên, lãnh đạo phong trào cách mạng 3 xã Mỹ Lộc, Hậu Lộc và Song Phú. Đến nay, Đảng bộ của 3 xã khu vực Cái Ngang đã có hàng trăm cán bộ, đảng viên. Đây sẽ là nguồn lực quan trọng, làm nòng cốt để xây dựng mối quan hệ giữa Đảng với nhân dân ngày càng gắn bó mật thiết. Qua đó huy động được sức mạnh của toàn Đảng và toàn dân trong sự nghiệp phát triển kinh tế xã hội ở địa phương./.

Minh Trạng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *