Bên bờ hạnh phúc

         Tính đến thời điểm cuối tháng 10/2012, Vĩnh Long đã cơ bản thu hoạch dứt điểm gần 62 ha lúa Thu Đông 2012. Kết thúc vụ Thu Đông sớm tạo điều kiện thuận lợi để đồng ruộng có thời gian ngâm lũ, vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị tốt trước khi bắt đầu vụ lúa tiếp sau.

 

          Tại những địa phương thu hoạch sớm ven Quốc lộ 54 của huyện Trà Ôn, Bình Minh và vùng đất gò ven sông Măng thuộc huyện Tam Bình, ven sông Cổ Chiên thuộc huyện Mang Thít, bà con nông dân đã tiến hành xuống giống gần 10 ngàn ha lúa Đông Xuân sớm 2012-2013. Những diện tích mới xuống giống xung quanh con nước mùng 10/9 AL diễn ra trong tình hình thời tiết khá thuận lợi.

          Vụ Đông Xuân 2012-2013, Vĩnh Long có kế hoạch xuống giống gần 65 ngàn ha. Huyện Tam Bình vẫn là địa phương có diện tích nhiều nhất với trên 15 ngàn ha. Theo thời vụ và lịch dự báo rầy nâu di trú, dự kiến đợt xuống giống tập trung sẽ diễn ra trong tháng 11/2012. Cụ thể sẽ có khoảng 55 ngàn ha gieo sạ xung quanh con nước 25/9 và mùng 10/10 âm lịch.

          Theo nhận định của ngành nông nghiệp, tình hình khí tượng, thủy văn trong thời gian tới sẽ còn nhiều diễn biến phức tạp. Khả năng sẽ có mưa nhiều ở thời điểm tập trung xuống giống. Mưa kết hợp với triều cường sẽ gây nhiều khó khăn trong việc giữ giống, ảnh hưởng đến sự phát triển của cây lúa trong giai đoạn đầu. Do đó, các địa phương và bà con nông dân cần chuẩn bị tốt phương án về công trình và phương tiện bơm tát để đảm bảo sản xuất.

          Theo khảo sát của ngành nông nghiệp Vĩnh Long, hiện tỷ lệ sử dụng giống lúa IR 50404 trên địa bàn tỉnh liên tiếp nhiều vụ mùa qua vẫn ở mức cao hơn khuyến cáo chung của Cục trồng trọt. Và qua khảo sát ở một số địa phương về công tác chuẩn bị cho vụ Đông Xuân 2012-2013 cho thấy, nhiều khả năng giống lúa này sẽ tiếp tục được nông dân lựa chọn gieo sạ nhiều.

          Tuy có nhiều lý do để lựa chọn giống lúa IR 50404 nhưng theo nhận định của Cục trồng trọt, việc gieo sạ một giống lúa có chất lượng thấp với diện tích quá lớn sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro trong việc tiêu thụ lúa hàng hóa, và đối phó với các đối tượng dịch hại. Do đó, quan điểm chỉ đạo chung của ngành nông nghiệp Vĩnh Long, vụ lúa Đông Xuân 2012-2013 phấn đấu sử dụng 80% giống lúa chất lượng cao. Tiếp tục chuyển đổi cơ cấu giống lúa theo hướng có năng suất, chất lượng cao, cứng cây, kháng sâu bệnh. Theo đó, nhóm giống chủ lực được khuyến cáo là OM5451, OM 4900, OM6976, OM 7347. Ngoài ra, bà con nông dân cũng có thể tham khảo một số giống bổ sung như OM4488, OM4218, OM 5472, OM 1490, OM8928. Ngoài vấn đề chọn chủng loại giống, bà con nông dân cũng cần chú ý đến chất lượng hạt giống và mật độ gieo sạ thích hợp.

 

          Có thể nói, thành công trong việc ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật tại các mô hình cánh đồng mẫu lớn đã có những tác động không ít đến nhận thức của bà con nông dân canh tác lúa. Và trong vụ Đông Xuân 2012-2013, tổng diện tích “cánh đồng mẫu lớn” toàn tỉnh được nâng lên đến 1.600 ha, tăng gấp 02 lần so với cùng kỳ năm trước. Đây là những mô hình được tập trung chuyển giao các kỹ thuật canh tác lúa tiên tiến như chương trình “1 phải 5 giảm”, IPM, đẩy mạnh cơ giới hóa.

          Tình hình tiêu thụ và xuất khẩu gạo trong 09 tháng đầu năm 2012 diễn ra có phần bất lợi cho bà con nông dân. Giá lúa nhích lên nhưng vẫn còn ở mức thấp, trong khi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và công lao động đều tăng tăng cao, nên chưa đảm bảo lợi nhuận trên 30% cho bà con nông dân.

          Vụ lúa Đông Xuân 2012-2013 đang đứng trước những thử thách do sự thay đổi bất thường của tình hình khí tượng, thủy văn. Trong khi đó thì các yếu tố về tình hình dịch hại, chi phí sản xuất và cả thị trường tiêu thụ vẫn là một ẩn số khó đoán trước. Do đó, việc tuân thủ những khuyến cáo về thời vụ, lựa chọn giống lúa, ứng dụng kỹ thuật canh tác tiên tiến mà ngành chức năng đưa ra sẽ là yếu tố cần thiết để đảm bảo cho vụ lúa quan trọng nhất trong năm diễn ra trong điều kiện tốt nhất./

          Trung Hiếu

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *