Bên bờ hạnh phúc

 Sau 2 năm thực hiện sự chỉ đạo của Ban Dân vận Trung ương và của Tỉnh ủy Vĩnh Long về tổ chức phong trào thi đua “ Dân vận khéo”, đến tháng 9 năm 2012, tỉnh Vĩnh Long có trên 2.400 tập thể và gần 1.800 cá nhân thuộc cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp, các ngành đăng ký xây dựng điển hình “ Dân vận khéo”.

 

Qua bình xét, phần lớn các tập thể và cá nhân đăng ký xây dựng điển hình “ Dân vận khéo” đều đạt yêu cầu. Trong đó có 180 tập thể và 272 cá nhân tiêu biểu. Phong trào thi đua “ Dân vận khéo” lan tỏa đã huy động được nguồn lực to lớn trong dân, góp phần đáng kể trong việc phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng, đặc biệt là góp phần làm thay đổi diện mạo nông thôn mới.

 

 Cuối năm 2011 vừa qua, trên địa bàn xã Tân An Hội, huyện Mang Thít có thêm một tuyến đường mới đưa vào sử dụng. Đó tuyến đường nối liền 6 ấp của xã có tổng chiều dài gần 10 km được láng nhựa. Trong quá trình thi công đã sử dụng 10 ha đất , cùng với hoa màu và vật kiến trúc trị giá gần 7 tỷ đồng của nhiều hộ dân.

 Thế nhưng bà con ở đây, không một ai đòi nhà nước phải bồi hoàn mà chấp nhận cùng chung tay góp sức xây dựng công trình phúc lợi xã hội. Sự đồng thuận hiến đất, hoa màu và vật kiến trúc của bà con, là kết quả từ việc thực hiện tốt công tác dân vận của xã Tân An Hội.

 Phong trào hiến đất làm đường còn lan tỏa ở nhiều xã khác. Như tuyến đường nối liền xã Mỹ Lộc với xã Hòa Lộc có tổng chiều dài 3,2 km vừa hoàn thành. Đây cũng là kết quả của phong trào thi đua “ Dân vận khéo”. Công trình đã sử dụng cả chục hecta đất. Thế nhưng người dân ở hai xã này cũng không một ai đòi nhà nước phải bồi hoàn mà đồng lòng hiến đất. Bởi tất cả bà con ở đây đều thấu đáo về lợi ích của tuyến đường này.

 Ngoài các tập thể nêu trên, hai năm qua còn có nhiều cá nhân tiêu biểu trong phong trào hiến đất làm đường, điển hình như : Ông Sơn Chum, hội viên chi hội nông dân ấp Phù Ly 2, xã Đông Bình, huyện Bình Minh. Công trình nạo vét kinh tuyến kênh thủy lợi nội đồng kết hợp với xây dựng con đường xe 4 bánh khởi công đầu 2011 đã làm mất nhiều diện tích đất của 42 hộ dân. Một trong hai công đất ruộng, nguồn lợi kinh tế chủ yếu của gia đình ông Sơn Chum cũng bị mất. Thế nhưng ông là người đầu tiên hiến đất, dù gia đình ông còn trong danh sách hộ nghèo của xã. Ngoài ra, ông còn vận động cả chục hộ trong cộng đồng người Khơ-me của mình hiến đất, cùng chung tay góp sức xây dựng công trình phúc lợi này. 

 Ngoài các công trình cầu đường, từ phong trào thi đua “ Dân vận khéo” , hai năm qua còn có nhiều công trình điện, thủy lợi, trường học, trạm y tế, nước sinh hoạt cũng được nâng cấp xây mới. Tất cả các công trình này đều được thực hiện theo phương châm nhà nước và nhân dân cùng làm. Nhà nước thì đầu tư kinh phí, còn người dân thì đóng góp mặt bằng, với tổng diện tích trị giá gần 120 tỷ đồng. Bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc. Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của các tập thể và cá nhân tiêu biểu từ phong trào thi đua “ Chung sức xây dựng nông thôn mới.”

 Trong quá trình xây dựng nông thôn mới, mỗi xã còn có những khó khăn khác nhau, nhưng kết quả bước đầu đạt được cho thấy, chủ trương xây dựng nông thôn mới đã được sự đồng tình hưởng ứng của đa phần người dân. Đây là sự nỗ lực lớn của những người làm công tác dân vận, đã khéo léo vận động từng hộ gia đình và mỗi người dân thấu đáo được mục đích ý nghĩa của việc xây dựng xã nông thôn mới, vừa là quyền lợi vừa là nghĩa vụ của mình. 

 Hai năm qua, trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp cũng có nhiều tập thể và cá nhân điển hình trong phong trào thi đua “ Dân vận khéo”. Những điển hình “ Dân vận khéo” lĩnh vực này đã góp phần to lớn trong việc thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt và củng cố quan hệ sản xuất ở nông thôn. 

 Tiêu biểu như chi hội nông dân ấp Tân Hiệp, xã Tân Long huyện Mang Thít đã vận động 47 hộ dân tham gia vào tổ hợp tác xây dựng cách đồng mẫu lớn. Kể từ vụ đông xuân 2011, toàn bộ 35 ha đất ruộng của tổ hợp tác này đã được cơ giới hóa sản xuất, gieo sạ đồng loại, đúng lịch thời vụ, chỉ một loại giống. Nhờ vậy mà năng suất, chất lượng lúa tăng lên rõ rệt. Đặc biệt là lúa bán được giá và dễ tiêu thụ. 

 

 Những tập thể và cá nhân điển hình từ phong trào thi đua “ Dân vận khéo” trong hai năm qua đã góp phần to lớn trong việc thực hiện chủ trương giảm nghèo của tỉnh. Tiêu biểu như ông Nguyễn Tấn Hoài, Phó chi hội trưởng Người cao tuổi ấp Vĩnh Thạnh, xã Thuận Thới, huyện Trà Ôn. Trước khi thành lập tổ gia công đan ghế xuất khẩu, ông Hoài đã tổ chức dạy nghề và vận động nhiều hội viên tham gia. Với số hội viên có ruộng vườn, tranh thủ lúc nông nhàn dành cho công việc này, mỗi tháng cũng kiếm được vài triệu đồng. Nhiều lao động có thêm việc làm tăng nhập cải thiện đời sống gia đình cũng nhờ tổ đan ghế xuất khẩu này.

 Phong trào thi đua “ Dân vận khéo” còn được cơ quan chính quyền các cấp, các ngành của tỉnh tích cực hưởng ứng. Nội dung trọng tâm công tác dân vận của chính quyền, là đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung vào bốn lĩnh vực là : Xây dựng cơ bản, địa chính, hộ tịch và công chứng. Nhiều địa phương, đơn vị đã áp dụng mô hình “ Một cửa, một cửa liên thông” tronggiải quyết hồ sơ, giấy tờ cho dân. Cơ chế “Một cửa-Một cửa liên thông” được mở rộng ở cả 3 cấp : Cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã-phường phục vụ nhân dân ngày càng tốt hơn.

Như ở phường 1, thành phố Vĩnh Long. Các loại thủ tục hành chính, trình tự giải quyết và thời gian giải quyết cũng như các khoản phí, lệ phí phải nộp, các khoản phí, lệ phí được miễn theo quy định đều được công khai niêm yết tại phòng tiếp dân. Số cán bộ, công chức thông thạo về chuyên môn nghiệp vụ, có phẩm chất và năng lực cũng được phường bố trí làm việc tại bộ phận tiếp nhận và giao trả hồ sơ. Trong quá trình thực thi công vụ, cán bộ công chức không gây phiền hà, nhũng nhiễu dân. 

 Phong trào thi đua “ Dân vận khéo” của khối chính quyền còn được thông qua việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở theo phương châm“ Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Hầu hết các xã, phương đều tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tham gia đóng góp ý kiến vào các kế hoạch phát triển kinh tế -xã hội của địa phương. Quyền dân chủ của người dân được phát huy thông qua bầu cử trưởng các ấp khóm, thông qua Ban thanh tra nhân dân được thành lập và hoạt động ở tất cả các địa phương, đơn vị, góp phần làm trong sạch bộ máy chính quyền cơ sở. 

 Phong trào thi đua “ Dân vận khéo” cũng được tất cả các đơn vị lực lượng vũ trang tích cực hưởng ứng. Hàng ngàn tập thể và cá nhân đã đăng ký xây dựng điển hình “ Dân vận khéo” . Nhiều tập thể và cá nhân điển hình từ phong trào thi đua nàyđã góp phần to lớn xây dựng vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân. Điển hình như : Đội công tác CT 12 thuộc Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, với mô hình “ Đèn treo trước ngõ”.

 Trước đây, do không có đèn đường nên tai nạn giao thông thường xuyên xảy ra trên các tuyến đường thuộc địa bàn xã Trung Hiếu-huyện Vũng Liêm. Kẻ xấu lợi dụng bóng tối trộm cắp tài sản của dân. Đội công tác CT 12 đã làm tham mưu cho đảng ủy xã và phối hợp với các ban ngành đoàn thể địa vận động từng hộ dân đóng góp tiền để lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng.

 

 Từ khi mô hình “ Đèn treo trước ngõ” do đội công tác CT 12 triển khai thực hiện trên các tuyến đường liên ấp thì tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã Trung Hiếu, xã điểm xây dựng nông thôn mới của tỉnh luôn được đảm bảo. 

 Đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đã thật sự đi vào cuộc sống của các tầng lớp nhân dân. Các kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh hàng năm đều hoàn thành, quốc phòng an ninh – trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân đã được khơi dậy, quyền làm chủ của nhân dân được phát huy và tôn trọng.  Trong đó có sự đóng góp không nhỏ từ phong trào thi đua “ Dân vận khéo”.

 Lúc sinh thời, Bác Hồ kính yêu có dạy rằng : “ Dân vận kém thì việc gì cũng kém, dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”. Ôn lại truyền thống vẻ vang của công tác dân vận chặng đường 82 năm qua, cũng là lúc kịp thời biểu dương những tập thể và cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua “ Dân vận khéo” năm 2011-2012 để cổ vũ phong trào thi đua này tiếp tục lan tỏa. Từ những việc làm hay, từ những cách làm sáng tạo của các tập thể và các nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua “ Dân vận khéo”, đây là những kinh nghiệm quý báu đổi mới nội dung, phương thức công tác vận động quần chúng đạt hiệu quả cao trong những năm tiếp theo./.

Trần Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *