Sân khấu cải lương Vĩnh Long trước và sau năm 1975

Như chúng ta đã biết : Sân khấu cải lương được hình thành từ phong trào đàn ca tài tử, cho nên, âm nhạc chính gốc của sân khấu cải lương vẫn là những bài bản tài tử Nam bộ, trong đó, bài vọng cổ – tiền thàn là bài Dạ cổ hoài lang của nhạc sĩ Sáu Lầu – được xem như là bài hát chủ lực của sân khấu cải lương. Cũng chính bài vọng cổ đã chắp cánh cho rất nhiều nghệ sĩ cải lương, đưa tên tuổi của họ rực sáng trên sân khấu nghệ thuật.

Có thể nói, đất Vĩnh Long là một trong những nơi sản sinh ra rất nhiều nghệ sĩ tài năng của sân khấu cải lương. Chữ tài năng mà chúng tôi đặt ra ở đây là vì chính những nghệ sĩ cải lương ấy đã tạo ra tên tuổi, hào quang cho mình và tên tuổi, hào quang ấy đã gắn liền với họ. Cho dù họ có ra người thiên cổ theo quy luật của tạo hóa, nhưng vị trí trang trọng trong lòng khán giả thì khó có người khác thay đổi.

Chúng ta có thể điểm qua những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng của quê hương Vĩnh Long trước đây và bây giờ như :

+ Cô Bảy Vĩnh Long, còn gọi là Bảy Ngọc, tên thật là Huỳnh Thị Ngọc, sinh năm 1906, mất năm 1986. Bà là người nổi tiếng trên cả hai lĩnh vực : sân khấu cải lương và điện ảnh. Cô Bảy Vĩnh Long từng hát chánh qua những đại ban của thập niên ba mươi cho đến năm mươi, tức là lúc sân khấu cải lương vừa hình thành và tiến những bước khá dài trong việc chiếm lĩnh địa bàn hoạt động cũng như tình cảm của khán giả. Khi đã có tuổi, cô Bảy Vĩnh Long chuyển sang đóng kịch và phim ảnh. Ở địa hạt này, bà đã để lại nhiều ấn tượng cho khán giả, nhất là vai bà mẹ trong bộ phim truyện dài hai tập “Về nơi gió cát”.

+ Nghệ sĩ Nhân dân Thành Tôn (1913 – 1997) tên thật là Nguyễn Thành Tôn, sinh năm 1913 tại làng Trường Thọ – quận Vũng Liêm (nay là xã Trung Thành Tây – huyện Vũng Liêm – tỉnh Vĩnh Long). Xuất thân trong một gia đình dòng dõi và một làng có truyền thống theo nghề hát từ thế kỷ thứ XIX, ông cố là nghệ sĩ Nguyễn Thành Sĩ, ông nội là nghệ sĩ Nguyễn Thành Luông (bầu Luông), thân phụ là nghệ sĩ Nguyễn Thành Nở (bầu Nở) cùng một số đông thân nhân xuất thân nổi tiếng từ nghề hát bội. Các con ông như Bạch Lê, Bạch Lựu, Bạch Lý đến Bạch Long và NSƯT Thành Lộc… đều là những nghệ sĩ có thực tài và đã đóng góp nhiều công sức cho nền sân khấu đất nước.

– Năm 1926, lúc đó mới 13 tuổi, Thành Tôn bắt đầu vào nghề, theo gánh hát Phước Long Ban, đóng vai phụ, kép con rồi chư tướng.

 

– Năm 26 tuổi lên Sài Gòn làm kép chánh cho gánh hát Vĩnh Xuân (bầu Thắng). Từ đó bắt đầu hát ở Sài Gòn và qua các tỉnh Nam bộ nổi tiếng và gắn bó với đình làng, sông nước quê hương. Ông nổi danh từ các vai kép võ mặt trắng như Triệu Tử Long, Chu Du, Lữ Bố, Dương Tôn Bảo, Tiết Nhơn Quý, Tiết Đinh San, Tiết Ứng Luông, La Thành… đến kép mặt đỏ như Cao Quân Bảo, Ngũ Vân Thiệu, Địch Thanh, Địch Luông, Nhạc Lôi và kép văn như Tống Nhân Tôn, Dư Nhượng, Trần Nhựt Chánh, Lý Đáng, Bá Ấp Khảo. Ông từng cộng tác với các đoàn Nghĩa Thành, Hoa Xuân, Minh Tơ, Huỳnh Long.

– Trước năm 1975, ông lãnh đạo ban hát bội Vân Hạc, diễn thường xuyên ở Sài Gòn.

– Các vai ông đóng nổi tiếng để đời là Chu Du (vở Giang Đông phó hội), Triệu Tử Long (vở Triệu Tử Long đoạt ấu chúa) vai Thái Kiệt (giải Diễn viên xuất sắc năm 1980), vai Trần Liễu (HCV năm 1985 – Hội diễn toàn quốc).

– Ngoài diễn viên, nghệ sĩ Thành Tôn là soạn giả tuồng với nhiều vở được dàn dựng, biểu diễn khắp Nam – Trung – Bắc và trên Đài Phát thanh suốt nhiều năm.

– Nếu như từ năm 1947, Thành Tôn là người có uy tín lớn, huy động nhiều nghệ sĩ hát bội nổi tiếng thời bấy giờ để lập gánh Vân Hạc gồm các nghệ sĩ : Thiệu Của, Chín Luông, Hữu Thoại, cô Ba Út, cô Hai Nhỏ… thì ba mươi năm sau, ông là thành viên sáng lập Đoàn hát bội tại TPHCM, dành nhiều tâm huyết nghiên cứu cách diễn, cách viết, dàn dựng tuồng đổi mới sao cho phù hợp hướng cảm thụ của khán giả và hết lòng chăm sóc, giúp đỡ nghệ sĩ trẻ với nguyện vọng của ông : “Hát bội không bao giờ chết, nó vẫn tồn tại trong đời sống văn hóa dân tộc”.

Là nghệ sĩ từng ra bưng biền tham gia kháng chiến rồi trở về Sài Gòn cùng nghệ sĩ Trần Hữu Trang, Nguyễn Thành Châu, Hoàng Chỉ, đứng ra lập Hội tương tế nghệ sĩ mà thực chất là tổ chức hoạt động cách mạng.

“Nghệ sĩ Thành Tôn là tấm gương cao quý về sự bền chí, tự tin về một tình yêu mãnh liệt trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Ông là hiện thân sống của cái đẹp, cái thân tình, cái hồn của nghệ thuật hát bội. Phong cách nghệ thuật từ bước đi, dáng đứng, dung mạo, cách biểu diễn, thái độ biểu diện của Thành Tôn khó có ai sánh kịp!” (1)

Với công lao to lớn như thế, Nguyễn Thành Tôn được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân từ năm 1992 và Huy chương “Vì sự nghiệp Văn học – Nghệ thuật”, Huy chương “Vì sự nghiệp Sân khấu Việt Nam” (năm 1997).

Ông mất ngày 8/11/1997 tại TPHCM, thọ 84 tuổi.

Thạc sĩ Huỳnh Thanh Tuấn – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

——————————–

(1) Trích Điếu văn do NSƯT Đinh Bằng Phi đọc trong lễ tang NSND Thành Tôn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *