Bên bờ hạnh phúc

Mang Thít từng là địa phương nổi tiếng với nghề làm gạch, gốm mỹ nghệ và đóng tàu. Trong nhiều năm trước đây, số thu ngân sách của huyện luôn đứng hàng thứ 2 trong tỉnh Vĩnh Long, chỉ đứng sau TP.Vĩnh Long. Song, từ năm  2010 đến nay, mà đặc biệt là trong năm 2012 này, Mang Thít đang đối diện với khó khăn do nợ thuế  kéo dài. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp thuộc những ngành sản xuất mũi nhọn của địa phương đang sa sút và chưa có dấu hiệu phục hồi.

 

Là một huyện nằm ven sông Cổ Chiên và sông Măng Thít, nghề sản xuất gạch ở huyện Mang Thít có từ lâu đời, từng mang lại sự khá giả cho người dân nơi này. Thời phồn thịnh, Mang Thít có gần 2 ngàn lò gạch, hoạt động liên tục ngày đêm. Gạch Mang Thít cung ứng cho cả vùng ĐBSCL và miền Đông Nam bộ.

Tuy nhiên, hai năm trở lại đây, ngành sản xuất gạch đang dần dần rơi vào bế tắc. Đó là khi suy thoái kinh tế kéo dài, nhu cầu gạch dùng trong xây dựng giảm dần. Trong khi đó, chi phí sản xuất liên tục tăng cao, nhất là giá nguyên liệu đất sét, nhân công và đặc biệt là trấu dùng làm chất đốt tăng đột biến. Giá trấu đã tăng lên gấp đôi khiến người sản xuất thua lỗ, chỉ còn hoạt động cầm chừng.

Chúng tôi đến xã Nhơn Phú, nơi chiếm 50% lò gạch của huyện và từng được mệnh danh vương quốcgạchngói. Những lò gạch vẫn san sát nhau,nhưng cứ 5 – 7lò mới có một lò nhả khói. Điều này cho thấy sự đình đốn trong sản xuất nơi đây. Năm nay, Nhơn Phú được giao nhiệm vụ thu thuế hơn 7 tỷ đồng. Theo kế hoạch, mỗi tháng ngành thuế lập bộ thu hơn 500 triệu đồng,  nhưng thực tế thu chỉ đạt 50%. Nguyên nhân là có đến 55% cơ sở làm đơn xin ngừng hoạt động. Từ đó , thuế  thu không đạt, ngược lại còn tăng nợ thuế lên đến 1 tỷ 400 triệu đồng.

Chị Nguyễn Thị Tím có 2 lò gạch, đã nghỉ một lò, lò còn lại vừa ra 12 muôn gạch, tức 120 ngàn viên, nhưng không có ý định sản xuất tiếp vì thua lỗ. 

Trong số 553 cơ sở sản xuất của xã Nhơn Phú thì đã có 552 cơ sở nợ thuế. Chúng tôi tìm gặp bà Nguyễn Thị Sẻ, cơ sở duy nhất không nợ thuế hiện nay. Tuy nhiên, thật bất ngờ, không phải bà sản xuất và tiêu thụ tốt mà do muốn nộp hết thuế để không hoạt động nữa. Cơ sở gạch của bà từ đầu năm đến nay chỉ mới ra lò 2 đợt với 60 muôn gạch. Trong số này mới bán 40 muôn, lỗ 30 triệu đồng. Hiện còn tồn 20 muôn trong lò từ tháng 9 đến nay,  2 lò còn lại hiện bỏ trống. 

 

 

Còn đối với nghề gốm, thời thịnh vượng huyện Mang Thít có đến 48 doanh nghiệp lớn nhỏ. Nay toàn huyện hiện chỉ còn 15 doanh nghiệp còn hoạt động. Tuy nhiên, hơn 50% doanh nghiệp sản xuất mặt hàng này chỉ còn hoạt động cầm chừng và khó có khả năng thu hồi nợ thuế. Doanh số lập bộ thuế đối với ngành gốm giảm dần đều qua từng năm. Nếu như năm 2010, số thuế lập bộ đối với ngành gốm là hơn 7 tỷ đồng thì sang năm 2011 giảm còn 6 tỷ 400 triệu đồng. Còn trong năm 2012 này chỉ còn hơn 5 tỷ đồng. Dù vậy, số thuế thu được chiếm tỷ lệ rất thấp so với số lập bộ. Đây cũng là ngành có tỷ lệ nợ thuế cao nhất huyện. Năm 2010, nợ thuế của các doanh nghiệp sản xuất gốm của huyện Mang Thít là hơn 9 tỷ đồng, năm 2011 tăng lên hơn 9 tỷ rưỡi đồng và chỉ tính đến đầu quí 4 năm nay đã tăng vọt lên hơn 14 tỷ đồng.

Có công ty trước đây có đến 26 lò gốm hoạt động liên tục, nay chỉ còn 5 lò. Song, chỉ có 3 lò thật sự còn hoạt động, còn lại là cầm chừng. Từ chỗ có hàng trăm lao động, nay công ty chỉ còn 30 công nhân. 

Là sản phẩm xuất khẩu 100%, lại do khủng hoảng kinh tế thế giới kéo dài khiến nhu cầu giảm nhanh. Những doanh nghiệp gốm có đơn hàng thì cũng hoạt động cầm chừng do thiếu vốn lưu động nhưng không còn tài sản thế chấp ngân hàng. Trong khi đó , đơn giá mà khách hàng đặt tăng ít hơn chi phí thực tế sản xuất. Điều này khiến cho nợ thuế ngày một tăng thêm do tiền phạt chậm nộp. Nhiều doanh nghiệp có tiền phạt chậm nộp tương đương với tiền nợ thuế. Tỷ lệ này tính chung toàn huyện hiện nay lên đến 39%. Đã có 3 doanh nghiệp đã bị ngành thuế làm thủ tục cưỡng chế với hình thức đình chỉ sử dụng hóa đơn.

Để xoay chuyển sản xuất trong tình thế khó khăn này, nhiều doanh nghiệp sản xuất gốm xin nộp thuế dần. Song song đó là tận dụng nhà xưởng, mặt bằng sẵn có để nuôi gia công gà thịt cho các doanh nghiệp chăn nuôi có vốn nước ngoài. Công ty này vừa phá bỏ 7 miệng lò nung gốm để làm 3 trại gà, thả nuôi 20 ngàn con. Nguồn con giống, thức ăn đều do Công ty chăn nuôi đầu tư, doanh nghiệp gốm chỉ đầu tư chuồng trại, máy phát điện và ra công chăm sóc. Với chu kỳ thả nuôi ngắn, đồng vốn quay nhanh cũng tạo thêm nguồn thu để doanh nghiệp thanh toán nợ thuế. Nhiều doanh nghiệp tính đến việc bán tài sản là quyền sử dụng đất để thu hẹp sản xuất. 

 

Nhiều năm trước, Mang Thít còn là địa phương có ngành công nghiệp đóng tàu phát triển vượt bậc, đáp ứng nhu cầu vận chuyển cát sông san lắp mặt bằng và xuất khẩu sang Singapore. Từ khi thắt chặt đầu tư công, nhu cầu cát sông giảm dần và Campuchia cấm xuất khẩu cát, những chiếc tàu bán rẻ không ai mua. Trong khi đó, tiền vay ngân hàng và nợ thuế gia tăng. Các doanh nghiệp ngành đóng tàu hiện nợ thuế trên 2 tỷ 600 triệu đồng và được ngành thuế xác định không còn khả năng thu hồi vì toàn bộ tài sản đã thế chấp ngân hàng.

Tiếp xúc với doanh nghiệp đóng tàu duy nhất còn lại trên địa bàn huyện này, giám đốc doanh nghiệp cho biết tiền nợ thuế và ngân hàng lên đến 3 tỷ đồng. Trong đó một nửa là nợ do lãi quá hạn của ngân hàng và phạt nộp chậm tiền thuế.

Trong khi đó, ụ tàu nay chỉ làm dịch vụ sửa chữa, không có khách hàng mới. Con tàu trọng tải 900 tấn, giá thành hơn 3 tỷ đồng đóng từ năm 2010. Đến nay vẫn chưa một lần hạ thủy vì không một khách hàng nào hỏi mua, cho dù giá bán giảm còn một nửa. 

Từ chỗ có đến 10 doanh nghiệp đóng tàu qui mô lớn, nay Mang Thít chỉ còn 1. Thực tế 9 doanh nghiệp đóng tàu còn lại đã phá sản mà chưa làm thủ tục giải thể.

Việc đình đốn trong sản xuất các ngành sản xuất công nghiệp chủ lực khiến cho Mang Thít không thể hoàn thành nhiệm vụ thu thuế năm thứ 2 liên tiếp. Trong năm nay toàn huyện ước chỉ thu nộp bằng 76% dự toán của tỉnh giao, tương đương 34 tỷ rưỡi đồng, thấp hơn 5% so với năm trước. Trong khi đó, nợ thuế của huyện này hiện trên 44 tỷ đồng, chiếm 15% tổng nợ thuế trong tỉnh Vĩnh Long và dẫn đầu các huyện, thành phố. 

Cho đến cuối năm 2012 này, số thuế nợ đọng trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long lên đến 294 tỷ đồng, tăng 31% so với đầu năm. Riêng huyện Mang Thít , ngoài  tỷ lệ nợ thuế cao nhất tỉnh cũng là địa phương có thuế khó thu nhiều nhất. Với tình hình sản xuất chưa có dấu hiệu tích cực thì Mang Thít cần có giải pháp hỗ trợ của tỉnh. 

Từng là sản phẩm truyền thống mang tính đặc thù và chủ lực của tỉnh Vĩnh Long, ngành gạch gốm Mang Thít hiện đang cần một sự tiếp sức toàn diện để hồi sinh. Ngoài chính sách hợp tình hợp lý để hoãn, giảm, miễn thuế cho doanh nghiệp, đây cũng là lúc ngành nghề này đứng trước yêu cầu tái cơ cấu lại sản xuất. Trong đó, quan trọng là đổi mới công nghệ, tiết kiệm nguyên liệu đất sét đang cạn dần, thay thế trấu bằng nhiên liệu khác để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí, năng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh. Những giải pháp để cứu lấy ngành nghề truyền thống của địa phương cần được thực hiện đồng bộ, tập trung , gắn với quy hoạch lại sản xuất, hổ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, cũng là nuôi dưỡng nguồn thu cho ngân sách địa phương.

Quốc Dũng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *