Bên bờ hạnh phúc

 Trong quá trình đô thị hóa, đất sản xuất nông nghiệp ở các vùng ven thành phố ngày càng thu hẹp, một số đối tượng vật nuôi, cây trồng cũ không còn phù hợp nữa; mặt khác đô thị hóa thì không phải hộ nào cũng có thể chuyển sang nghề mới – phi nông nghiệp một cách thuận lợi. Vì vậy, tìm ra một hướng đi thích hợp cho nông nghiệp đô thị là điều tất yếu.

Tại thành phố Vĩnh Long, những năm qua ngành nông nghiệp cũng chọn được nhiều mô hình thích hợp để giúp bà con nông dân trong khu vực này an tâm sản xuất khi diện tích còn khá khiêm tốn. Một trong đối tượng được lựa chọn là hoa lan.

 

 

Từ khi gia đình ông Nguyễn Thái Bình ở khóm 6 phường 4 chuyển sang trồng hoa phong lan theo sự khuyến cáo và hỗ trợ của ngành nông nghiệp Thành phố, thu nhập của gia đình được cải thiện đáng kể. Với diện tích được đầu tư khoảng 500 m2  , ông đang sở hữu trên 4.000 chậu lan cắt cành, mỗi ngày đều có nguồn thu nhập trên 200 ngàn đồng. Hiện ông cũng đang trong quá trình đầu tư khoảng 10.000 chậu, với nhiều giống khác nhau để lấp đầy 1 công đất còn lại.

Vườn lan có quy mô trên 500 m2 của gia đình ông Trương Văn Ân ở khóm 3, phường 9 được đầu tư khá bài bản trông rất đẹp mắt. Được Trạm khuyến nông TPVL chọn làm mô hình thí điểm từ năm 2007, đến nay vườn lan đã phát triển trên 10.000 chậu, trong đó trên 8.000 chậu đang cho thu hoạch bông, mô hình hiện được đánh giá là đạt hiệu quả cao trong các mô hình trồng hoa lan tại Thành phố Vĩnh Long.

Trước đây, ông có gần 5 công đất vườn trồng nhãn, từ khi mạnh dạn chuyển sang trồng hoa lan cắt cành, nguồn thu nhập đã khá ổn định và nỗi lo canh cánh về dịch bệnh trên cây ăn trái, hoặc đất vườn bị thu hẹp do đô thị hóa cũng không còn nữa.

Không chỉ riêng gia đình ông Ân, mà hàng ngàn hộ dân khác trên địa bàn thành phố Vĩnh Long cũng đang mang nỗi lo chung là: không biết làm gì để có thể có nguồn thu nhập tương đương khi mà diện tích đất sản xuất cứ ngày càng bị thu hẹp.

Theo số liệu thống kê, trong 10 năm, từ năm 2001 đến năm 2011, diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn TP Vĩnh Long đã giảm trên 1.300 ha, hiện còn khoảng 2.500 ha. Trong vài năm tới, tốc độ đô thị hóa sẽ tiếp tục gia tăng, và diện tích đất nông nghiệp sẽ còn tiếp tục bị thu hẹp. Do đó, nhiều năm qua, ngành nông nghiệp tỉnh nhà đã và đang khuyến khích phát triển những mô hình không cần nhiều diện tích, phù hợp với địa bàn dân cư đông đúc và lợi nhuận cao.

Từ năm 2007, Thành phố Vĩnh Long đã bắt tay vào cuộc, và khái niệm về Nông nghiệp đô thị bắt đầu xuất hiện ở đây. Đến nay đã có nhiều mô hình có dấu hiệu khả quan như: trồng rau mầm, măng tây xanh, kim thanh mai hay các mô hình chăn nuôi như: ba ba, rắn Ri voi, ếch,… Trong đó nổi bật nhất là mô hình trồng hoa lan cắt cành, được đánh gia là có nhiều triển vọng hơn hết.

 

 

Từ vài hộ ban đầu làm điểm trình diễn, nay đã tăng lên vài chục hộ với số lượng giò lan trên 30.000. Do tính phổ biến của giống lan Thái  Dentrobium Sonia – tím trắng, nên hầu hết những hộ tham gia trồng lan cắt cành đều chọn giống này. Một số hộ có nhiều vốn và kỹ thuật vững vàng thì sưu tầm thêm nhiều giống mới lạ để tiến tới thị trường bán lan chậu, mỗi năm bán chợ tết thu nhập rất cao.

Tuy nhiên, về yêu cầu kỹ thuật, hoa lan cũng không phải là đối tượng dễ tính. Nếu như không nắm vững kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa lan, thì cây cũng không ra bông, hoặc nếu có bông thì năng suất cũng không cao, hiệu quả kinh tế kém. 

Vì vậy, bên cạnh việc chuyển giao kỹ thuật trồng hoa lan cho người dân, Trạm Khuyến nông TP Vĩnh Long đã kết hợp với các ban ngành khác tại địa phương thành lập các tổ hợp tác hoa lan, để giúp bà con trong tổ trao đổi thêm về kinh nghiệm trồng lan và thông tin về thị trường tiêu thụ sản phẩm. Hiện tại, người trồng lan tại TP Vĩnh Long rất hài lòng về mô hình này. 

Vì vậy, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ còn tiếp tục đầu tư theo chiều sâu để phát triển mô hình này cho xứng tầm với sự phát triển của ngành nông nghiệp đô thị tại TP Vĩnh Long.

Nhưng việc đầu tư một cách bài bản cho nghề trồng hoa lan cần khá nhiều vốn. Cụ thể, để đầu tư cho 1.000 m2, trồng hoa lan và hệ thống tưới phun tự động cũng mất vài trăm triệu, trong khi đó, vốn liếng ban đầu của người dân không nhiều, nên để phát triển một cách toàn diện cho nghề này thì phải đầu tư từng bước. Khi thành công bước đầu, người dân có vốn rồi họ sẽ tự đầu tư các bước tiếp theo. Chẳng hạn, ban đầu bà con được chuyển giao kỹ thuật trồng lan, được hỗ trợ giống, hỗ trợ đầu ra; sau đó, mới tính đến việc trồng sao cho đẹp, tạo được vẽ mỹ quan cho đô thị; về sau nữa sẽ tiến tới tìm nhiều giống để đa dạng hóa sản phẩm hoa lan ở mọi cấp độ từ thấp đến cao, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của thị trường.  

Trong tương lai, đô thị hóa sẽ nhanh hơn, thu nhập và mức sống của một bộ phận không nhỏ người dân ở các đô thị sẽ tăng, và nhu cầu thưởng thức hoa kiểng, cây cảnh cũng tăng theo. Do vậy tiềm năng của thị trường hoa kiểng, trong đó có hoa lan sẽ còn lớn.

Ngoài nhu cầu về lan cắt cành tại các shop hoa, còn có nhu cầu không nhỏ về lan chậu của các hộ gia đình, mà hiện nay, nguồn cung tại chỗ đáp ứng chưa đến 50% nhu cầu của cả hai thị trường này. Mặt khác, những cái khó trong nghề trồng lan này đã có hướng giải quyết. Do vậy, trồng hoa phong lan cho nông nghiệp đô thị tại TP Vĩnh Long hiện nay là một sự lựa chọn hợp thời ./.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *