Bên bờ hạnh phúc

 Ở Vĩnh Long, nghề trồng và làm ra các sản phẩm từ cây lác là một thế mạnh riêng chỉ có tại Vũng Liêm. Hiện toàn huyện có trên 450 ha đất trồng lác, tập trung tại các xã Trung Thành Đông, Trung Thành Tây và Thanh Bình. Chiếm gần 70% diện tích tương đương với hơn 300 ha, xã Trung Thành Đông là địa phương trồng nhiều nhất huyện.

 

 

Có một điểm đặc biệt là cây lác lại rất thích hợp với những vùng đất cánh tác lúa và hoa màu kém hiệu quả do không chủ động được nguồn nước. Vì vậy,với một địa phương thường xuyên bị ảnh hưởng bởi triều cường và xâm nhập mặn như Vũng Liêm thì cây lác có một vài trò rất quan trọng trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Cũng như việc sản xuất nhiều loại nông sản khác, nghề trồng lác của bà con nông dân Vũng Liêm cũng đã trải qua nhiều thăng trầm do biến động của giá cả thị trường. Tuy vậy, với những giá trị mang lại, cây lác vẫn được người dân duy trì, đặc biệt là những hộ có ít đất canh tác. Riêng khoảng 2 năm trở lại đây có thể xem là thời điểm khởi sắc của cây lác 

Giá cả ổn định ở mức cao đã cải thiện đáng kể nguồn thu nhập cho người trồng. Cụ thể,  lác loại 1 có giá ổn định ở mức từ 10-12 ngàn đồng/kg, lác loại 2 cũng tương đương 50%. Trong vòng 02 năm có thể thu hoạch 05 vụ lác. Với năng suất bình quân mỗi lần thu hoạch khoảng 10 tấn/ha, trong đó có từ 50-60% lác loại 1, sau khi trừ các khoản chi phí, mỗi ha lác cho thu nhập cao gấp 3 đến 5 lần so với canh tác lúa.

Ngoài hiệu quả cải thiện thu nhập so với trồng lúa, nghề trồng lác ở Vũng Liêm cũng góp phần giải quyết một lượng lớn lao động nông nhàn ở nông thôn. Tuy dễ trồng, ít tốn công chăm sóc nhưng đến khi thu hoạch đòi hỏi rất nhiều nhân công. Từ thực tế này mà những nơi tập trung diện tích trồng lác lớn người dân không lúc nào rảnh. Những hộ có đất trồng lác thì luân phiên đổi công để tiết giảm chi phí. Những hộ không có đất hoặc không trồng lác thì đi làm thuê, kiếm thêm thu nhập.

 

Tại các vùng trồng lác, không chỉ có ngoài ruộng mà ngay trong nhà, bà con nông dân lúc nào cũng có công ăn việc làm. Từ nguồn nguyên liệu tại chỗ, ở Vũng Liêm đã hình thành nhiều làng nghề tiểu thủ công nghiệp từ cây lác. Nổi bật là hợp tác xã dệt chiếu tại xã Thanh Bình, 02 làng nghề trồng và se lõi lác ở ấp Đại Nghĩa và Đại Hòa xã Trung Thành Đông.

Do giá lác loại 2 khá thấp nên đa phần người dân chỉ bán cho thương lái lác loại 1, phần còn lại họ giữ lại hoặc bán cho hàng xóm để làm ra lõi lác, bán được giá hơn. Nghề se lõi lác hiện đang giúp rất nhiều nông hộ không có, hoặc có ít đất canh tác cải thiện được cuộc sống.

Với những giá trị mang lại, các ngành chức năng và địa phương đã có nhiều chương trình giúp phát triển diện tích trồng lác và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp từ cây lác. Tuy vậy, cũng cần nhìn nhận rằng, việc thành lập các làng nghề hoặc xây dựng thương hiệu cho cây lác Vũng Liêm vẫn chưa mang lại niềm tin cho người dân nơi đây. Thị trường tiêu thụ sản phẩm còn bấp bênh, chủng loại sản phẩm từ làng nghề còn quá nghèo nàn, người dân thì thiếu thông tin khoa học kỹ thuật để nâng cao hiệu quả sản xuất lác… là những hạn chế vốn tồn tại từ rất lâu đời mà vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để. 

 

Tuy hiện tại cây lác đang mang lại thu nhập khá cao cho người trồng nhưng qua đây cũng có thể thấy, những dấu hiệu của sự phát triển thiếu bền vững đang hiện hữu rất rõ nét. Hiện cả nước có khoảng 26 tỉnh thành có nghề trồng lác với tổng diện tích gần 14 ngàn ha.

Với diện tích vỏn vẹn chỉ khoảng 450ha như hiện nay thì cây lác Vũng Liêm đang chịu rất nhiều áp lực cạnh tranh với các vùng nguyên liệu khác. Thiết nghĩ, niềm vui của người trồng lác sẽ vững chắc hơn nếu ngay từ bây giờ có sự đầu tư về khoa học kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng cây lác. Đồng thời việc xây dựng hệ thống các giải pháp mang tính căn cơ để phát triển làng nghề tiểu thủ công nghiệp từ cây lác cũng đã đến lúc cần đi vào thực tiễn./

Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *