Bên bờ hạnh phúc

Trường THCS xã Hòa Thạnh mới hoàn thành kế hoạch xây dựng giai đoạn I, gồm 10 phòng, trong đó có 8 phòng học và khu nhà vệ sinh. Trong giai đoạn II, trường sẽ tiếp tục được đầu tư xây dựng 8 phòng học nữa và các hạng mục phụ gồm sân trường, tường rào, hệ thống cấp nước v.v…

Ông Trần Văn Hữu, người đã hiến đất cất trường, cho chúng tôi biết: Gia đình ông đông con, nhưng chỉ có gần 10 công ruộng. Hàng ngày, ông phải làm thêm nghề thợ hồ, con cái phải mua bán nhỏ để kiếm sống, nhưng ông vẫn sẵn sàng hiến đất để xây dựng trường học. Ý định này đã có trong ông cách đây gần 6 năm rồi.

Ông Trần Văn Hữu tâm sự:“Trước đây, chú cũng có ý định hiến đất này cho xã xây dựng trường cấp II và cấp III, nhưng vì không đạt chuẩn nên không xây dựng. Năm vừa rồi, chú có chia cho 2 thằng con trai 5 công, còn lại 4.500 m2. Năm nay, nghe xã có nhu cầu cần diện tích xây dựng trường cấp II, vợ chồng chú có tới xã đề nghị hiến tặng điện tích 3.500 m2 để xây dựng trường”.

Trong lúc cùng tham quan ngôi trường mới với chúng tôi, ông Nguyễn Ngọc Nhân, Phó Chủ tịch xã Hòa Thạnh, cho biết: Giá đất tại đây khoảng 50 triệu đồng một công. Xã hoàn toàn không đủ khả năng về kinh phí để mua một diện tích đất theo đúng chuẩn qui định để xây dựng trường. Gia đình Ông Hữu đã giúp cho xã tháo gỡ khó khăn lớn nhất về mặt bằng để xây dựng trường.

Ông Nguyễn Ngọc Nhân cho biết: “Ban đầu, ông Hữu chỉ hiến 3.500 m2 nhưng trong quá trình xây dựng trường đạt chuẩn thì cần xây thêm 8 phòng học nữa nên thiếu đất. Ủy ban có vận động gia đình thì gia đình ông vui vẻ hiến thêm 800 m2 nữa. Như vậy, tổng công gia đình ông đã hiến hết 4.300 m2”.

Đất đai là tài sản gắn liền với đời sống của người nông dân, cả đời dành dụm chắt chiu mới có được, hiến hết đất cho Nhà nước xây dựng trường, tức là từ nay gia đình ông Hữu phải đong gạo ăn từng bữa. Nhưng vì sao mà có quyết định như vậy? Chúng tôi đã mang thắc mắc này hỏi thử xem cả gia đình ông có đồng ý với quyết định của ông không và nhận được câu trả lời từ vợ ông – bà Nguyễn Thị Ngọt – như sau:“Chúng tôi cũng có bàn bạc với con cái, dâu, rể. Nếu tụi nó hỏng thuận thì đâu có được, đồng ý hết hà. Bây giờ thì mình xin mua bán trong căn tin này để sống qua ngày”.

Bà Ngọt thật thà cho biết, ông bà bây giờ đã già rồi, làm ruộng nặng nhọc quá, không làm nổi nữa, cho mướn lời lãi chẳng có bao nhiêu. Thôi thì Nhà nước cần thì mình hiến cho nhà nước cất trường cho con cháu học hành, trong đó cũng có con cháu của mình. Chúng nó nên người, học hành thành tài thì cũng nhớ ơn mình đóng góp trong đó.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết gia đình ông Hữu trước đây cũng đã từng hiến đất cho xã cất trường học. Cha ông là ông Trần Kiến Trung những năm sau ngày giải phóng đã hiến 2.100 m2 đất cho xã Hòa Hiệp cũ, nay là xã Hòa Thạnh, cất trường mẫu giáo. Và bây giờ, ông Hữu lại noi gương cha, tiếp tục đóng góp công của cho sự nghiệp trồng người.

Tường Thụy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *