Không được đào tạo qua trường lớp, không có một người thầy chuyên biệt nào, nhưng với niềm say mê, sáng tạo, và ý chí vượt khó vươn lên, ông Năm Nhã – tên thật là Dương Xuân Quả – đã được tôn vinh là “Vua lò sấy” của vựa lúa Nam Bộ.

 

Xuất thân trong gia đình trung nông, có khá nhiều ruộng đất. Nhưng hơn 20 năm trước, gia đình gặp nhiều biến cố, ông Năm Nhã phải cầm cố gần hết ruộng đất để cứu gia đình. Riêng bản thân ông lặng lẽ rời khỏi quê hương, lăn lộn trường đời để tìm kế sinh nhai, và cũng để tìm cơ hội xây dựng lại cơ nghiệp gia đình. Vốn có óc đam mê máy móc từ nhỏ, nên khi đi làm ông cũng chọn làm thuê cho các hãng cơ khí. Thế là sau khoảng 10 năm vừa làm vừa học, tuy không có dư nhiều, nhưng bù lại ông có được cái nghề mà theo ông là hết sức quý giá. Đó là nghề cơ khí.

Đến khoảng năm 2002, ông về lại quê hương Hưng Phú, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, được sự hỗ trợ vốn của người anh hàng xóm, ông mở xưởng cơ khí nhỏ. Và sau đó cái duyên với lò sấy đã đến.

Sau một số thành công bước đầu, ông Năm Nhã đã tăng cường nghiên cứu tiếp, bởi theo ông, nghề lò sấy không bao giờ lỗi thời ở vùng lúa như quê mình, nên từ đó ông cứ miệt mài nghiên cứu. Và có khi còn phải trả cái giá khá đắt.

Dù đã nắm được những thông số kỹ thuật cơ bản về vấn đề lò sấy và sấy lúa, nhưng phải mất 2 năm sau ông mới mạnh dạn ra ngoài nhận hợp đồng.

Sau đó tên tuổi của ông Năm Nhã được nhiều người trong nghề biết đến và đặt hàng lắp ráp, chuyển giao công nghệ lò sấy ngày càng nhiều. Đến năm 2009, ông nhận một đơn hàng sản xuất một lò sấy di động, mà có lẽ ít nhiều nó đã làm tiếng tăm của ông vang xa hơn.

 

Không những có nhiều ưu điểm về tiết kiệm nhiên liệu, độ khô đồng đều, Lò sấy Năm Nhã còn nổi tiếng về tiết kiệm chi phí nhân công. Do trong quá trình sấy không cần phải trở mẻ, dù bể lúa có đến vài chục tấn.

Nói đến bí quyết thành công, ông Năm Nhã từ tốn chia sẻ, thật ra, nghề lò sấy “thấy dễ mà khó”. Nhiều người nghĩ rằng công dụng của lò sấy chỉ cần sấy lúa khô, đúng độ là đạt. Những lò sấy như thế đã xuất hiện hàng vạn sản phẩm ở khắp các tỉnh, nhưng làm thế nào để có một lò sấy, vừa tiết kiệm chi phí, vừa ít nhọc công, lại khô đồng đều, khi xay xát tỷ lệ gạo gãy thấp, gạo không bị ẩm vàng, năng suất và phẩm chất đều đạt, ngược lại giá thành rất hợp lý… đó mới là điều mà không phải ai cũng có thể làm được. Trong khi lò sấy của ông có khả năng đáp ứng được tất cả những yêu cầu vừa nêu, làm lợi rất nhiều cho nhà xay xát, và chỉ có ông mới là người chuyển giao chính xác kỹ thuật vận hành cho lò sấy của mình.

Nhờ có nhiều ưu điểm nổi trội như vậy mà những năm qua sản phẩm lò sấy cải tiến không trở mẻ của ông Năm Nhã đã được bà con nông dân và thương lái lúa gạo trong vùng tin tưởng, và đầu tư ngày càng nhiều. Từ năm 2005 đến nay, ông đã lắp đặt trên 1.400 lò sấy cho trên 22 tỉnh thành trong cả nước, bao gồm các loại lò từ 10 tấn/mẻ đến 50 tấn/mẻ. Đặc biệt, trong năm 2011, ông còn xuất sang Camphuchia trên 30 máy, có nhân công qua đến tận nơi để lắp ráp, và chuyển giao kỹ thuật. 

Sau khi thành lập doanh nghiệp vào năm 2007, ông xây dựng lực lượng nhân công khá hùng hậu. Có đến 20 thợ làm tại chỗ, 5 đội trưởng được giao khoán công việc đi lắp ráp lò sấy ở khắp các nơi. Tại quê nhà xã Hưng Phú, huyện Phú Tân, ông vẫn duy trì xưởng cơ khí cũ cho các con quản lý, và chuyên sản xuất các phụ kiện cho lò sấy. Điểm tại Phường Bình Đức, TP Xong Xuyên là nơi trưng bày và giới thiệu sản phẩm.

Được biết, trong năm 2012 này, ông còn tiếp tục nghiên cứu cho ra đời sản phẩm lò sấy cải tiến mới theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa, tiết kiệm tối đa phí tổn nhân công lao động, và giảm thiểu giá sấy một tấn lúa xuống thấp hơn nữa, so với giá hiện hành.

Đã qua 2 năm trăn trở với nghề, nay ông đã cho ra đời sản phẩm lò sấy theo công nghệ tiên tiến từ nước ngoài, trị giá vài tỷ đồng, để phục vụ cho các nhà đầu tư lớn. Tuy vốn đầu tư ban đầu khá cao nhưng về lâu dài, thì đây vẫn là công nghệ cần phải hướng tới cho ngành nông nghiệp Việt Nam.

 

Ngày 02 tháng 8 năm 2012 này, ông rất vinh dự được Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang gửi Thư Khen. Đây có lẽ là niềm vui lớn nhất đối với cuộc đời và sự nghiệp của ông cho đến lúc này. Ông rất xứng đáng với những lời khen: “Việc làm của ông không chỉ góp phần giảm bớt nỗi lo lắng, vất vả của người nông dân, giúp nâng thâm thu nhập cho họ, mà còn có ý nghĩa thiết thực trong việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bền vững; đặc biệt là trong việc hưởng ứng phong trào cả nước chung tay dây dựng nông thôn mới hiện nay”.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *