Bên bờ hạnh phúc

 Hiệu quả tích cực nhất đối với chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở cho dân vùng ngập lũ là người dân vùng lũ đã có được chỗ ở mới an toàn, không còn phải lo toan chạy lũ khi lũ về. Tuy nhiên về cuộc sống thì nhiều hộ dân nơi cụm tuyến dân cư ngập lũ vẫn còn gặp không ít khó khăn, nhiều căn nhà xây dựng dở dang hoặc đã xây xong nhưng lại bỏ hoang gây lãng phí.

 

 

Bỏ căn nhà xây dựng tại cụm dân cư vượt lũ xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ, 5 năm nay anh Trần Thế Bảo đã quay lại chỗ ở cũ nơi thường xuyên bị ngập lũ để sinh sống.

Anh Trần Thế Bảo cho biết: “Ở đây mình đi làm thuê, làm mướn, giăng câu, giăng lưới cũng thuận tiện hơn, hái rau, bắt ốc cũng được. Còn ở ngoài kia chỉ có chỗ ở thành ra nó cũng hơi khó, chưa có điều kiện về ở  được.”

Cụm dân cư xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ hiện có166 hộ dân vào xây dựng nhà, nhưng có đến 30 hộ đã bỏ hoang nhà cửa để quay lại những căn chòi đồng xiêu vẹo.

Ông Trần Văn Sinh, xã Thạnh  Quới – Long Hồ phản ánh: “Mười mấy năm nay mà hổng có dư dã gì hết. Cuộc sống bây giờ qua ngày vậy thôi, mần ngày nào sống ngày nấy.”

Những hộ dân bỏ hoang nhà cửa để quay về nơi ở cũ không chỉ xuất hiện ở cụm dân cư vượt lũ xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ mà ở hầu hết các cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 1 trên địa bàn tỉnh đều có tình trạng như vậy. Nguyên nhân chính khiến người dân bỏ hoang nhà cửa để quay về nơi ở cũ mưu sinh là do thiếu việc làm, cuộc sống khó khăn. Mong muốn cấp thiết nhất của khoảng 6.000 hộ dân nơi các cụm tuyến dân cư vượt lũ giai đoạn 1 bây giờ là có được việc làm tại chỗ để ổn định cuộc sống.

Theo ông Trần Văn Thành, xã Thạnh Quới – Long Hồ: “Về đây ở thì phải đi làm mướn, nếu mà ở không không có làm thì chịu chết luôn.”

Chị Đặng Thị Tư, xã Thạnh Quới, huyện Long Hồ kiến nghị: “Ở đây cần Nhà nước quan tâm tới là tổ chức dạy nghề như đan, may hoặc thêu thùa gì đó để có nghề ổn định cuộc sống gia đình. Chớ bây giờ tuổi lớn rồi thì đâu có vào công ty được.”

Hiện nay trên địa bàn tỉnh, hệ thống trung tâm dạy nghề đã phủ kín ở các địa phương, có đủ khả năng đảm đương tốt nhiệm vụ. Với những điều kiện như thế thì công tác đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho lao động nông thôn nhìn chung là thuận lợi. Vấn đề còn lại phụ thuộc vào phương pháp thực hiện và ý chí vượt khó thoát nghèo của mỗi gia đình để biến những thuận lợi đó thành hiệu quả thực tế. Nếu tình trạng thiếu việc làm nơi cụm tuyến dân cư vượt lũ không được khắc phục, người dân vẫn phải tiếp tục bôn ba vất vả để mưu sinh thì số lượng hộ dân bỏ hoang nhà tại các cụm tuyến dân cư vượt lũ để trở về nơi ở cũ sẽ không dừng lại.  

Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó chủ tịch UBND xã Thạnh Quới –  huyện Long Hồ đề nghị: “Đối với cụm tuyến dân cư rất mong được mở các lớp dạy nghề. Ví dụ như dan lục bình tuy thu nhập không cao nhưng cũng ổn định được cuộc sống.”

Theo ông Cao Minh Quân,Phó phòng Công thương huyệnTam Bình: “Số hộ xét vào cụm tuyến dân cư vùng lũ đa số là hộ nghèo, không có đất ở, chủ yếu họ sống vào nghề làm mướn. Như vậy để họ ổn định thì phải đào tạo cho họ có nghề ổn định.”

Theo thời gian những căn nhà bỏ hoang đang dần xuống cấp, trong khi thời gian hoàn trả số tiền vay 9 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách xã hội cho mỗi hộ cất nhà đã đến. Tỉnh Vĩnh Long đang đề xuất với Bộ xây dựng kiến nghị Chính phủ cho phép các hộ dân nơi cụm tuyến dân cư vượt lũ gặp nhiều khó khăn được giãn nợ thêm 5 năm để có điều kiện ổn định cuộc sống.

Ông Trần Hoàng Dũng, Thành viên BCĐ Chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở cho dân vùng ngập lũ Vĩnh Long cho rằng: “Về vấn đề giải quyết việc làm, khi các hộ dân vào ở thì chính quyền địa phương sẽ tuyên truyền mở những lớp đào tạo nghề và giải quyết việc làm để cho dân cư vào ở đảm bảo thu nhập và vấn đề cốt lõi là an sinh xã hội.”

Mục đích của chương trình xây dựng cụm tuyến dân cư và nhà ở cho dân vùng ngập lũ là làm thay đổi bộ mặt nông thôn, giúp nhiều gia đình nghèo có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ, song từ ý nghĩa cho đến thực tế vẫn còn một khoảng cách. Hiện các gia đình đang sinh sống nơi các cụm tuyến dân cư vượt lũ vẫn đang gặp khó khăn do thiếu kế sinh nhai, rất cần sự quan tâm tích cực hơn từ các cấp chính quyền và ngành chức năng, nhất là trong đào tạo nghề, giải quyết việc làm./.

Nguyễn Phước

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *