Bên bờ hạnh phúc

 Không phải nhà giàu có thuộc hàng đại gia, cũng không có mô hình gì đặc biệt nổi tiếng, nhưng gia đình của ông Thạch Minh ở ấp Cầu Tre, xã Phú Cần, huyện Tiểu Cần, tỉnh Trà Vinh vẫn được nhiều người ở địa phương biết đến và mến mộ bởi một gia đình nông dân chân chất mà dám tính toán để nuôi tất cả 4 người con ăn học thành tài.

Điều khá đặc biệt là 4 người con của ông đều chọn học ngành y, ngành dược, một trong các ngành tốn kém khá nhiều đối với các bậc cha mẹ. Đó là điều bình thường đối với những người có điều kiện tốt về kinh tế, và có trình độ học vấn. Nhưng đối với vùng đất còn nhiều khó khăn như Phú Cần thì đây quả là điều đặc biệt và đáng quý.

 

Khi cưới nhau, gia đình hai bên cho ông bà được vài công đất. Nhờ biết tính toán làm ăn, không lâu sau ông bà có được 1 ha đất ruộng và mấy công vườn. Tuy nhiên, Phú Cần vốn là vùng đất gò cao, mùa mưa mới là mùathích hợp canh tác, đến tháng nắng hạn, một mặt là không có nước canh tác, mặt khác còn bị  xâm nhập mặn, nên đời sống nông dân ai cũng khổ.

Thế nhưng khi thấy các con ham học và học giỏi thì ông bà cố gắng “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” miễn sao có đủ tiền cho các con ăn học.

Những năm gần đây, nhờ có hệ thống thủy lợi tương đối tốt phục vụ bà con ấp Cầu Tre sản xuất, gia đình ông cũng khấm khá phần nào, bởi lúa một vụ giờ thành 3 vụ, năng suất và sản lượng đều tăng. Quan trọng hơn, ông Minh là người luôn biết cập nhật những kiến thức mới để phục vụ cho nghề nông của mình. Các cuộc tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật do địa phương và ngành nông nghiệp tổ chức ông đều có mặt. Nhờ vậy, nhận thức của ông cũng thay đổi theo. Nhất là từ khi Phú Cần triển khai thực hiện chương trình “cánh đồng mẫu lớn”, ông cũng là một trong những nông dân tiêu biểu đi đầu đăng ký tham gia.

 

 Thật vậy, khi nhận thức đúng, làm đúng sẽ mang lại hiệu quả cao. Nếu như trước đây, trồng lúa chỉ để giải quyết cái ăn, còn thu hập chính của gia đình là chăn nuôi và trồng trọt, thì khoảng 10 năm nay, ruộng lúa lại là nguồn thu chính của gia đình. Hằng năm, cộng các khoản tiền có được nhờ rau màu, ruộng lúa ông có nguồn thu nhập trên 80 triệu đồng. Một con số khá cao.

Đối với nhiều nông dân, khi có thu nhập khá cao như thế, người ta sẽ còn tính đến việc mở ra mô hình mới, hoặc mua đất đai nhiều thêm để phát triển kinh tế, nhưng với ông Thạch Minh, có lẽ ông xem việc cho các con ăn học, cho con có cái chữ, cái nghề là việc đầu tư lớn của mình. Và theo ông, đó mới chính là quỹ tài sản quý nhất của gia đình ông. Vì vậy, mà trong suốt gần 10 năm nay, lần lượt 4 người con của ông ai cũng có điều kiện ăn học thành tài.

Ở một vùng quê nghèo thuộc xã 135, nơi có đến 62% đồng bào dân tộc Khmer sinh sống như Phú Cần, nơi mà sự học hành còn khá hạn chế thì việc làm của gia đình ông Minh, tuy nhỏ nhưng đã trở nên thật sự có ý nghĩa. Vì vậy, người ta cứ nhắc: tuy không phải là đại gia, cũng không  có mô hình gì đặc biệt, chỉ gắn với công việc của nhà nông như bao người, nhưng gia đình ông Thạch Minh đã trở nên một gia đình nông dân khác biệt tại đây ./.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *