Bên bờ hạnh phúc

 Khoảng 10 năm trở lại đây, diện tích trồng quýt đường tại một số tỉnh ở Đồng bằng Sông Cửu Long tăng lên đáng kể. Do đây là một trong những loại cây ăn trái có hiệu quả kinh tế khá cao. Hiện nay, chúng được nhắc đến như một cây trồng để làm giàu của nông dân. Nhiều nơi đã trở nên nổi tiếng như huyện Mỹ Tú, tỉnh Sóc Trăng, huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh và một số huyện của tỉnh Hậu Giang, trong đó nhiều nhất là ở huyện Long Mỹ.

 

Có nhiều người liên tưởng sự phát triển lắm thăng trầm của cây cam sành ra sao, thì cây quýt đường cũng có số phận giống vậy. Nhưng có lẽ còn bi đát hơn. Bởi sau đợt dịch bệnh vàng lá vào những năm cuối thế kỷ trước, diện tích trồng quýt đường trong vùng đã giảm nhanh và mạnh đáng kể, đến nay có phục hồi nhưng diện tích vẫn còn ít hơn nhiều so với diện tích cây cam sành, chứng tỏ độ khó trong canh tác cây quýt đường cũng khiến nhiều người e ngại.

Tuy nhiên, tại ấp 8, xã Long Trị, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, những người nông dân vốn yêu thích và có nhiều kỷ niệm với cây trồng này đã có cách nghĩ và làm khác hơn.

 

Nằm cặp tuyến sông Cái Lớn, bà con ấp 8, xã Long Trị, huyện Long Mỹ có nhiều điều kiện thuận lợi để canh tác cây quýt đường. Nhưng cũng vì vậy mà ở đây cũng dễ bị bị nước ngập sâu vào mùa lũ, khiến bà con tốn kém khá nhiều chi phí cho công việc bơm tác, bỏa vệ vườn. Đặc biệt những năm gần đây, nước ngày càng ngập sâu hơn, nên chi phí bơm tác chiếm trên 50% trong tổng thu nhập, cộng các chi phí khác, bà con còn lời rất ít. Đối mặt với khó khăn, bà con mới thấy được sự đoàn kết, hợp tác lúc này là cần thiết. Hàng chục hộ dân con trong ấp 8, với tổng diện tích là 104 ha vườn quýt hợp tác lại làm đê bao ngăn lũ tự cứu lấy mình.

Với chu vi khoảng 4.000 m, chỉ cần đặt 4 máy bơm tập thể như thế này là đủ, chứ không phải nhà nào nấy bơm, nên chi phí sản xuất giảm hơn một nửa so với trước.

Như hộ của ông Trương Văn Sên, trước đây khi chưa có Tổ hợp tác (THT), mỗi công quýt gia đình ông phải đầu tư trên 30 triệu đồng, nhưng giờ chi phí ấy chỉ còn 15 đến 18 triệu đồng. Nhờ vậy, vườn quýt 14 công của ông, mấy năm nay, năm nào lợi nhuận cũng tăng thêm gần một trăm triệu đồng. Hơn nữa khi tham gia Tổ hợp tác, những kiến thức mới về kỹ thuật trồng quýt cũng dễ dàng được tiếp cận hơn, trồng quýt ngày càng đạt chất lượng tốt hơn.

 

Không chỉ riêng hộ của ông Sên, mà hầu hết bà con trong ấp 8 đều có niềm vui chung như vậy, dù chưa phải là kiên cố, nhưng từ khi có hệ thống đê bao bảo vệ vườn đến nay, mỗi mùa quýt đi qua đã góp phần đem lại giá trị tăng thêm cho bà con trong ấp hàng chục tỷ đồng. Bên cạnh đó, tinh thần đoàn kết, hợp tác của bà con ấp 8, trong việc phát triển kinh tế vườn cũng đã tạo được tiếng vang. Thế nên, các cấp chính quyền và ngành chức năng địa phương đã có nhiều chủ trương, chính sách giúp cho bà con xã Long Trị từng bước tiến lên làm giàu ổn định chính bằng cây trồng truyền thống của mình. Cụ thể như việc cho ra đời Hợp tác xã quýt đường Long Trị, hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu và thương hiệu hàng hóa, thường xuyên mở các lớp tập huấn kỹ thuật về cây quýt đường, cũng như hỗ trợ kỹ thuật trồng tiên tiến theo hướng an toàn,…

Quýt đường là cây trồng truyền thống mang lại giá trị kinh tế cao cho bà con nông dân ở đây. Hiện tại mỗi ha quýt, bà con thu hoạch từ 28 đến trên 30 tấn trái, giá trung bình khoảng 18.000đồng/kg, mỗi năm thu nhập trên 500 triệu đồng. Tuy nhiên, chỉ đối với những hộ nằm trong vùng đê bao hợp tác ấp 8 thì lợi nhuận mới đạt được trên 70% thu nhập, còn những hộ nằm ngoài vùng thì lợi nhuận thấp hơn. Dù vậy, đây cũng là mức lời khá cao mà không phải loại cây có múi nào cũng dễ dàng đạt được. Vì thế, với quyết tâm của bà con, cùng sự hỗ trợ đồng bộ và kịp thời của các ngành chức năng địa phương, tin chắc trong thời gian tới, giá trị kinh tế mà cây trồng này mang lại cho bà con sẽ còn cao hơn nhiều.

Thúy Hằng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *