Bên bờ hạnh phúc

Năm 2012, phong trào “ Đoàn kết giúp nhau nâng cao đời sống, vượt khó, giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” trong Hội Cựu chiến binh Tỉnh Vĩnh Long tiếp tục lan tỏa. Từ phong trào này đã giúp cho nhiều cựu chiến binh gặp khó khăn về kinh tế gia đình vươn lên ổn định cuộc sống. Đây là sự nỗ lực lớn của các cấp hội trong việc vận động hội viên phát huy truyền thống tốt đẹp của anh bộ đội Cụ Hồ trong thời kỳ mới, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau để cùng vươn lên trong cuộc sống.

 

 Cơ sở sấy lúa của ông Lại Văn Tám ở xã Mỹ Thuận, huyện Bình Tân. Mỗi năm, khi vào vụ thu đông và hè thu, cơ sở này nhận sấy lúa gia công cho thương lái trong ngoài tỉnh từ 700 đến 800 tấn lúa mỗi ngày, giải quyết việc làm cho 12 lao động địa phương. Trong đó có 6 lao động là con em của các gia đình cựu chiến binh trong xã, với mức thu nhập bình quân từ 5-6 triệu đồng/tháng.

 Trước đây, khi mới từ quân ngũ trở về với  đời thường, tài sản của ông Tám chẳng có gì đáng giá ngoài hai công ruộng cha mẹ cho. Năm 2009, được Hội Cựu chiến binh bảo lãnh cho vay vốn từ quỹ gia giải quyết việc làm và từ nguồn quỹ góp vốn xoay vòng của tổ chức hội, ông xây dựng hai miệng lò sấy lúa, làm ăn ổn định.

Mới đây, cơ sở sấy lúa này được chuyển đổi thành hợp tác xã, với sự tham gia góp vốn của 18 xã viên. Trong đó có 14 xã viên là cựu chiến binh.

Hợp tác xã công nghiệp dịch vụ Mỹ Tú do ông Tám làm chủ nhiệm ngày càng ăn nên làm ra. Mỗi tháng, một xã viên được chia lãi cả chục triệu đồng/tháng. Từ một quân nhân rồi trở thành  chủ nhiệm hợp tác xã, là kết quả từ sự quyết tâm phấn đấu vươn lên của người cựu chiến binh giàu nghị lực. Không chỉ làm giàu cho gia đình, ông Tám còn giúp cho nhiều cựu chiến binh, những đồng đội của ông cùng vươn lên ổn định sống. 

Phong trào cựu chiến binh giúp nhau làm kinh tế gia đình lan tỏa rộng khắp. Chỉ tính riêng trong năm 2012, các cơ sở hội của tỉnh đã bảo lãnh cho hàng chục ngàn hội viên được vay vốn trên 120 tỷ đồng, với lãi suất ưu đãi từ quỹ quốc gia giải quyết việc làm. Mỗi hội viên được vay trung bình là 11 triệu đồng để trồng trọt, chăn nuôi, làm nghề truyền thống. Nhiều hội viên còn được hướng dẫn phương cách làm ăn, được chuyển giao khoa học kỹ thuật sản xuất, thông các lớp tập huấn do hội phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức. 

Những năm qua, tổ chức Hội Cựu chiến binh các cấp của tỉnh Vĩnh Long cũng còn phát huy được nội lực của mình trong việc tương trợ giúp đỡ lẫn nhau làm kinh tế gia đình. Duy trì và xây dựng mới được nhiều mô hình, như  mô hình tổ hùng vốn bằng tiền, bằng vật liệu xây cất nhà ở, mô hình hũ gạo tình thương. Các mô hình này đã  kịp thời cứu giúp nhiều gia đình cựu chiến binh nghèo vượt qua những khó khăn hoạn nạn trong cuộc sống.

 Ở xã Hòa Bình, từ khi “ Hũ gạo đồng đội” được gầy dựng thì cái thiếu đói trong gia đình hội viên cựu chiến binh cũng chấm dứt. Trong đó có gia đình ông Nguyễn Văn Xanh. Có mặt trong đoàn quân tiếp quản tỉnh lỵ Vĩnh Long, xếp chiếc áo lính trở về với đời thường, ông phải đối mặt với những khó khăn chồng chất kéo dài khi căn bệnh sỏi túi mật bộc phát, qua bốn lần phẫu thuật, tiền thuốc men lên đến vài trăm triệu đồng, gia đình phải vay mượn khắp nơi mới có tiền trang trải viện phí cho ông. Với một ít đất ruộng mà gia đình đang canh tác thì cho dù  vợ ông, một cán bộ quân y cùng với ba người con của ông, có siêng năng gieo trồng đến 3 vụ lúa trong năm cũng chẳng đủ ăn. Nhưng từ khi “ Hũ gạo đồng đội” do cựu chiến binh ấp Hiệp Thạnh góp vào, rồi khui ra cấp gạo hàng tháng thì gia đình Ông vượt qua cái thiếu đói giáp hạt. 

 Mặc dù không mấy dư dả, nhưng mỗi lần góp gạo, giúp được một hội viên vượt qua cơn khốn khó, những người lính bước ra từ quân đội đều không giấu được niềm vui. Bởi hơn ai hết, họ hiểu rất rõ và cảm thông với những mất mát hy sinh của đồng chí mình và luôn mong muốn san sẻ những khó khăn ấy để động viên nhau vượt qua đói nghèo. 

  “ Hũ gạo đồng đội” nghĩa cử đẹp bền chặt tình đồng chí, do hội Cựu chiến binh nơi đây khởi xướng, đã được duy trì suốt 6 năm qua. Những hạt gạo chất chứa nghĩa tình được trao tặng kịp thời đã cứu giúp cho rất nhiều đồng đội của họ vượt qua cơn khốn khó, vươn lên trong cuộc sống.

 Tiết kiệm một ít để góp vào “Hũ gạo đồng đội” việc làm tuy nhỏ nhưng lại mang một ý nghĩa lớn lao. Nghĩa cử cao đẹp của những cựu chiến binh nơi đây đã tô điểm, làm rạng ngời truyền thống đoàn kết tương trợ giúp đỡ lẫn nhau “ Lá lành đùm lá rách” của dân tộc Việt Nam. Họ, những người lính Cụ Hồ đã và đang tâm huyết học tập và làm theo lời Bác dạy, thực hành tiết kiệm giúp nhau vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống

 Không chỉ được hỗ trợ vốn sản xuất và phương cách làm ăn phát triển kinh tế gia đình, đối với những cựu chiến binh nghèo, gặp khó khăn về nhà ở còn được xây cất nhà tình thương từ nguồn quỹ Mái ấm đồng đội do các cấp hội vận hội viên đóng góp. Những việc làm thiết thực, sâu nặng nghĩa tình đồng đội này đã giúp cho nhiều cựu chiến binh nghèo “ an cư lạc nghiệp”

 Anh Phạm Đăng Lâm ở khóm 5 phường 4, thành phố Vĩnh Long vừa đượcHội Cựu chiến binh  trao tặng căn nhà tình thương. Rời quân ngũ, trở về địa phương, người cựu chiến binh này phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cuộc sống. Cả gia đình 4 người phải nương náu trong căn chòi nhỏ siêu vẹo, cho dù vợ chồng anh có chăm chỉ làm thuê làm mướn, nhưng số tiền kiếm được con không đủ lo cho hai đứa con ăn học thì nói chi đến chuyện sửa chữa nhà.Thấu hiểu với gia cảnh khó khăn này, Hội cựu chiến binh thành phố Vĩnh Long đã vận động hội viên đóng góp 20 triệu đồng giúp anh xây cất lên căn nhà khang trang.

 Không chỉ có anh Lâm, từ nguồn quỹ “ Mái ấm đồng đội”, từ chương trình 167 của Chính Phủ, năm 2012 trong tổ chức Hội Cựu chiến binh của tỉnh có 63 hội viên được trao tặng nhà, với tổng chi phí xây cất trên 1,3 tỷ đồng. Những căn nhà mới được xây cất lên từ nghĩa tình đồng đội đã giúp cho nhiều gia đình cựu chiến binh có chỗ ở ổn định.

 

 

Năm 2012, tỷ lệ hội viên Cựu chiến binh có cuộc sống khấm khá tăng 4% so với năm 2011, tỷ hội viên nghèo cũng được kéo giảm xuống còn 3%. Đây là sự nỗ lực lớn của các cấp hội đã tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần của hội viên, như hỗ trợ về nhà ở, vốn sản xuất, dạy nghề và giải quyết việc làm cho những người lính xuất ngũ.

 Kỷ niệm ngày truyền thống Hội Cựu chiến binh Việt Nam, tổng kết phong trào đoàn kết giúp nhau nâng cao đời sống, vượt khó, giảm nghèo, làm kinh tế giỏi năm 2012, kịp thời biểu dương những tập thể và cá nhân tiêu biểu nhằm để cổ vũ phong trào thi đua nghĩa tình này tiếp tục lan tỏa.

 Từ những việc làm hay, từ những cách làm sáng tạo của các tập thể và các nhân tiêu biểu trong phong trào đoàn kết giúp nhau  nâng cao đời sống, vượt khó, giảm nghèo, làm kinh tế giỏi năm 2012. Đây là những kinh nghiệm quý báu để các cấp Hội Cựu Chiến binh tỉnh Vĩnh Long đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với hiệu quả cao hơn, góp phần bảo đảm an sinh xã hội.

Trần Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *