Bên bờ hạnh phúc

Miền Nam đi trước về sau

 
Chẳng hạn những tấm ảnh, những thước phim của Khương Mễ, Mai Lộc… chụp và quay từ năm 1947 mà đến nay chúng ta còn lưu giữ được trong Bảo tàng của tỉnh. Có thể nói, đây là những tư liệu rất quý, phải đổi bằng xương máu của chính các tác giả.

Khương Mễ và Mai Lộc nguyên là bộ đội của các tiểu đoàn 307, 308. Trong chiến dịch Cầu Kè, các anh đã cùng bộ đội theo sát từng trận đánh. Nhờ vậy, những tấm ảnh và những thước phim của họ đều mang hơi thở hừng hực của chiến dịch. Trong một trận chiến đấu ác liệt với lính Pháp và lính lê dương, cả hai bị trúng thương nặng. Máy móc và phương tiện hành nghề đều bị Pháp thu giữ. Rất may là người Pháp ở Việt Nam đã chuyển tất cả máy móc và phương tiện của Khương Mễ và Mai Lộc về Pháp. Nhờ vậy, ngày nay, Viện Bảo tàng Pháp tại Paris mới chuyển giao lại cho chúng ta.

Sang kháng chiến chống Mỹ cứu nước, công tác báo chí của Vĩnh Long phát triển mạnh, đội ngũ nhiếp ảnh vì thế mà cũng ngày càng phát triển. Hầu như tất cả anh em thuộc Tiểu ban báo chí đều biết cầm máy. Nhưng do máy ít, amh em phải thay nhau sử dụng. Theo lời anh Trần Văn Ngừa (Ba Lâm), vào khoảng thời gian 1974 – 1975, Tiểu ban báo chí Vĩnh Long chỉ có khoảng 4 – 5 máy, phải ưu tiến số một cho anh em PV đi phục vụ chiến trường. Do máy ít nên anh em rất quý máy, nâng niu giữ gìn máy còn hơn cả giữ gìn bản thân mình. Mỗi khi có ai bị thương hay sắp hy sinh bao giờ cũng bàn giao lại máy cho đồng đội với lời dặn : “Phải ráng giữ máy để phục vụ tốt cho tờ báo”. Máy chụp hình lúc đó của Tiểu ban toàn là loại máy vuông, hiệu Yachica của Nhật. Phương tiện in – tráng và phóng ảnh lúc này cũng rất lạc hậu. Đã có thời, anh Ba Lâm phải chế ra máy phóng bằng đất để sử dụng. Nói là máy, chứ thực ra, anh Ba Lâm chỉ dùng đất sét để gắn kết các bộ phận in – tráng lại với nhau để dùng. Vậy mà hiệu quả sử dụng lại rất cao. Công tác bảo quản phim tư liệu thời kỳ này rất khó khăn bởi địch liên tục tổ chức nhiều cuộc hành quân càn quét vào vùng giải phóng. Thời kỳ này, cách bảo quản phim và ảnh tư liệu tốt nhất là bằng thùng sắt đựng đạn đại liên, đạn AR15 của Mỹ. Khi giặc càn vào, anh em đem thùng sắt đựng phim ảnh ra sông rạch, kinh bàu nhận bùn; địch rút lại lôi lên để sử dụng. Còn nếu chưa cần sử dụng (vẫn theo lời anh Ba Lâm), cách bảo quản tốt nhất vẫn là dìm thùng sắt dưới nước, dưới bùn. Đơn giản như vậy mà rất nhiều ảnh tư liệu lúc bấy giờ vẫn còn được bảo quản tốt tới tận hôm nay. Người hiện nay còn lưu giữ nhiều ảnh tư liệu kháng chiến chống Mỹ nhất là anh Ba Lâm (Trần Văn Ngừa).

Ông Trần Văn Ngừa, bí danh là Trần Lâm, Ba Rùa, tên thường dùng là Ba Lâm, sinh năm 1942 tại xã Chánh Hội, huyện Mang Thít – Vĩnh Long, tham gia cách mạng từ năm 1960, năm 1964 công tác tại Ban Tuyên huấn tỉnh Vĩnh Long, chính thức cầm máy làm PV nhiếp ảnh chiến trường. Sau giải phóng, ông mới tham gia chụp ảnh nghệ thuật. Ảnh của ông mang tính hiện thực và tính tư tưởng, tính lịch sử rất cao, luôn luôn phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của Tỉnh Đảng bộ. Trong chiến tranh, ông là người có ý thức bảo quản phim – ảnh tư liệu rất kỹ. Nhiều khi, bị giặc càn vào cứ, Trần Lâm dù phải bỏ lại tài sản cá nhân, dù có thể chấp nhận bị thương, bị hy sinh, nhưng bao giờ cũng tìm cách bảo vệ máy móc, phương tiện cũng như phim – ảnh tư liệu của mình và của Tiểu ban. Sau giải phóng, ông vừa tham gia lãnh đạo Phân hội, vừa chịu trách nhiệm trong tỉnh. Công việc nào ông cũng làm rất tốt. Vì vậy, khi Phân hội Nhiếp ảnh ra đời, ông đã được anh chị em bầu làm Phân hội phó rồi Phân hội trưởng với số phiếu rất cao. Đến nay, nghệ sĩ nhiếp ảnh Trần Lâm đã liên tục giữ chức vụ Phân hội trưởng Phân hội Nhiếp ảnh ba nhiệm kỳ.

Hồ Tĩnh Tâm – Theo sách Tìm hiểu Văn hóa Vĩnh Long

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *