Bên bờ hạnh phúc

 Sau 3 năm thực hiện cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” dùng hàng Việt đã trở thành một thói quen trong cuộc sống của người dân. Hàng Việt luôn là sự lựa chọn ưu tiên khi tiêu dùng hàng hóa. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra từ hàng Việt, cần nhất là tiếng nói chung giữa doanh nghiệp, tiểu thương và người tiêu dùng.

 

Ưu tiên chọn lựa hàng Việt là tâm lý chung của đại đa số người dân hiện nay trong tiêu dùng hàng hóa. Điều này  cho thấy mức độ thành công của cuộc vận động “ Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng VIệt Nam “ của Bộ Chính trị sau 3 năm thực hiện. Từ chỗ vận động, nay người tiêu dùng đã nghĩ đến hàng Việt đầu tiên khi chọn lựa.

Có nhiều nguyên nhân tạo nên bước chuyển tích cực này: như hàng VIệt ngày càng đa dạng hơn với người tiêu dùng, sản xuất theo đúng thị hiếu và giá cả luôn phù hợp. Mớiđây, chỉ thị số 24 ngày 17 tháng 9 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện cuộc vận động này, tiếp tục là sự động viên lớn đối với doanh nghiệp VIệt. 

Theo đó, hàng hoá Việt ngày càng chiếm tỷ trọng lớn tại các chợ, cửa hàng bán lẻ và nhiều nhất là ở siêu thị. Như tại hệ thống siêu thị Co.op mart, nếu như những ngày đầu thành lập, hàng Việt chỉ chiếm khoảng hơn 10% trong hệ thống các ngành hàng, thì nay con số này đã lên đến hơn 90%. Con số doanh nghiệp Việt tham gia cung cấp hàng hóa cũng tăng dần theo từng năm: năm 2009 có 150 nhà cung cấp; năm 2010 có 400 nhà cung cấp và năm 2011 là 450 nhà cung cấp. Trong suốt 16 năm hoạt động thì hệ thống siêu thị này đã có 15 năm thực hiện tiêu chí kinh doanh hàng Việt  với  chiến lược “ nội địa hóa”,  nhằm hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp Việt trong phân phối hàng hóa đến tay người tiêu dùng. Thêm vào đó là các chính sách kích cầu tiêu dùng, khuyến mãi bình ổn giá luôn được các doanh nghiệp Việt đẩy mạnh thực hiện.

Cuộc vận động không chỉ góp phần khích lệ lòng tin yêu và thích dùng hàng Việt mà còn hình thành nên một thói quen tiêu dùng tốt cho người dân. Đó chính là thói quen chọn lọc nhãn mác, hạn sử dụng, xuất xứ hàng hóa, mã vạch. Đây cũng là cách giúp người tiêu dùng có thể lựa chọn sử dụng hàng hóa an toàn. 

Bắt đầu từ năm 2010, với mục tiêu mở rộng hệ thống phân phối hàng Việt , nhiều phiên chợ Hàng Việt về nông thôn đã được Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp khởi xướng và đã được sự đồng thuận cao của lãnh đạo các địa phương và các doanh nghiệp Việt. Đến nay, đã có hơn 80 phiên chợ được tổ chức rộng khắp trên cả nước. Tuy nhiên, cái được lớn nhất sau mỗi phiên chợ chính là doanh nghiệp Việt sẽ có cái nhìn thực tế hơn về phân khúc thị trường nông thôn tiềm năng này.

 
 

 

Điểm hạn chế của doanh nghiệp Việt chính là hàng hóa thiếu đa dạng, khâu hậu mãi chăm sóc khách hàng và hệ thống phân phối chưa đủ rộng. Thêm vào đó, mẫu mã , bao bì hàng hóa chưa theo kịp thị hiếu mua sắm của tầng lớp bình dân. Vì vậy, dù được đánh giá là thị trường tiềm năng với số lượng dân cư chiếm đến 70% dân số cả nước, lại bị các doanh nghiệp Việt để trống và nhường chỗ cho các tập đoàn đa quốc gia chiếm lĩnh thị trường. Với những chuyến bán hàng về nông thôn, doanh nghiệp Việt sẽ hiểu rõ hơn về đối tượng khách hàng của mình. Đây thực sự là thị trường tiềm năng tạo sức sống cho doanh nghiệp chứ không chỉ đơn thuần là nơi tránh bão khi thị trường nước ngoài sụt giảm. 

Thật khó tìm thấy một chiếc áo sơ mi Việt Tiến, áo thun Blue, giày dép Bitis, bánh kẹo Kinh Đô tại các chợ vùng sâu. Hàng hóa Việt nếu có xuất hiện thì cũng rất kém cạnh tranh như thế này. Thay vào đó là hàng hóa không rõ nguồn gốc vẫn luôn được bày bán hết sức đa dạng. Thực trạng hàng VIệt còn xa lạ với người tiêu dùng nông thôn được lý giải là do sự yếu kém trong hệ thống phân phối lẫn cơ cấu sản phẩm, cơ cấu giá thành chưa phù hợp. 

Không chỉ  ở thị trường nông thôn mà ngay cả ở thành thị, lỗ hổng của hàng Việt hiện còn rất lớn . Nhiều mặt hàng Việt chưa có chỗ đứng nên không thể phân biệt đâu là hàng chất lượng . Một so ngành hàng hầu như hàng Việt bỏ trống để mặc cho hàng hóa ngoài nước thao túng, cho dù người tiêu dùng trong nước vẫn luôn mong muốn được tiêu dùng hàng Việt chất lượng cao. 

Cũng thật khó tìm một nhãn hàng mang thương hiệu Việt cho mặt hàng dồ chơi trẻ em. Thực tế đây là thị trường vô cùng tiềm năng bởi nhu cầu đồ chơi của trẻ em là rất lớn nhưng dạo quanh các cửa hàng đồ chơi trong tỉnh, ngay cả siêu thị và nhà sách lớn thì vẫn không tìm thấy ấn tượng của hàng VIệt. Nếu có thì cũng thật hiếm hoi , giá cả lại không cạnh tranh nên chưa hấp dẫn người tiêu dùng. Có một sự mâu thuẫn là cả người bán và người mua đều mong muốn được sở hữu mặt hàng đồ chơi made in Việt Nam nhưng xem ra, các nhà sản xuất vẫn còn bỏ ngỏ. Mới đây, một doanh nghiệp nhựa cũng đã bắt đầu tiếp cận thị trường với sản phẩm đồ chơi lắp ráp dành cho trẻ. Có thể nhận thấy đây là sự khởi đầu khá muộn màng so với nhu cầu nhưng do chưa đẩy mạnh phân phối hàng hóa nên nhiều người tiêu dùng vẫn chưa biết đến. 

Một thực tế đáng buồn là tình trạng các loại trái cây ngoại nhập bày bán tràn lan không rõ nguồn gốc và chất lượng. Điều này không chỉ gây thiệt hại cho sức khỏe người tiêu dùng mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến việc sản xuất và kinh doanh sản phẩm nội địa.

Thực tế trên đòi hỏi sự cảnh tỉnh của người tiêu dùng lẫn sự quản lý chặt chẽ hơn từ phía ngành chức năng.

 

 

Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt đã trở thành sự lựa chọn tất yếu. Vấn đề còn lại chính là các doanh nghiệp Việt biết tận dụng cơ hội để xác lập lại chỗ đứng và cũng là để không phụ lòng tin của người tiêu dùng trong nước. 

Kim Phụng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *