Bên bờ hạnh phúc

Bệnh dại là bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm chung giữa động vật và người, đặc biệt khi đã xuất hiện triệu chứng thì không thể nào chữa trị được. Để phòng chống tốt bệnh dại, biện pháp hữu hiệu nhất hiện nay là phải tiêm đủ liều vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại khi bị chó, mèo cắn hoặc gây trầy xước khi va chạm với chúng.

 

Tại phòng Tiêm ngừa của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long, đa số bệnh nhân tới đây để được tư vấn và tiêm phòng bệnh dại sau khi bị chó, mèo cắn, trong đó có cả người già lẫn trẻ em.

Chị Trần Thị Bé Tư, mẹ cháu Phạm Minh Vũ cho biết: “Em sợ con chó đó hỏng biết nó có bệnh gì không, nghe chó cắn em mới đi chích ngừa cho con em.”

Chị Nguyễn Thị Kim Thoa, Phường 8 – Thành phố Vĩnh Long kể:“Dưới quê cho em con chó, em nuôi được 2-3 ngày. Nó rượt gà, em lấy cây đập nó quay lại cắn nhưng vết cắn không sâu, chỉ bị trầy xước chút đỉnh. Chó cắn rất là sợ bệnh dại nên em phải đi chích ngừa.”

Bà Nguyễn Thị Năm, xã Chánh An – Mang Thít cho biết: “Tui bị chó cắn, tui thấy có 1 bà ở gần tôi cũng bị chó cắn đúng 97 ngày bả ngộp nước, bả chết. Chủ chó đưa tiền cho bả để chích ngừa, bả không đi lại đi lấy nọc, đắp thuốc Nam. Còn con mèo nó cắn cái thằng đó 1 vợ 2 con rồi nó quào, nó cắn 2 bữa sau chết. Tui sợ, tui phải đi ngừa, chứ tui cũng có đi lấy nọc rồi nữa.”

Thực tế cho thấy, việc tiêm phòng vắc xin và huyết thanh kháng dại rất quan trọng, nó vừa đảm bảo cho người bị súc vật cắn cảm thấy an tâm hơn đồng thời cũng chủ động ngăn ngừa bệnh dại tránh gây ảnh hưởng đến tính mạng.

Theo Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có gần 1.800 trường hợp bị chó, mèo cắn đến tiêm phòng, tăng 340 trường hợp so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, có 95% trường hợp bị chó cắn, 4,5% bị mèo cắn, chỉ có 0,5% là do các loại súc vật khác gây ra.

Theo BS CK1 Huỳnh Thanh Nhã, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Vĩnh Long: “Khi bị chó mèo cắn hoặc bị trầy xước, việc đầu tiên rất quan trọng trong vấn đề sơ cấp cứu là bà con rửa vết thương bằng nước xà phòng đặc hoặc dung dịch muối đặc sau đó chúng ta rửa lại bằng nước sạch trong vòng 5-10 phút. Kế tiếp chúng ta bôi dung dịch như cồn, iốt hoặc dung dịch sát khuẩn. Tuyệt đối không được nắn hoặc rạch vết thương vì nó sẽ làm cho độc lực của virut dễ phát tán. Sau khi sơ cứu xong, chúng ta phải đến ngay cơ sở Y tế để được hướng dẫn tư vấn ra quyết định về việc tiêm ngừa vắc xin. Hiện nay, trên thế giới, tiêm ngừa huyết thanh và vắc xin là biện pháp hữu hiệu nhất và an toàn nhất nhằm bảo vệ tính mạng cho mọi người và cho bản thân.”

Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 55.000 người chết vì bệnh dại, trong đó có 55% là người Châu Á. Trước tác hại nguy hiểm của bệnh dại, người bị chó mèo cắn hoặc gây trầy xước cần thực hiện tốt hướng dẫn của ngành chuyên môn, tham gia tiêm phòng vắc xin hoặc huyết thanh kháng dại đủ liều để chủ động phòng chống bệnh, đảm bảo an toàn tính mạng cho bản thân./.

Hồ Lâm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *