Bên bờ hạnh phúc

 Đến huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang, nói đến những vùng đất lung như: Lung Ngọc Hoàng, Lung Sen, Lung 18,… ai cũng hiểu đây là những vùng đất khắc nghiệt, rất khó để lập nghiệp. Vậy mà ở Lung 18 thuộc ấp Phương Thạnh, xã Phương Bình có hộ của ông Lâm Văn Hoa, được biết đến như là một trong số rất ít những hộ nông dân có tiếng về quá trình vượt khó vươn lên làm giàu tại vùng đất khó khăn này.

 

Đặc biệt, với mô hình nuôi cá trong ruộng lúa, ông chính là người khởi xướng và đạt hiệu quả khá cao ở đây. Giờ đã trải qua hơn 10 năm gắn bó với mô hình, gia đình ông và những cán bộ tại địa phương cũng lấy làm tâm đắc khi nhắc đến sự phát triển của mô hình lúa – cá ở vùng này. Hiện toàn xã Phương Bình có 385 ha diện tích nuôi cá ruộng được xem là một trong những địa phương có diện tích lớn nhất và thành công nhất của huyện Phụng Hiệp.

Hằng năm cứ đến mùa nước nổi, gia đình lại có dịp nuôi cá, trồng hoa màu tăng thêm thu nhập.

Ông Lâm Văn Hoa, quê gốc ở tỉnh Bạc Liêu, nhưng suốt thời trai trẻ tham gia kháng chiến, vùng đất Hậu Giang có lẽ là nơi ông gắn bó nhiều hơn cả. Dó đó, khi lập gia đình vào năm 1970, ông quyết định ở lại nơi này lập nghiệp, dù biết rằng đây là vùng đất còn nhiều khó khăn.

 

Giờ ông vẫn còn nhớ như in cái khoảng thời gian đầy khó khăn, gian khổ của trong buổi đầu lập nghiệp. Có đến 6 người con, nhưng không có một cục đất chọi chim, quanh năm chỉ sống bằng nghề chài lưới, đặt lờ, đặt trúm,…cuộc sống rất vất vả. Ông đã từng tham gia kháng chiến, từng bị địch bắt tù đày nhưng cuộc chiến đó với ông không đáng sợ bằng cuộc chiếm mưu sinh mà gia đình ông đã trải qua. Bởi vậy, khi được nhà nước giao đất sản xuất vào năm 1982, gia đình ông rất cố gắng. Lần hồi ông sắm sửa thêm đôi trâu đi cày thuê, sắm máy tuốt làm thêm nên gia đình càng khấm khá. Nay có đất đai nhiều, chia đều cho các con ông cũng còn hơn 2 ha để canh tác.

Đất ở đây, vốn là đất lung, mùa nước thường ngập sâu, canh tác mỗi năm 2 vụ là Đông Xuân và Hè Thu, còn lại gần nửa năm đất bị bỏ hoang không canh tác được. Ông Hoa thường theo dõi thông tin thấy nhiều vùng khác ứng dụng mô hình nuôi cá trên ruộng lúa thành công, vậy là năm 1999 ông triển khai  thực hiện mô hình. Do tự mày mò thực hiện nên có nhiều khiếm khuyết, năm đầu không thu được lãi. Nhưng qua đó, đã cho ông nhận ra những lợi ích khác từ mô hình. Chẳng hạn như khi nuôi cá xong, công việc dọn đất chuẩn bị vụ lúa Đông Xuân năm sau rất thuận lợi, hầu như không tốn chi phí, đất đai còn tốt hơn, nếu nuôi đúng kỹ thuật sẽ còn có thêm thu nhập.

Vậy là những năm sau đó, năm nào ông cũng nuôi cá mùa Thu Đông. Nếu như trước đây, 2 ha đất ruộng này, 2 vụ lúa thu lãi khoảng 60 triệu đồng, thì nay đã tăng lên 80 triệu đồng.

 

Từ thành công này, không chỉ gia đình ông phấn khởi mà những bà con xung quanh cũng vui theo, bởi họ biết từ đây, vụ Thu Đông họ sẽ có điều kiện để tăng thu nhập cho gia đình. Nhờ vậy mà diện tích lúa cá cứ tăng dần qua các năm, giờ đây kể cả những nơi có đủ điều kiện canh tác vụ Thu Đông nông dân vẫn thích áp dụng mô hình này. Bởi so với làm ruộng thì nuôi cá như thế này thu lãi cao hơn.

Nuôi cá ruộng rõ ràng là mô hình có nhiều ưu điểm đối với những vùng độc canh cây lúa, nên những năm qua, đồng hành với nhu cầu phát triển mô hình của bà con, ngành nông nghiệp địa phương cũng triển khai nhiều biện pháp để giúp nông dân canh tác tốt mô hình.

Diện tích cứ tăng dần qua các năm, năm 2012 này Phụng Hiệp có 2070 ha diện tích nuôi cá ruộng, tăng hơn năm trước và là một trong những huyện thường xuyên chiếm vị trí dẫn đầu trong tỉnh. Đặc biệt những năm gần đây, địa phương còn triển khai thêm mô hình nuôi cá lóc trong vèo trên ruộng, kết hợp mô hình nuôi cá ruộng, nếu mô hình này thành công, diện mạo nghề nuôi thủy sản của Hậu Giang sẽ có nhiều thay đổi.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *