Bên bờ hạnh phúc

Gừng chữa chứng lạnh bụng, làm ấm người thể hàn nhưng lại rất hại với người máu nóng, mồ hôi nhiều, chảy máu.

Gừng là gia vị không thể thiếu trong mỗi gia đình, đồng thời là vị thuốc hay được sử dụng trong đông y. Nhưng ai là người dùng gừng có lợi và ai dùng thì hại? 

 

Gừng: Vị thuốc rẻ tiền mà lợi

Theo lương y Nguyễn Hữu Quỳ thì gừng được sử dụng rất phổ biến trong các thang thuốc đông y. Sở dĩ như vậy vì gừng được dùng làm thuốc dẫn giúp thuốc chính vào được đúng cơ quan cần chữa trị trong cơ thể. Ví dụ như muốn chữa bệnh ở phổi thì gừng là chất dẫn rất tốt bởi tính chất cay xông của nó. 

Lương y Quỳ cho biết: Gừng có vị cay, tính ấm, có tác dụng kháng viêm giảm đau làm tăng cường hoạt động của tuyến giáp trạng và tuyến sinh dục, chống nôn ói, cảm mạo.   

Vì vậy, trong thời tiết lạnh như hiện nay, nếu đi ngoài đường gặp mưa, rất dễ bị cảm mạo. Bạn có thể dùng gừng sống 20 gr giã nát, bỏ vào một ly nước sôi hoặc trà nóng rồi cho đường vừa đủ ngọt để uống lúc còn nóng.  

Nếu bị cảm lạnh có thể nấu cháo thịt, trước khi bắc ra cho 10 gr gừng tươi, cùng hành lá, tía tô vào ăn nóng. 

Cũng có thể dùng cách sau: Gừng tươi và tỏi (mỗi loại 100 gr), nửa lít giấm ăn. Tỏi, gừng rửa sạch, cắt lát rồi ngâm trong giấm, đậy kín trong 30 ngày. Khi bị cảm cúm dùng thức ăn kèm với 2 muỗng cà phê giấm ngâm gừng và tỏi này sẽ có công hiệu.  

Khi đi tàu xe, bị chóng mặt, choáng có thể lấy gừng tươi ngậm hoặc đặt lát gừng tươi vào rốn. Khi bị tụt huyết áp, có thể giã nát gừng chắt lấy nước và pha với đường để uống nóng. 

Cơ thể bị lạnh bụng nên tiêu chảy có thể dùng gừng tán thành bột ăn với cháo mỗi lần dùng 8gr. 

Bụng bị trướng đầy, thổ tả, lạnh tay chân, mạch vi, đàm ẩm, ho suyễn, tê bại, băng huyết, dùng 12 gr gừng sắc uống. 

Ngoài ra, gừng có còn tác dụng chữa lở loét bàn chân. Dùng gừng sống, hành tươi đều nhau giã nát, trộn một chút dấm đắp vào chỗ lở loét.  

Cơ thể vận động nhiều, bị đau nhức, có thể ăn gừng tươi dùng mỗi ngày 2 gr, liên tiếp trong vòng 11 ngày. Gừng sẽ làm giảm  cảm giác nhức mỏi và giảm các cơn đau.

 Theo Giáo sư – Tiến sĩ Dương Trọng Hiếu, nguyên trưởng khoa Tổng hợp, Viện Y học Cổ Truyền Trung ương, nay là chủ nhiệm phòng khám Đông Phương Y quán: Nếu kinh nguyệt không đều, bạn có thể lấy gừng tươi 15gr, lá ngải cứu 10gr, trứng gà 2 quả cho vào nồi, đổ nước để nấu. Khi trứng chín thì vớt ra, bóc bỏ vỏ, cho vào nấu tiếp cho đến khi nhừ. Ăn trứng và uống nước. 

Trong bài thuốc chữa hen phế quản, TS Hiếu cũng không quên cho thêm gừng tươi. Ông cho biết gừng tươi để ngoài để tránh làm hỏng thuốc đã làm khô. Khi sắc, chú ý cho vài lát gừng tươi vào với thuốc. Gừng rất có ích cho bệnh nhân hen phế quản.

Gừng kị với ai?

Theo lương y Nguyễn Hữu Quỳ gừng có tính nóng nên những người có thể trạng nhiệt hay ra mồ hôi, tay chân nóng thì không nên dùng. 

Ngoài ra, người có thai, nôn ra máu, đại tiện ra máu cũng không được dùng. Một số nghiên cứu khẳng định, tiêu thụ nhiều gừng sẽ gây co thắt tử cung, có thể gây xuất huyết tử cung trong thai kỳ.

Khi ăn gừng, một số bà mẹ có cảm giác bị chuột rút. Phần lớn trường hợp chuột rút này không gây nguy hiểm cho thai nhi. 

Gừng có thể gây mỏng thành mạch máu nên không được dùng nhiều gừng hoặc dùng liên tục trong thời gian dài.

Theo VTC News  

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *