Bên bờ hạnh phúc

Với số lượng các quả tim hiến tặng hiện quá ít so với nhu cầu ngày càng gia tăng của các bệnh nhân tim mạch, việc sử dụng tim nhân tạo đang trở nên khá phổ biến. Nhiều chuyên gia y tế tin rằng nhờ vào công nghệ khoa học tiên tiến, các quả tim nhân tạo sẽ sớm là sự lựa chọn của bệnh nhân tim trong khi chờ đợi được người hiến tặng tim.

Đi đến bất cứ nơi đâu, Daquain Jenkins, một cư dân ở New York (Mỹ) cũng phải mang trên người quả tim nhân tạo cùng với các thiết bị hỗ trợ.

Jenkins, 28 tuổi, có 3 người con. Anh được chẩn đoán suy tim xung huyết cách đây 3 năm. Tháng 4/2011, anh được ghép một quả tim. Tuy nhiên, vào tháng 8 vừa qua, quả tim đã bị cơ thể anh đào thải, vì thế các bác sĩ buộc phải thay quả tim đó bằng một trái tim nhân tạo. Trái tim này được tin là sẽ giúp anh sống đến khi nào nhận được quả tim từ một người hiến tặng khác. Mỗi lần sạc pin, nó hoạt động 2 giờ đồng hồ. Jenkins luôn mang theo bên mình pin phụ đã được sạc để giúp tim nhân tạo luôn có đủ năng lượng hoạt động. Theo các chuyên gia y tế, quả tim do công ty cung cấp hệ thống tim nhân tạo SynCardia của Mỹ chế tạo này có thể hoạt động lâu nhất là 1374 ngày, tức khoảng 4 năm.

Ảnh minh họa

Ông Anelechi Anyanwu, bác sĩ thực hiện ca ghép tim nhân tạo cho Jenkins, cho biết công nghệ này đã có từ 3 thập niên trước và đã được cải tiến rất nhiều về mặt kỹ thuật: “Tim nhân tạo này hoạt động nhờ vào một máy bơm cơ học, giúp máu lưu thông theo một hướng. Hiện có nhiều cải tiến đối với công nghệ này như máy bơm nhỏ hơn, nguồn năng lượng cung cấp cho tim hoạt động lâu hơn…”

Cha của Jenkins đã qua đời ở tuổi 28 do bệnh tim. Jenkins hy vọng nhờ quả tim nhân tạo này anh sẽ tiếp tục sống và đưa các con của mình đến trạm chờ xe buýt để đến trường, một công việc đơn giản mà anh đã gặp khó khăn với quả tim bị suy xung huyết của mình trước kia.

Anh Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *