Bên bờ hạnh phúc

 Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới là một chương trình lớn, nhằm phát triển nông thôn một cách toàn diện theo hướng văn minh, hiện đại. Ở đó bao gồm rất nhiều nội dung, liên quan đến hầu hết các lĩnh vực như kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường, hệ thống chính trị cơ sở,… để đi đến mục tiêu cao nhất là nâng cao đời sống về vật chất và tinh thần của người dân nông thôn.

 

Xác định đây là một chương trình lớn của quốc gia, người dân nông thôn là đối tượng trực tiếp thụ hưởng, chương trình cần rất nhiều vốn đầu tư; mỗi xã có thể cần đến hàng ngàn tỷ đồng mới có thể đạt chuẩn theo quy định. Trong khi đó, điều kiện nước ta hiện còn nghèo, ngân sách còn hạn hẹp, cùng một luc không thể đầu tư đầy đủ, toàn diện trên phạm vi cả nước. Vì vậy, một sự huy động từ nhiều nguồn lực khác nhau của cả cộng đồng là hết sức cần thiết. Trong đó, nguồn lực huy động từ nhân dân là vô cùng quan trọng. Cái cần ở sự đóng góp của người dân không chỉ bằng tiền, bằng công lao động, mà còn bằng hiện vật, đó là đất đai – cơ sở vất chất hạ tầng quan trọng nhất để tạo động lực phát triển. Nhưng ở nông thôn, đất đai nông nghiệp là nguồn tư liệu sản xuất sống còn của nông dân. Vậy làm thế nào để người dân tự nguyện đóng góp tiền của, đất đai cùng với cả cộng đồng chung tay góp sức xây dựng Nông thôn mới, trong khi đời sống bản thân họ cũng còn lắm khó khăn?

Tuy rằng trước đây, địa phương nào cũng có kinh nghiệm và thành tích trong việc vận động bà con hiến đất, hiến ngày công lao động làm đường GTNT xây dựng xã văn hóa, nhưng con số ít hơn nhiều so với chương trình Nông thôn mới lần này. Theo thống kê, để hoàn thành 19 tiêu chí như đã đề ra, mỗi xã cần ít nhất vài trăm tỷ đồng, đó là chưa kể đến đất đai – hầu hết là của người dân, với trị giá từ hàng chục đến hàng trăm tỷ đồng. Một con số quá lớn so với mức sống của họ hiện nay. Một trong những giải pháp quan trọng hàng đầu được xác định là khâu vận động tuyên truyền, làm cho người dân hiểu và tin vào mục đích và ý nghĩa của chương trình thì việc đóng góp sẽ dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, từ thực tế cho thấy, việc vận động, tuyên truyền vẫn chưa đủ thuyết phục người dân, mà cùng với công tác này còn cần phải có sự làm gương của các cán bộ, nhất là những cán bộ chủ chốt. Thực tế qua gần 3 năm tiến hành xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương cho thấy, ở đâu có cán bộ lãnh đạo đi đầu làm gương trước, thì nơi đó phong trào diễn ra sổi nổi, tiến độ nhanh hơn.

Cụ thể như xã Vĩnh Phú, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang. Đây là một trong 4 xã điểm của tỉnh này được chọn để hoàn thành sớm trước hạn định năm 2015. Đến nay, xã đã đạt 15/20 tiêu chí, các tiêu chí còn lại đều đạt từ 50% trở lên. Để đạt được kết quả đáng mừng như vậy là nhờ ý Đảng lòng dân ở đây được thống nhất, đồng thuận. Trong đó, người lãnh đạo luôn luôn gương mẫu, đi dầu trong các phong trào, dù là quyên góp tiền của hay ngày công lao động.

Thật vậy, khi người lãnh đạo“nói là làm”thì rất dễ thuyết phục người dân.

Xã Phú Cần, thuộc huyện Tiểu Cần được xem là một trong những điểm sáng xây dựng nông thôn mới tại tỉnh Trà Vinh. Là một xã nghèo, thuộc diện 135, có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống nhưng nhờ có sự tham gia vào cuộc nhiệt tình của cán bộ lãnh đạo địa phương, nên tiến độ hoàn thành các chỉ tiêu Nông thôn mới ở đây cũng khá nhanh chóng. Đến hết năm 2012, Phú Cần đã đạt 15/19 tiêu chí, một tiến độ khá nhanh.

Tại tỉnh Vĩnh Long, xã Thanh Đông, huyện Bình Tân cũng được xem là một trong những địa phương có nhiều bài học kinh nghiệm đáng quý trong cuộc vận động sức dân xây dựng Nông thôn mới thời gian qua. Đây là một đoạn có chiều dài khoảng 4km nằm trong trục lộ liên xã, nối xã Thành Đông với xã Tân Thành. Đoạn đường này sau khi hoàn thành sẽ giúp cho việc giao thương, vận chuyển hàng hóa, đi lại  của bà con trong xã đến trung tâm tỉnh lỵ được rút ngắn hơn nhiều. Mặt khác, về lâu dài, con đường còn đóng vai trò là một đê bao bảo vệ sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân 3 ấp Thành An, Thành Tân và Thành Hậu. Xác định tầm quan trọng của con đường như thế, nên cả hệ thống chính trị xã Thành Đông quyết tâm phải nhanh chóng hoàn thành trong thời gian sớm nhất. Trong đó, 100% phần đất làm đường là do người dân đóng góp.

Tuy nhiên, cái khó ở đây là làm thế nào để bà con sẵn lòng chia sẻ, trong khi giá trị đất trồng khoai lang hiện lên đến hàng trăm triệu đồng một công. Biện pháp vận động tuyên truyền và làm gương đi đầu của cán bộ lãnh đạo một lần nữa được nhắc đến tại đây.

 

Đúng như Bác Hồ đã dạy “nói phải đi đôi với làm”. Bản thân mình tuyên truyền, vận động, mà không tự nguyện làm gương trước thì không thể thuyết phục cho dân tin, dân tự nguyện làm theo. Và như thế thì những chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ rất khó đi vào cuộc sống.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Bích, Bí thư  Đảng ủy xã Thành Đông, trong cuộc vận động sức người – sức của để cùng xây dựng nông thôn mới vừa qua, gia đình bà đã hiến trên 1.000 m2  đất, trị giá vài trăm triệu đồng, và là một trong những người chịu mất đất sản xuất nhiều nhất nơi các tuyến đường đi qua.

Không chỉ thuyết phục cho người dân tin, người dân hiểu, mà với vai trò là một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của xã, Bà Ngọc Bích còn nêu một tấm gương sáng cho những cán bộ cấp dưới làm theo.

Việc tuyên truyền, vận động nhân dân để đưa những chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đến tay người dân thì không nhất thiết ở đâu cũng phải có cách làm giống nhau. Nhưng để đưa những chủ trương, chính sách ấy đi vào thực tiễn, góp phần thiết thực vào việc nâng cao đời sống của nhân dân thì không chỉ có việc tuyên truyền, vận động là đủ, mà rất cần có sự làm gương đi đầu của người cán bộ lãnh đạo. Nhất là những cán bộ chủ chốt ở mỗi địa phương. Trong cuộc vận động xây dựng nông thôn mới lần này cũng vậy, cũng rất cần có những cán bộ giỏi, có “lời nói  luôn luôn đi đôi với việc làm”. Được vậy thì  dù “khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *