Dù ở thời đại nào, xã hội nào, kỹ năng sống vẫn luôn là bí quyết giúp con người thích ứng với môi trường sống, đặc biệt là trong xã hội đương đại, với nhịp sống quay cuồng cùng với sự cạnh tranh khốc liệt. Nhằm giúp giới trẻ hình thành ý thức về sự cần thiết phải rèn luyện kỹ năng sống, ngành Giáo dục đang dần dần chú trọng quan tâm nhiều hơn đến việc giáo dục kỹ năng sống trong nhà trường.

 

Lâu nay, mỗi khi nói đến các mục tiêu của việc học, người ta thường nêu là để hiểu biết và để làm người. Dần dà khi xã hội ngày càng phát triển, thì mục tiêu học để cùng chung sống bắt đầu được quan tâm, với thuật ngữ giáo dục kỹ năng sống được nhắc đến thường xuyên hơn. Kỹ năng sống được giới thiệu trong nhà trường để giảng dạy cho học sinh, bao gồm: kỹ năng tự nhận thức, kỹ năng giao tiếp, kỹ năng ra quyết định, kỹ năng lập mục tiêu…v.v…

Có một vấn đề đang được xã hội đặc biệt quan tâm đó là việc sinh viên ra trường thường bị chê là thiếu kỹ năng sống. Vậy, thực tế thì việc giảng dạy kỹ năng sống trong học đường hiện nay ra sao?Tình hình chung ở các trường phổ thông hiện nay là phần lớn thời gian dạy và học đều dành hết cho các môn chính khóa, còn kỹ năng sống thường ít được quan tâm, có chăng là đưa vào lồng ghép với  hoạt động khác, thường gọi là sinh hoạt ngoại khóa, hay hoạt động ngoài giờ lên lớp, và thường thì ít nhiều có tính hình thức, làm chiếu lệ.

 

 

Tìm hiểu tình hình giáo dục kỹ năng sống ở một trường trung học cơ sở, chúng tôi được biết mấy năm gần đây có những chuyển biến tốt so với trước kia, nhất là từ khi có cuộc vận động tham gia phong trào “ trường học thân thiện, học sinh tích cực”. Nhà trường chú trọng tố chức nhiều hơn các hoạt động ngoại khóa. Nhiều trò chơi dân gian đang có nguy cơ bị mai một dần, có được đất sống. Giờ chơi ở sân trường nhộn nhịp hẳn lên với các trò chơi đá cầu, đánh đũa, nhảy dây, múa sạp…Học sinh được quan tâm tạo điều kiện tốt nhất sao cho “ Mỗi ngày đến trường là một niềm vui”.

Đi đôi với việc tăng cường tổ chức các hoạt động vui chơi cho học sinh, các trường nói chung đều chú trọng nhiều hơn đến việc hướng các em tham gia các hoạt động xã hội, tìm hiểu thêm về quê hương , đất nước, con người, tham gia cứu trợ đồng bào bị thiên tai, giúp đỡ trẻ em nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

 

 

 So với các trường trung học cơ sở thì công tác giáo dục kỹ năng sống ở các trường trung học phổ thông có phần khó hơn. Ở độ tuổi 15-17, các em dễ bị tác động bởi môi trường bên ngoài, và có ảnh hưởng ngay đến tâm tư tình cảm, sinh hoạt, học tập của chính bản thân mình. Các em cũng dễ bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu và có nguy cơ sa đà vào các tệ nạn xã hội đang len lõi vào học đường.Cả 3 môi trường giáo dục là gia đình, nhà trường và xã hội đều chưa quan tâm đúng mức đến việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Nhiều phụ huynh chỉ quan tâm khuyên con chăm chỉ học tập để thi đỗ vào đại học, không muốn con em tham gia sinh hoạt xã hội, sợ mất thời gian, ảnh hưởng đến học tập. Ở nhà trường, chỉ coi trọng môn lý thuyết để thi cử, còn các môn như: Giáo dục công dân, giáo dục quốc phòng, thể dục, công nghệ… thường bị coi nhẹ. Các hoạt động ngoại khóa cũng bị tinh giản hoặc bỏ qua.

Trong thời gian gần đây, đẩy mạnh việc thực hiện cuộc vận động xây dựng “ trường học thân thiện, học sinh tích cực”, các trường trung học phổ thông cũng coi đây là một giải pháp khả thi để tiến hành giáo dục kỹ năng sống cho học sinh. Những trường mà do đặc điểm lịch sử trước đây có chất lượng tuyển sinh đầu vào khá thấp luôn phải đương đầu với vấn nạn bỏ học nửa chừng, vấn nạn bạo lực học đường … thì giờ đây tình hình có phần nào khả quan hơn. Học sinh có vẻ chăm chỉ và siêng năng hơn trong học tập, tích cực rèn luyện bản thân thành những con người năng động, tự tin. Đa phần các em đều có ý thức được việc học hôm nay sẽ là hành trang quan trọng cho bước đường lập thân lập nghiệp sau này. 

Ở các Trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp huyện, thị, thành, chuyện giáo dục kỹ năng sống cho học viên cũng còn lắm nhiêu khê. Trong chương trình học chính thức không hề có nội dung giảng dạy về kỹ năng sống. Nhiều nơi có sáng kiến kết hợp lồng ghép việc giáo dục kỹ năng nghề, nội dung giáo dục hướng nghiệp để rèn luyện kỹ năng sống cho học viên. Tuy nhiên có những lớp học mở vào ban đêm học vào các buổi tối trong tuần thì các Trung tâm Giáo dục thường xuyên cũng chưa biết xoay sở thế nào để bố trí dạy các chuyên đề về kỹ năng sống cho học viên của mình.

Kỹ năng sống có ảnh hưởng lớn đến việc học tập, sinh hoạt, lao động, làm việc của mỗi người. Vì thế việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh cần phải được quan tâm hơn nữa. Chính bản thân mỗi học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường cũng phải tích cực rèn luyện kỹ năng sống để sau này có cuộc sống tốt đẹp hơn, có tương lai tươi sáng hơn./.

An Khánh

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *