Bên bờ hạnh phúc

Đầu tháng 9 này, các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long đã đồng loạt áp dụng giá viện phí mới, với mức tăng trung bình từ 70 đến 80% so với khung giá của liên bộ Y tế – Tài chính quy định. Có một số dịch vụ tăng gấp 9 – 10 lần. Trong khi đó, tại tỉnh Trà Vinh, viện phí tăng chỉ bằng 53% so với khung giá của thông tư liên bộ Y tế – Tài chính. Đây là tỉnh có mức tăng viện phí thấp nhất so với các tỉnh Đồng Bằng Sông Cửu Long. Mức tăng viện phí này được xây dựng căn cứ vào điều kiện kinh tế –xã hội và mức sống thực tại của người dân địa phương.

 

Mặc dù cơ quan Bảo hiểm xã hội của tỉnh Trà Vinh đồng ý với dự kiến ngành Y tế tăng giá thu viện phí lên mức 80% so với khung giá của thông tư liên bộ Y tế-Tài chính quy định, thế nhưng với quan điểm “cân nhắc lộ trình thu viện phí phù hợp với đời sống dân cư ” , Hội đồng Nhân dân tỉnh này chỉ cho phép viện phí tăng với mức 53% so với khung giá mà thông tư liên bộ quy định. Mức tăng này căn cứ vào mức sống của người dân, căn cứ vào thực trạng cơ sở hạ tầng Y tế hiện tại, đã được Sở Y tế địa phương cân nhắc tính toán kỹ lưỡng.

Theo tính toán của Sở Y tế Trà Vinh, muốn thu đủ bù chi thì phải tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh lên mức 70% so với khung giá của liên bộ Y tế-Tài chính. Nhưng nếu tăng ở mức này thì quá sức chịu đựng của người dân Trà Vinh, một tỉnh nông nghiệp còn đến 20% hộ nghèo, lại có đông đồng bào dân tộc Khơ-me, mức sống của người dân còn thấp. Thêm vào đó, bà con nông dân của tỉnh vừa bị mất mùa, dịch bệnh xảy ra làm tôm chết hàng loạt. Các loại nông sản khác như dừa, lúa, heo cũng bị rớt giá mạnh.

 Hộ nghèo được ngân sách hỗ trợ toàn bộ chi phí mua bảo hiểm Y tế, nhưng đối với hộ cận nghèo, nhà nước chỉ hỗ trợ 70% phí bảo hiểm y tế, 30% còn lại số hộ này phải đóng. Tuy chỉ 30% , nhưng số hộ cận nghèo tham gia bảo hiểm y tế đạt rất thấp. Trong 6 tháng đầu năm, chỉ có khoảng 6% số hộ cận nghèo ở Trà Vinh tham gia mua bảo hiểm y tế.

Khi khám chữa bệnh, đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế như hộ nghèo, hộ cận nghèo và người lao động cũng phải chi trả chi phí khám chữa bệnh từ 5 đến 20% theo quy định. Đó là chưa kể đến không ít người nghèo và người cận nghèo mắc bệnh mãn tính phải điều trị lâu dài. Nếu chỉ căn cứ vào khung giá của liên bộ Y tế-Tài chính để xây dựng mức viện phí mà không tính đến mức sống hiện tại của người dân vốn nhiều khó khăn mà tăng giá viện phí quá cao, thì người nghèo sẽ không đến bệnh viện hoặc vào bệnh viện rồi cũng sẽ không theo hết phác đồ điều trị.

 Lãnh đạo Sở Y tế Trà Vinh cho biết : Tăng giá viện phí ở nhiều loại dịch vụ lên gấp đôi là đã cao. Nếu tăng nhanh và tăng cao cả chục lần thì người nghèo  ôm bệnh. Tính đi, tính lại, tăng giá viện phí ở mức 53% là vừa với mức sống của người dân. Dù mức viện phí mới có tăng đối với 290 dịch vụ, nhưng tăng chủ yếu là các dịch vụ mà người người dân ít chi trả. Các dịch vụ kỹ thuật này chỉ được Bác sĩ chỉ định sử dụng khi thật sự cần thiết. Còn các dịch vụ mà người dân sử dụng thường xuyên, như giá tiền công khám bệnh, giá giường bệnh thì tăng không đáng kể.

Đơn cử như giá tiền công khám bệnh : Đối với bệnh viện loại 2, tỉnh Trà Vinh chỉ thu 6.000 đồng/lần khám. Đối bệnh viện loại 3 chỉ thu 4.000 đồng/lần khám. Đối với trạm y tế xã, phường thu 2.000đ/lần khám. Giá tiền công khám chỉ bằng phân nửa so với một số tỉnh trong khu vực. Còn về giá giường bệnh, cao nhất là giường  cho bệnh nhân sau phẫu thuật bỏng đối với bệnh viện loại 2, tỉnh Trà Vinh chỉ thu 32.000 đồng/giường/ngày. Đều trị hồi sức tích cực chỉ thu 24.000 đồng/ giường bệnh/ngày. Giá giường bệnh thấp hơn từ 4 đến 5 lần so với với một số trong khu vực. Còn giá dịch vụ kỹ thuật cũng tăng vừa phải. Như nội soi ổ bụng chỉ thu phí 60.000 đồng, thấp hơn cả chục lần so với một số tỉnh lân cận.

 Theo tính toán của Sở Y tế Trà Vinh, do mức tăng viện phí thấp nên có tới 25% số dịch vụ y tế thu không đủ bù chi. Để cân đối kinh phí hoạt động, trước mắt tỉnh sẽ lấy viện phí của một số dịch vụ giá cao bù đắp cho số dịch vụ giá thấp. Cho đến khi nào thu nhập và mức sống của người dân được cải thiện, ngành Y tế sẽ đề xuất tăng dần mức viện phí theo lộ trình đã được xác định đến năm 2015. Nếu đột ngột ngột tăng cao tất cả các dịch vụ thì quá sức chịu đựng của người nghèo.

Cùng với việc thực hiện các giải pháp nêu trên , ngành Y tế Trà Vinh đang động viên mọi người trong ngành cố gắng cùng chia sẻ khó khăn với người nghèo. 

 Lãnh đạo Sở Y tế Trà Vinh cũng khẳng định : Mặc dù mức tăng giá viện phí thấp nhưng vẫn phấn đấu nâng chất lượng phục vụ . Thực tế cho thấy, khi chưa tăng viện phí, tất cả các cơ sở khám chữa bệnh công lập của tỉnh cũng đã phấn đấu phục vụ bệnh nhân đúng theo quy định của Bộ Y tế, chứ không phục vụ theo giá viện phí, không có chuyện nằm viện giá rẻ thì sử dụng trang thiết bị lạc hậu.

 

 

 Đơn cử như tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Trà Vinh, khi viện phí còn giá cũ, bệnh viện này cũng đã có một hệ thống phòng vô trùng đạt chuẩn và điều trị đúng phác đồ. Mới đây, bệnh viện đã trang bị thêm hai máy nội soi hiện đại và được Bộ Y tế cho phép thực hiện 39 kỹ thuật mà trước đây chỉ có bệnh viện Trung ương thực hiện. Với mức tăng viện phí thấp, bệnh viện sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc cân đối kinh phí hoạt động, nhưng không vì vậy mà  buông lỏng chất lượng hoặc hạn chế sử dụng các kỹ thuật cao trong khám điều trị.  Giá viện phí không phải là thước đo chất lượng điều trị.

 Giá viện phí thấp hơn,  đương nhiên thu nhập của nhân viên trong ngành Y tế tỉnh Trà Vinh có thể không bằng các tỉnh khác, nhưng cũng sẽ được cải thiện phù hợp với điều kiện địa phương . Điều quan trọng là lãnh đạo ngành Y tế Trà Vinh đã dự tính phân bổ tỉ lệ đầu tư từ số tiền thu được qua tăng viện phí chủ yếu là để đầu tư phục vụ bệnh nhân. Đây là cơ sở để nâng chất lượng phục vụ của Bệnh viện Trà Vinh .

 Người dân Trà Vinh  đồng tình với giá viện phí mới của địa phương, khi so sánh với các tỉnh trong khu vực. Bởi khi xây dựng cơ cấu giá viện phí mới, tỉnh Trà Vinh đã lấy người nghèo, người có mức sống trung bình làm chuẩn. Trong khi nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế dịch vụ cần có thời gian để nâng cao chất lượng, tỉnh Trà Vinh chủ trương tăng viện phí theo lộ trình, chứ không tăng cao đồng loạt. Nếu viện phí tăng cao quá sức chịu đựng thì người nghèo không thể kham nổi. Bởi lẽ đó, nhiều người rất tâm đắc với cách tính cơ cấu viện phí của tỉnh Trà Vinh, với quan điểm : “cân nhắc lộ trình thu viện phí phù hợp với đời sống dân cư ”.

Trần Tiến

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *