Bên bờ hạnh phúc

Chúng ta đang luyến tiếc tiễn đưa những ngày cuối cùng của năm cũ, để cùng nhau hân hoan đón xuân Quý Tỵ 2013, với bao niềm tin yêu và hy vọng.

Năm mới đã đến, nhà nhà, người người háo hức đón xuân. Có một làng nghề không chỉ được biết đến với nghề trồng xà- lách xoong mà còn nổi danh với nghề sản xuất bánh, mứt mỗi độ xuân về, tết đến…   

 Thuận An nằm sát thị trấn Cái Vồn, vài hôm nữa sẽ là thị xã Bình Minh. Đường về xã những ngày giáp năm có phần nhộn nhịp, nhất là phía các xóm nghề làm bánh và làm mứt đang vào mùa Tết…

 

Hỏi người Thuận An xem nghề làm bánh mứt ở đây có từ bao giờ, câu trả lời thường là không còn nhớ rõ, chỉ biết rằng thế hệ những người nối nghiệp hôm nay đã được truyền đạt kinh nghiệm từ chính truyền thống làm nghề của gia đình họ. Cũng nhờ nghề truyền thống này mà năm nào người dân ở các xóm nghề trong xã cũng được đón tết vui tươi, đầm ấm…

Cứ vào khoảng đầu tháng 11 âm lịch hàng năm, những người làm mứt me ở ấp Thuận Tân A và ấp Thuận Tân B, xã Thuận An, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu để vào vụ sản xuất mứt Tết. Thời điểm hiện tại, những người ở xóm nghề này cũng đang tất bật với công việc để làm ra những sản phẩm thơm ngon cung cấp cho thị trường Tết Nguyên đán 2013.

Qua tìm hiểu, người dân ở xóm nghề này trước đây chỉ sinh sống bằng nghề làm kẹo, me ngào đường, cà na chua ngọt …. đem bán quanh quẩn bến phà Cần Thơ hoặc giao mối cho khu vực chợ Cái Vồn. Buôn bán ngày càng ế ẩm, cho đến khi một hộ gia đình ở Thuận An học được nghề làm mứt me của bà Như Khanh trên Vĩnh Long , về làm và gắn bó luôn với nghề mới- nghề làm mứt me.
Ban đầu, chỉ một hai hộ làm thử để cung cấp cho các chợ nhỏ , nhưng khi thị trường đã có phản hồi tích cực, nhất là vào các dịp Tết, số lượng cung thường không đủ cầu, nghề này tiếp tục phát triển và cứ thế duy trì cha truyền con nối tới ngày nay .

 

 

Xã Thuận An hiện có khỏang 15 cơ sở làm mứt me vào dịp tết, nhưng tập trung nhiều nhất ở hai ấp Thuận Tân A và B. 

Chúng tôi đến cơ sở sản xuất mứt me của gia đình chị Hùynh Thị Út, lúc chị và các con của chị đang tranh thủ quấn từng trái me đã sên thành mứt để kịp giao cho các mối đặt hàng… Hỏi ra mới biết, ở Thuận An không có nơi nào trồng me, nhưng do mua với giá cao, nên bà con ở các nơi- nhất là Châu Đốc, họ đem me tươi tới bán. Và để trái me chua trở thành mứt có hương vị ngon ngọt đậm đà, ăn hoài vẫn thèm và càng nhìn càng bắt mắt, thì phải có bí quyết của người làm, chỉ cần làm ăn cẩu thả một chút, sẽ mất  khách ngay.  

 Mặc dù bánh kẹo ngày càng phong phú, nhưng mứt me Thuận An vẫn có chỗ đứng riêng trên thị trường, vẫn là món quà quý để nhiều người tặng nhau mỗi dịp xuân về tết đến. Và năm nay, người làm mứt ở Thuận An càng vui hơn khi loại mứt này vẫn được người tiêu dùng ưa chuộng…

Không chỉ có mứt me Tết mà nhiều hộ dân ở Thuận An còn bám trụ với nghề làm mứt mãng cầu, cũng đang ăn nên làm ra. 

Gia đình chị Bùi Thị Ngọc Điệp ở ấp Thuận Tân A, xã Thuận An đã có hơn 20 năm gắn bó với nghề làm mứt mãng cầu. Các con chị đều được học hành đến nơi đến chốn. Năm nay chị có thêm niềm vui vì cất được ngôi nhà mới khá khang trang. 

So với mứt me, thì mứt mãng cầu tương đối dễ làm,  có mùi chua ngọt dễ ăn, đỡ ngán. Sau khi làm xong, mứt mãng cầu được gói trong những miếng giấy màu xanh đỏ nhìn rất đẹp mắt.

Người làm mứt chọn mãng cầu xiêm của miệt vườn Thành Lợi (Bình Minh), Tân Quới, Tân Lược (Bình Tân)…để làm mứt, vì vùng đất phù sa bồi, thích hợp  cho giống mãng cầu có vị ngọt thanh.

Trong thời buổi kinh tế thị trường, ở các chợ và siêu thị không thiếu các loại bánh mứt được đóng gói sẵn với nhiều thương hiệu nổi tiếng , song mứt Thuận An, Bình Minh vẫn có kênh tiêu dùng ổn định …

Tuy chưa đủ quy mô để được công nhận làng nghề nhưng xóm nghề làm mứt ở Thuận An đang ngày một nâng cao uy tín của mình trên thị trường. Không khí vào mùa tất bật như vầy không chỉ hứa hẹn một cái Tết sung túc với người dân nơi đây mà còn góp phần tăng thêm hương vị ngày tết cho mọi nhà.

…Sớm hơn năm ngoái, mùa bánh tráng Tết  năm nay ở Thuận An đã khởi động từ đầu tháng 11 âm lịch. Hơn tháng qua, mỗi ngày, trên 20 lò bánh ở ấp Tân Thuận A bắt đầu đỏ lửa từ 1, 2 giờ khuya cho đến xế chiều. 

 

Lò bánh của gia đình chị Khổng Thị Ngọc Thu lúc vào mùa, một ngày tráng gần 2 thiên bánh, tăng gấp 3 lần ngày thường vậy mà cũng không đủ bán…

Ngồi tráng bánh trong chái trước nhà, chị Nguyễn Thị Thanh Liễu, vừa thoăn thoắt múc bột, tráng bánh, vừa kể về công việc, về nghề làm bánh tráng của quê mình.

Đối với người dân Thuận Tân A, bánh tráng là nghề truyền thống, món bánh tráng không thể thiếu trong dịp Tết, nó là nguyên liệu để làm nhiều món ăn Tết như bánh nem để cuốn chả giò, bánh lớn thì cuốn dưa giá, thịt luộc…Ngày Tết, bánh tráng được tiêu thụ rất nhiều…

Nguyên liệu chính làm bánh tráng là gạo tẻ ngâm rồi đem xay thành bột mịn. Sau đó, lọc đi nước chua và pha bột với nước sao cho vừa, không loãng cũng không được đặc quá. Để bánh thêm dai và không bị rách cần pha thêm một chút muối với tỷ lệ hợp lý.

Người làm bánh còn phải trông trời, canh cây cỏ, nhìn giọt sương để biết ngày mai nắng lớn hay âm u để tráng bánh trong đêm, rồi đem bánh phơi ngay khi nắng vừa lên.

Nếu những năm trước, Thuận An chủ yếu làm bánh tráng trắng thì năm nay loại bánh tráng dừa và bánh tráng ngọt cũng được khách hàng ưa chuộng. Ngoài phục vụ nhu cầu của khách đặt bánh để ăn hoặc biếu trong dịp tết thì lượng bánh sản xuất chủ yếu là để bỏ mối ở các chợ. Những ngày đông khách, các lò bánh không chỉ làm thêm giờ, huy động thêm các thành viên trong gia đình mà còn phải mướn thêm nhân công và tận dụng triệt để sân phơi để có đủ hàng cung ứng kịp thời cho thị trường.

Để có những chiếc bánh tráng thơm, ngọt, dai vừa tròn vừa thơm như thế này, cần phải qua bàn tay khéo léo và những giọt mồ hôi của những người thợ làm bánh. Công việc tráng bánh  cũng cần có những thao tác kỹ thuật nhất định. Người khéo tay có thể  tráng cùng một lúc trên hai lò. Vừa đổ bột, tráng bánh, vừa để bánh lên vỉ. Tất cả đều nhanh nhẹn, nhẹ nhàng…

… Khi bước vào vụ làm bánh, làm mứt Tết, các chủ lò đều có mối tiêu thụ, như làm theo đơn đặt hàng, theo tiêu chuẩn riêng của các chủ sạp trong chợ huyện, phân phối cho các đại lý ở một số tỉnh, bán cho các cơ sỏ nhỏ lẻ đem về đóng gói… Đây cũng là dịp để nhiều lao động địa phương có việc làm, kiếm thêm nguồn thu nhập cuối năm để trang trải cho gia đình…

Mùa tết năm nay, cũng hứa hẹn một mùa làm ăn được… Những món quà quê  dân dã xem ra sẽ thích hợp với những ngày đầu năm mới đang có xu hướng  vui Xuân tiết kiệm và đơn giản…

Trong ngày tết, hộp bánh hộp mứt to đùng được đặt trên bàn  để đón tiếp những vị khách đến chơi nhà, chúc nhau những điều tốt lành vào đầu năm mới, đó là truyền thống hết sức quý báu của dân tộc.

Có thể thấy, hộp bánh hộp mứt được bày ra với nhiều lọai bánh, mứt, kẹo…Khi thưởng thức, sẽ cảm nhận được vị ngọt đậm đà  với ngụ ý rằng năm mới sẽ ngọt ngào, thơm thảo hơn năm cũ; còn những sắc màu xanh, đỏ, vàng trên từng lọai bánh, mứt và kẹo…là biểu tượng cho năm mới nhiều hạnh phúc và may mắn…

Trọng Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *