Bên bờ hạnh phúc

           Năm 2012 là năm đầu tiên các cấp Hội phụ nữ tỉnh Vĩnh Long triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ IX, tiếp tục phương châm hướng về cơ sở , thực hiện các chương trình thi đua đặc biệt hỗ trợ phụ nữ và trẻ em nghèo. Nhiều phong trào hoạt động đã được các cấp Hội phụ nữ tỉnh nhà thực hiện hiệu quả, hỗ trợ phụ nữ nghèo vươn lên trong cuộc sống và tham gia sinh hoạt Hội.  

          Lại một buổi trưa giống như nhiều buổi trưa khác, chị Phạm Thị Hương – phó Chủ tịch Hội phụ nữ huyện Long Hồ bỏ bữa ăn chung của gia đình. Việc khảo sát nhu cầu phát triển kinh tế gia đình của chị em phụ nữ nông thôn không thể thực hiện vào giờ hành chính, vì phải đến tận nơi, nhìn tận mắt, nghe tận tai tâm tư nguyện vọng của các chị em. Có như vậy mới nắm được chính xác tình hình đời sống và xây dựng được các hoạt động phù hợp, đáp ứng sát sao nhu cầu thực tế của chị em .

 

          Những nơi nào hội viên đang có nhu cầu học nghề, giải quyết việc làm, hoặc mô hình kinh tế nào phù hợp với chị em ở từng địa phương khác nhau… , những thông tin đó luôn được kịp thời ghi nhận nhờ sự gần gũi, sâu sát cơ sở của Hội phụ nữ địa phương. Nhiều lớp dạy nghề lưu động của Hội phụ nữ nay ở ấp xã này, tháng sau đến ấp xã khác dạy chị em làm nghề. Từ đó, những tổ nhóm, câu lạc bộ đan giỏ nilong, đan găng tay bóng chày, se lõi lát xơ dừa, chằm lá, thêu rua xuất khẩu, may gia công v.v… phát triển khắp các vùng nông thôn. 

          Nhiều làng nghề truyền thống cũng đã được phát triển từ các tổ nhóm câu lạc bộ nghề thủ công của chị em, như làng nghề đan thảm lục bình xã Ngãi Tứ, làng nghề làm bánh tráng ở xã Tường Lộc huyện Tam Bình v.v… Mỗi năm, hàng chục ngàn lượt chị em có việc làm, cải thiện được đời sống nhờ các hoạt động này. Riêng từ đầu năm đến nay, các cấp Hội phối hợp tổ chức 138 lớp dạy nghề cho chị em ở nông thôn, giới thiệu và tạo được việc làm tại chỗ cho gần 4000 chị.    

           Kế hoạch giúp đỡ các hộ phụ nữ nghèo được xây dựng phù hợp theo từng địa bàn dân cư và nhu cầu của các nhóm đối tượng.

          Các chị em thiếu vốn chăn nuôi, trồng trọt được vay vốn tín chấp qua ngân hàng chính sách xã hội, vốn hỗ trợ của các doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, vốn huy động trong hệ thống Hội v.v… Trong 9 tháng đầu năm, các cấp Hội huy động được hơn 25,5 tỉ đồng, giúp gần 5400 chị phát triển sản xuất hiệu quả.

          Đối với những chị em thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm làm ăn, các cơ sở Hội  tổ chức tuyên truyền, tập huấn thông qua những buổi sinh hoạt câu lạc bộ làm kinh tế, nuôi trồng thủy sản, hoa màu, tổ nhóm góp vốn xoay vòng, tổ nhóm sinh kế, VAC v.v… Qua đó, hỗ trợ chị em kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi trồng trọt. 

          Nhiều loại hình hoạt động phong phú, đa dạng đã được hình thành như phong trào : “trồng cây chuối, nuôi con gà”, “hủ gạo tình thương”, “tiết kiệm chi tiêu trong gia đình”, “giúp nhau ngày công lao động”, “nuôi heo đất” v.v… Những phong trào nầy  đã góp phần hình thành thói quen sống đẹp – đoàn kết giúp nhau phát triển.

           Cũng từ những phong trào này, nhiều địa phương đã khơi dậy được tình tương thân tương ái trong lực lượng cán bộ, hội viên một cách mạnh mẽ.

         Nhờ sự đóng góp của các chị em mà những năm qua, huyện Trà Ôn đã xây dựng được hàng chục mái ấm tình thương cho hộ hội viên nghèo. Cứ mỗi ngày, các chị tiết kiệm 500 đồng cùng góp vào ống heo của chi hội. Những mái nhà nghĩa tình đã được dựng lên, từ sự tiết kiệm chi tiêu cứ tưởng là nhỏ bé ấy.        

          Mỗi hộ hội viên được hỗ trợ mái ấm tình thương luôn là những hoàn cảnh rất đáng được đồng hành, chia sẻ.

          Mái ấm tình thương này được dành tặng cho chị Trà Thị Hồng ở xã Tân Thành huyện Bình Tân. Nghèo khổ, thiếu thốn, chồng chị bỏ đi lúc con còn nhỏ, một mình chị làm thuê nuôi hai con còn đi học. Mái lá che tạm bợ của mấy mẹ con không đủ sức chống chọi với mùa mưa và các con nước lớn hàng năm. Vậy là  Hội phụ nữ đã nỗ lực cùng với địa phương vận động các nguồn hỗ trợ khác nhau góp lại dựng nên căn nhà chắc chắn này.

          Căn nhà thật sự là mái ấm đầy ắp nghĩa tình, đùm bọc mấy mẹ con chị Hồng vượt qua khó khăn. Hy vọng rồi đây, mấy mẹ con chị sẽ vươn lên trong cuộc sống.

 

 

          Phong trào xây dựng mái ấm tình thương cho hộ hội viên nghèo là một trong những thành công của các cấp Hội phụ nữ Vĩnh Long, hưởng ứng công trình thi đua đặc biệt do TW Hội LHPN Việt Nam phát động năm 2012, nhằm hỗ trợ phụ nữ nghèo và trao học bổng cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Năm nay, các cấp Hội đẩy mạnh tuyên truyền vận động trong và ngoài lực lượng Hội cùng tham gia phong trào, xây dựng được 107 Mái ấm tình thương, sửa chữa nhà cho hộ hội viên nghèo khó khăn về nhà ở, trị giá  chung 2,6 tỉ đồng.         

          Cùng với sự quan tâm, chăm lo công tác khuyến học phát triển mạnh mẽ khắp nơi trong tỉnh, các cấp Hội phụ nữ cũng đã thực hiện hiệu quả phong trào hỗ trợ học bổng trẻ em nghèo hiếu học.

          Em Trần Thị Thanh, học sinh giỏi nhiều năm liền, đang học lớp 9/2 trường THCS Tân Thành huyện Bình Tân là một trong những em gái nhận được học bổng này. Mẹ bỏ đi đã 7 năm không tin tức, cha mất 4 năm nay, hai chị gái đã có gia đình. Một mình em sống với bà nội, bữa cháo bữa rau túng thiếu nhưng rất nỗ lực học hành. Học bổng Hội phụ nữ trao tặng đã kịp thời giúp em trang trải chi phí học hành, tiếp tục thực hiện ước mơ vươn đến tương lai.

          Hướng về cơ sở, tập trung chăm lo hộ hội viên nghèo…, mục tiêu ấy không chỉ nhằm vào việc cải thiện đời sống vật chất, mà còn  cải thiện tinh thần, văn hóa, sức khỏe… của chị em phụ nữ nông thôn.

           Mô hình sinh hoạt tổ “5 không, 3 sạch” phát triển khắp mọi nơi, mang đến cho hội viên các kiến thức chăm sóc sức khỏe, xây dựng các tiêu chí gia đình, xóm ấp văn hóa. Đến nay, phong trào đã trở thành cuộc vận động, thúc đẩy từng hội viên phụ nữ xây dựng hộ gia đình đạt các tiêu chí 5 không, 3 sạch, hạnh phúc, văn hóa.

          Hàng trăm chi hội phụ nữ đăng ký phong trào các tuyến đường không rác, khu phố xanh sạch đẹp, gần 27 ngàn hộ hội viên cam kết thực hiện các tiêu chí về vệ sinh an toàn thực phẩm, về thực hiện văn hóa khi tham gia giao thông, phòng chống tệ nạn trong gia đình và ở xóm ấp…

          Từ cuộc vận động “5 không, 3 sạch” được thực hiện ở từng hộ hội viên phụ nữ, phong trào “nhà tôi xanh sạch đẹp” lan rộng khắp quần chúng nhân dân, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới của các địa phương. Từng tuyến đường, cửa ngõ, góc nhà, gian bếp sạch sẽ ; các vật dụng được sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng ; tiêu chí hợp vệ sinh và tiện lợi trong sử dụng được các chị em đảm bảo tốt… Tất cả tạo thêm những sắc màu mới mẽ, tiến bộ trong gia đình, những nét đẹp văn hóa, tinh thần cho các vùng nông thôn xa…

          Sự sâu sát, nhiệt tình, tâm huyết của lực lượng cán bộ phụ nữ đối với cơ sở đã góp phần xây dựng nên những phong trào hoạt động phù hợp hiệu quả, đáp ứng kịp thời nhu cầu, nguyện vọng của hội viên, nhất là hội viên phụ nữ nghèo ở các vùng nông thôn.

          Vai trò  của chị em phụ nữ ngày càng được khẳng định trong gia đình và ngoài xã hội. Đây là kết quả từ sự cố gắng vươn lên của bản thân các chị, và đáng ghi nhận  về sự nhiệt tình, tâm huyết của các cấp  hội phụ nữ tỉnh nhà./.

          Hoàng Thy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *