Bên bờ hạnh phúc

         Cùng với cả nước, kinh tế- văn hoá xã hội Vĩnh Long đang phát triển vươn lên trên nhiều mặt, đời sống người dân có nhiều cải thiện. Tuy nhiên, khu vực nông thôn còn không ít khó khăn. Và Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai thực hiện 3 năm qua thật sự đã tạo nên một luồng gió mới. Diện mạo nông thôn trong tỉnh đã bước đầu có những thay đổi đáng phấn khởi, mà nông dân  là người trực tiếp hưởng lợi từ chương trình này.

 

 

          Hạ tầng kinh tế nông thôn là điều kiện để phát triển nông thôn mới. Điều đáng ghi nhận trong quá trình xây dựng hạ tầng kinh tế nông thôn mới, bên cạnh sự tập trung thực hiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong toàn tỉnh, phải kể đến sự chung sức, đồng lòng của người dân nông thôn. Là đối tượng được hưởng lợi từ chương trình, người dân các xã đã phát huy trách nhiệm của mình trong xây dựng nông thôn mới.

          Từ sự cộng đồng trách nhiệm này mà hệ thống giao thông ở các xã được tỉnh chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới đã có nhiều chuyển biến và dần hoàn thiện hơn. Nhiều con đường mới được đưa vào sử dụng đã mang lại hiệu quả thiết thực đối với  lao động sản xuất và đời sống dân sinh.

          Hệ thông thuỷ lợi là một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, vì vậy các xã nông thôn mới đã có sự quan tâm đặc biệt để đầu tư, nâng cấp các công trình thủy lợi. Khi thi công đường giao thông đều kết hợp xây dựng đê bao phục vụ sản xuất. Và nhờ thực hiện tốt tiêu chí thủy lợi nên việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng ở các địa phương khá thuận lợi. 

          Chúng tôi về thăm xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình, một trong 22 xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Nhìn thấy những con đường sạch đẹp, nhà cửa hai bên đường khang trang, chúng tôi cảm nhận được niềm vui  của người dân nơi đây.

          Khởi điểm xây dựng nông thôn mới, Mỹ Lộc cũng là một xã thuần nông, thu nhập bình quân đầu người dưới 13 triệu đồng trên năm. Đường giao thông nhiều đoạn xuống cấp, nhỏ hẹp, đường liên xóm, ấp hầu như chưa được xây dựng kiên cố. Vậy mà sau 3 năm chung sức xây dựng nông thôn mới, Mỹ Lộc đã có những bước chuyển mình đáng ghi nhận. Diện mạo nông thôn mới đã dần hiện ra sau mỗi đoạn đường giao thông nông thôn được cải tạo, xây mới, mỗi công trình được đưa vào phục vụ cộng đồng.

          Con đường với chiều dài hơn 2.000 m, từ ấp 10, xã Mỹ Lộc đến địa phận đã Mỹ Thạnh Trung vừa được đưa vào sử dụng. Trước đây, con đường này là đê bao nhưng đã xuống cấp, khi triều cường thì ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, đi lại khó khăn. Giờ đây, được lưu thông trên con đường mới, bà con nhân dân nơi đây đều rất phấn khởi. Trước đây, không ai nghĩ rằng ở vùng nông thôn sâu như thế nầy mà có được đường giao thông trải nhựa. Con đường mới đã mở ra diện mạo mới và sức bật mới trong sản xuất cho bà con vùng quê này.               

         Những con đường mới không chỉ mang đem đến sự thuận tiện trong đi lại giao thương, mà còn mở ra việc làm mới cho người dân. Nhiều gia đình đã có hướng làm ăn mới , cải thiện thu nhập, đời sống có nhiều đổi thay so với trước đây. Gia đình ông Trương Công Đắc ở ấp 9, xã Mỹ Lộc chuyên sinh sống bằng nghề mua bán trái cây. Có những con đường mới,  công việc mua bán của ông ngày càng thuận lợi và phát triển hơn.

          Giao thông và thuỷ lợi là động lực để kinh tế toàn xã phát triển. Nhiều ngành nghề mới xuất hiện, hoạt động của các nhóm nghề thủ công trên địa bàn thuận lợi hơn, thu nhập tăng lên, kinh tế hộ gia đình ổn định hơn. Đặc biệt, bờ vùng bờ bao kiên cố đã chủ động được nguồn nước trong sản xuất nông nghiệp, địa phương  tập trung  đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu trong nông nghiệp, cơ giới hoá sản xuất, giảm thất thoát trong thu hoạch. Thu nhập bình quân đầu người trong năm của xã đã đạt trên 19 triệu đồng.         

         Vệ sinh môi trường lâu nay là một trong những vấn đề bức xúc ở vùng nông thôn, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống . Triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều địa phương đã tập trung thực hiện nhiều giải pháp để cải thiện môi trường.

          Xã Long Mỹ, huyện Mang Thít sau 3 năm xây dựng nông thôn mới, điều kiện môi trường nơi đây đã được cải thiện rõ nét. Đây là địa phương đầu tiên của tỉnh đạt tiêu chí về môi trường xã nông thôn mới.           

         Bên cạnh việc tuyên truyền vận động nhân dân sử dụng nước hợp vệ sinh và xử lý chất thải trong chăn nuôi, địa phương đã phát động phong trào xây dựng hố rác gia đình. Phong trào này đã từng bước làm thay đổi tập quán của người dân nông thôn, làm cho môi trường sống không còn bị ô nhiễm vì rác thải.

          Từ thực hiện tiêu chí về môi trường, các gia đình đều có nước sạch sử dụng, có hố tiêu, nhà tắm và hố rác hợp vệ sinh. Các khu dân cư có cây xanh, môi trường trong lành. Có thể nói sự đầu tư cho nông thôn mới, mục đích cuối cùng là làm cho người dân  nông thôn có chất lượng cuộc sống tốt hơn.

 

         

          Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, nhiều trạm y tế đã được đầu tư xây dựng mới, đặc biệt là ở các xã điểm đều đã được đầu tư trang thiết bị y tế tương đối đầy đủ. Điều này  đã tạo thuận lợi cho người dân trong chăm sóc sức khoẻ ban đầu.

          Cụ thể như ở xã Hoà Phú, một trong 3 xã điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Long Hồ, từ khi trạm y tế được xây dựng khang trang, cán bộ y tế thuận lợi hơn trong thực hiện nhiệm vụ. Họ càng thấy trách nhiệm nặng nề hơn và luôn cố gắng để phục vụ nhân dân một cách tốt nhất. 

          Ngoài việc nâng cao ý đức, cung cách phục vụ của nhân viên y tế tại trạm, trưởng trạm y tế cũng đã xây dựng và phát huy tốt vai trò của mạng lưới y tế ấp. Ngành y tế hổ trợ địa phương  xây dựng chuẩn quốc gia về y tế để người dân được hưởng lợi nhiều hơn từ mạng lưới y tế cơ sở. Các chương trình y tế quốc gia ở địa phương cũng được thực hiện đồng bộ, từ đó nâng cao ý thức người dân trong chăm sóc sức khoẻ. 

            Với sự vào cuộc tích cực của các cấp uỷ Đảng, chính quyền và sự đồng thuận chung tay của nhân dân, qua 3 năm xây dựng nông thôn mới, làng quê ở các xã điểm nông thôn mới của tỉnh đã có nhiều thay đổi. Điện, đường, trường, trạm được đầu tư phục  vụ tốt cho hoạt động sản xuất và đời sống dân sinh. Và có thể khẳng định rằng xây dựng nông thôn mới đã đem lại những lợi ích thiết thực đối với người dân và họ chính là những người thụ hưởng thật sự từ chương trình này.

          Cẩm Âu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *