Bên bờ hạnh phúc

Tỉnh Vĩnh Long hiện có mạng lưới thư viện mở rộng đến 107 xã, phường; ngoài ra còn có 846 ấp, khóm xây dựng được phòng đọc sách. Trong khi nhiều thư viện và phòng đọc sách hoạt động không hiệu quả thì ở ấp 8, xã Mỹ Lộc, huyện Tam Bình lại có một thư viện gia đình thu hút khá đông độc giả. Đây là thư viện tư nhân đầu tiên của tỉnh Vĩnh Long ra đời ở vùng nông thôn sâu, vùng căn cứ kháng chiến cũ.

Vợ chồng ông Nguyễn Tấn Hưng

 

Mỹ Lộc là vùng căn cứ kháng chiến cũ của tỉnh, đời sống vật chất – tinh thần của nhân dân còn nhiều khó khăn. Với mong muốn giúp bà con trong ấp, trong xã – mà nhất là các em học sinh – có điều kiện mở mang kiến thức để vận dụng vào cuộc sống, cách nay hơn 4 năm, ông Nguyễn Tấn Hưng đã tìm cách xây dựng nơi đây một phòng đọc sách nhỏ.  Ông Hưng cho biết:  “Mình là nông dân, nhưng mình ham mê đọc sách. Cái thứ nhất là sách chăn nuôi trồng trọt – khoa học kỹ thuật, áp dụng vô tình hình kinh tế gia đình thấy hiệu quả. Từ đó mình mới ham mê, đầu tiên là lập tủ sách gia đình, rồi sau mình mới lên cái thư viện tư nhân.

Rồi cái thư viện tư nhân do ông Hưng thành lập chính thức hoạt động theo Giấy Công nhận của Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tam Bình từ tháng 8/2009, thu hút ngày càng nhiều bạn đọc. Cũng theo ông Hưng:  “Vì chiến tranh mình không có được học nhiều, nay vì lợi ích gia đình, vì lợi ích cho xã hội – con em trong ấp và các ấp bạn – thấy cháu nào cũng vậy nó ham mê đọc sách. Nó tìm tòi nó đọc sách lịch sử. Trong gia đình thấy con mình nó học giỏi là nhờ nó mê đọc sách. Lên nhà trường hỏi thì nó nòi nhờ gia đình có tủ sách, nó đọc mà nó mới hiểu được. Từ chỗ đó mà hết lòng phục vụ để cho con em bà con lối xóm cũng được như con mình.”

Ông Nguyễn Tấn Hưng, chủ thư viện này là một nông dân chỉ học hết lớp 11, còn vợ ông bà Nguyễn Thị Lài mới học hết tiểu học. Cũng như bao nhiêu gia đình nông dân khác, hai vợ chồng ông bà phải làm ruộng, trồng rẫy, chăn nuôi, làm vườn mới đủ nuôi 6 người con ăn học. Công việc rất vất vả, bận rộn thế nhưng hai vợ chồng ông luôn dành thời gian để quản lý, chăm sóc đứa con tinh thần của mình.

Với lượng sách ban đầu chỉ gần 1.650 bản, qua 4 năm hoạt động, ngoài nguồn đầu tư của gia đình, nguồn sách luân chuyển của Thư viện tỉnh, ông Hưng đã tích cực vận động các mạnh thường quân, các cơ quan hỗ trợ nâng tổng đầu sách, báo phục vụ bạn đọc hiện nay hơn 3.000 bản, với đủ các thể loại : pháp luật, chính trị, lịch sử, khoa học – kỹ thuật, văn học – nghệ thuật, y học, thiếu nhi….

Theo ông Hưng cho biết, trung bình mỗi ngày có khoảng 20 lượt người đến thư viện đọc và mượn sách. Tính chung 4 năm qua Thư viện đã phục vụ cho hơn 24.000 lượt độc giả, chủ yếu là nông dân và học sinh.

Bà Huỳnh Thị Bé, ấp 8 – Mỹ Lộc – Tam Bình kể: “Tui thường đến đây đọc sách lắm. Thường thường là tui mượn tài liệu về chăn nuôi, tui đọc để tham khảo về kỹ thuật chăn nuôi, cách phòng trị, tiêm ngừa để chăn nuôi có hiệu quả.”

Ở đồng bằng sông Cửu Long việc tư nhân tự lập thư viện đã là chuyện hiếm, lại càng hiếm hơn khi thư viện này được đặt tại một vùng nông thôn sâu và phục vụ hoàn toàn miễn phí.

Nhờ thư viện này mà bà con trong ấp, trong xã và các xã lân cận được chuyển giao khoa học kỹ thuật phát triển kinh tế hộ gia đình. Học sinh các cấp có nguồn sách tham khảo, bổ sung kiến thức học tập. Hiện tại thư viện này còn là điểm sinh hoạt cộng đồng, là nơi học nghề của chị em phụ nữ trong ấp./.

Tường Thụy

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *