Bên bờ hạnh phúc

Hiệp hội báo chí quốc tế Project Syndicate có trụ sở chính tại Mỹ vừa đưa ra dự báo rằng khu vực châu Á sẽ đối mặt với nhiều thách thức trên con đường hướng tới tăng trưởng kinh tế bền vững và toàn diện trong năm 2013. Đồng thời, tổ chức này cũng nhận định đây sẽ là thời điểm mà châu Á và toàn thế giới có những cơ hội phát triển mới.

5 năm kể từ sau cuộc suy thoái toàn cầu năm 2008, các nước phát triển vẫn đang hồi phục mong manh, Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chưa thoát khỏi khủng hoảng nợ, còn Mỹ đang có những dấu hiệu hồi phục, nhưng rủi ro vẫn gia tăng. Tại châu Á, hầu hết các nền kinh tế mới nổi, điển hình là Trung Quốc và Ấn Độ, đã không thể duy trì đà tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) ở mức 2 con số, do những khó khăn của môi trường bên ngoài và những tồn tại bên trong.

Người dân mua hàng tại khu chợ ở thủ phủ Hợp Phì, tỉnh An Huy, miền đông Trung Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo Project Syndicate, châu Á cần nắm bắt cơ hội để hướng tới kỷ nguyên tăng trưởng mới, khắc phục tình trạng bất bình đẳng ngày càng lan rộng và cải thiện tính bền vững của phát triển. Sự tăng trưởng kinh tế vượt bậc trong vài năm gần đây đã giúp hàng triệu người ở châu Á thoát khỏi đói nghèo, nhưng kèm với đó là chênh lệch thu nhập ngày càng tăng cũng như môi trường sống bị hủy hoại nghiêm trọng.

Thực tế đó cho thấy châu lục này đang đối mặt với thách thức chủ yếu là duy trì tăng trưởng kinh tế ở mức thấp hơn và cải thiện chất lượng tăng trưởng theo hướng bền vững, toàn diện, xanh và dựa vào tri thức. Theo Project Syndicate, để đạt được mục tiêu đó, châu Á cần tái cân bằng các nguồn lực kinh tế để thúc đẩy nhu cầu trong nước, nhu cầu khu vực và tăng cường hợp tác giữa các nền kinh tế đang phát triển của châu lục với nhau.

Trong hơn 2 thập niên qua, sự hưng thịnh kinh tế châu Á chủ yếu dựa trên ngành sản xuất mang tính nội bộ khu vực. Trong đó, hàng hóa, linh kiện và phụ tùng được chế tạo tại châu Á, được lắp ráp thành thành phẩm để phục vụ xuất khẩu sang các thị trường phát triển. Do đó, để đảm bảo sự ổn định lâu dài và giảm bớt rủi ro phát sinh từ việc phụ thuộc quá mức vào xuất khẩu, châu Á cần tăng năng suất và cải tiến hiệu quả của ngành sản xuất hiện có, đồng thời phải tìm ra các nguồn tăng trưởng mới.

Project Syndicate nhận định tiến trình chuyển đổi đang bắt đầu diễn ra tại châu Á, bắt nguồn từ niềm tin lâu dài rằng sự tăng trưởng cân bằng, toàn diện và ngày càng dựa vào tri thức sẽ giúp giảm bớt đói nghèo và tăng phồn vinh cho người dân. Sự tăng trưởng có chất lượng tại châu Á được cho là cũng sẽ đóng góp cho sự ổn định kinh tế toàn cầu và khuyến khích tái cân bằng phát triển trên toàn thế giới.

Phúc Châu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *