Bên bờ hạnh phúc

 Liên tiếp trong nhiều tháng, giá cá tra sụt giảm dưới giá thành khiến người nuôi thua lỗ. Hạ tuần tháng 11 vừa qua giá cá tra đã bắt đầu tăng trở lại. Trong khi sản lượng cá tra của vùng ĐBSCL hiện không còn nhiều, nhà máy thì thiếu nguyên liệu, những tưởng cá tra sẽ duy trì giá tốt. Song, trong những ngày đầu tháng 12 này cá tra lại rớt giá. Một lần nữa câu chuyện cung cầu được đặt ra như một bài học không bao giờ cũ. Làm gì để nâng cao hiệu quả cho người nuôi cá tra vẫn là câu hỏi chưa có lời giải từ thực tế.

 

Nhìn ao cá tra này, người tinh ý sẽ nhận thấy kích cỡ của mỗi con cá có sự chênh lệch nhau khá lớn. Lẽ ra trọng lượng bình quân mỗi con là 300 gr sau 3 tháng nuôi, nhưng thực tế ở ao cá này, chỉ những con vượt trội mới đạt trọng lượng đó, còn lại đa phần chỉ khoảng 100 gr. Lý giải điều  này, anh Nguyễn Văn Yến, người có 10 năm trong nghề cho rằng đó là hệ quả của việc cá bị bỏ đói. Với 8 ao hiện có, trong đó có 6 ao thả nuôi, lẽ ra mỗi ngày cần đến 20 tấn thức ăn. Song, do giá thức ăn tăng cao, nuôi không hiệu quả ,nên anh cắt giảm thức ăn chỉ còn 3 – 4 tấn/ ngày. Đây là giải pháp mà đa số người nuôi áp dụng để tự cứu mình trước áp lực thiếu vốn. Bởi lẽ hiện nay các chủ ao phải mua thức ăn bằng tiền mặt. Còn đối với các công ty nuôi cá như thế này, hạn mức nợ mà nhà máy thức ăn dành cho cũng bị cắt giảm nhiều. 

Do cá bị bỏ đói nên thời gian nuôi cá cũng dài hơn so với trước. Một vụ cá tra trước đây chỉ nuôi 6 tháng thì nay kéo dài đến 8 tháng. Chi phí nuôi cá vì thế cũng tăng hơn nhiều so với trước. Trong khi người nuôi cá hiện nay phải tự bơi, bởi lẽ chi phí đầu vào, từ thức ăn, thuốc trị bệnh cá, nhân công đều phải trả tiền mặt trong khi bán cá cho nhà máy thì nhận nợ ít nhất là một tháng. Tuy nhiên, thông thường nợ phải kéo dài khoảng 3 tháng, nên người nuôi cá luôn trong tình trạng hụt vốn.

Đó là lý do làm cho người nuôi cá hiện nay trở nên kiệt quệ. Số liệu thống kê của ngành chức  năng cho thấy diện tích nuôi cá tra thâm canh của tỉnh Vĩnh Long năm nay gần 430 ha. So với năm trước thì diện tích nuôi cá tra hiện đã tăng hơn 30 ha. Dù vậy, hiệncó đến 122 ha ao cá bị bỏ hoang, chưa được người nuôi thả giống trở lại. Bởi lẽ, sau khi cá tra đạt 23 ngàn đồng/ kg vào hạ tuần tháng 11 thì sang đầu tháng 12 lại giảm còn 22 ngàn đồng/ kg. Trong khi đó, giá thành mỗi kg cá tra từ 23 – 25 ngàn đồng. Đây là điều trái ngược thông lệ nhiều năm, bởi lẽ thời điểm gần Giáng sinh và Tết dương lịch những năm trước,cá tra luôn tăng giá do nhu cầu nhập khẩu tăng cao từ các nước EU và Hoa Kỳ. Điều này làm cho ngay cả những người nuôi cá có kinh nghiệm cũng phải thua thiệt. 

Những người chuyên làm cá tra giống như anh Nguyễn Thanh Bình cũng chịu cảnh tương tự. Thời điểm hiện nay không phải là phù hợp để sản xuất cá tra giống. Nếu nhưnhững năm trước đây ,mùa này giá cá tra giống rất cao thì năm nay giá cá giống giảm chỉ còn một nửa. Vậy mà cũng hiếm thấy người hỏi mua. Ao cá giống thường được bán từ khi đạt kích cỡ 1 phân 2, tức khoảng 120 con/ kg ,còn hiện nay đã đạt trọng lượng 1 phân 7 nhưng vẫn chưa bán hết. Trong khi đó anh Nguyễn Thanh Bình cho biết giá bán này thì người làm cá tra giống lỗ mỗi tấn đến 7 triệu đồng. 

Tuy những năm qua, giá cá tra có biến động tăng giảm nhưng nhìn chung người nuôi cá bám nghề vẫn sống được. Còn hiện nay, khi những qui luật giá cả thị trường gần như bị đảo lộn, giá bán cá tra duy trì ở mức thấp liên tục nên người nuôi cá không còn khả năng tái đầu tư. Trong khi đó, nhiều ngân hàng thương mại hầu như quay lưng lại với ngành thủy sản vì những rủi ro quá lớn thời gian qua.

Ngân hàng nhà nước Việt Nam chi nhánh tỉnh Vĩnh Long cho biết hiện chỉ có 10/ 16 chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn còn dư nợlĩnh vực này với tổng vốn đầu tư gần 1.130 tỷ đồng. Tuy nhiên, hạn mức tín dụng cho các doanh nghiệp thu mua chế biến cá tra hiện chỉ còn 485 tỷ đồng, giảm 76 tỷ rưỡi đồng so với đầu năm nay.

Còn đối với Ngân hàng nông nghiệp và PTNT Việt Nam, chi nhánh Vĩnh Long ,từ tháng 9 vừa qua đã dành gói tín dụng ưu đãi lãi suất 11% cho người nuôi cá tra, nhưng sau 3 tháng cũng chỉ mới có 90 hộ được vay 60 tỷ đồng. Như vậy, với suất đầu tư bình quân cho mỗi hộ chưa đến 700triệu đồng, thì số vốn này chưa thấm vào đâu so với nhu cầu thực tế. 

 

 

Hộ nuôi cá không được vay đủ vốn, còn các nhà máy chế biến cá tra lại bị ngân hàng kéo giảm hạn mức đầu tư ,sau khi nhiều nhà máy chế biến thủy sản trong khu vực ĐBSCL vỡ nợ. Việc rút hạn mức tín dụng tại tất cả các nhà máy chế biến thủy sản đã kéo theo nhiều hệ lụy. Nhà máy chế biến cá tra này hồi tháng 11 đã phải ngừng sản xuất 1 tuần do không đủ vốn để mua nguyên liệu cho dù công nợ hiện nay là 1 tháng đối với chủ ao. Còn hiện nay dù duy trì hoạt động nhưng cũng chỉ đạt từ 50 – 70 tấn cá tra nguyên liệu mỗi ngày, chỉ bằng 30 – 50% công suất. Nguyên liệu hiếm trong khi nhiều nhà máy phải duy trì lượng tồn kho lớn để đảm bảo tài sản thế chấp với ngân hàng. 

Việc chờ giá cá lên hiện đang là hy vọng chung cho cả người nuôi cá và nhiều nhà máy chế biến thủy sản. Tuy nhiên, cần nhất là một qui chế sản xuất và tiêu thụ cá tra được ngành chức năng ban hành. Bởi lẽ con cá tra Việt Nam cólợi thế độc quyền nhưng cả người nuôi và doanh nghiệp chế biến lại không được quyền định giá. Đó là do việc có quá nhiều doanh nghiệp tham gia xuất khẩu cá tra nhưng không có nhà máy, tự phá giá lẫn nhau và giảm chất lượng khiến cho con cá tra sụt giảm uy tín trên thị trường thế giới. Dự kiến cuối tháng 12 này Hiệp hội cá tra Việt Nam ra đời sẽ giải quyết những mâu thuẫn nội tại của ngành cá tra hiện nay. 

Trong khi chờ chính sách mới về sản xuất và tiêu thụ cá tra thì vốn hiện vẫn là bài toán nan giải nhất đối với ngành này. Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản VN thì để đạt sản lượng 1 triệu 200 ngàn tấn cá tra trong năm như dự kiến, nguồn tín dụng dành để phát triển vùng nuôi phải là 26 ngàn tỷ đồng. Trong khi đó, ngoại trừ Ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn, cần sự tham gia của các ngân hàng thương mại khác đầu tư và tham gia củng cố ngành sản xuất và chế biến cá tra. Điều này sẽ giúp cho cả ngành công nghiệp này chống chọi trước nguy cơ phá sản do thiếu vốn và thiếu nguyên liệu. 

Giải quyết bài toán này cũng là nhằm thực hiện theo định hướng của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn là duy trì ổn định diện tích vùng nuôi 5.500 ha ở các tỉnh nuôi cá tra ĐBSCL trong năm nay,với sản lượng 1 triệu 200 ngàn tấn cá thịt. Ngoài ra, một qui chế về điều kiện sản xuất và chế biến cá tra chặt chẽ hơn cũng đang được người nuôi cá mong chờ. Mục đích cuối cùng là nhằm chấm dứt tình trạng ép giá trong nước,nhưng lại tranh mua tranh bán của một bộ phận doanh nghiệp xuất khẩu. Qua đó tạo lòng tin cho khách hàng, vừa giữ uy tín cá tra VN trên thị trường thế giới./. 

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *