Bên bờ hạnh phúc

 Là một trong những địa phương có trữ lượng đất sét rất dồi dào, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đã phát triển mạnh nghề sản xuất gạch – gốm với hơn 2.000 miệng lò sản xuất. Tuy nhiên, do việc khai thác nguyên liệu đất sét bừa bãi đã dẫn đến nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên, thu hẹp đất nông nghiệp trong tương lai.

 

 Cối ép đất đang hoạt động trên địa bàn xã Trung Thành huyện Vũng Liêm của anh Cao Văn Hải mỗi ngày cối chạy được khoảng 40.000 viên đất sét, đủ cho 5 ghe. Như vậy thì một công đất chỉ đủ cho cái cối này hoạt động trong 4 ngày. Hiện tại, nhu cầu sử dụng đất sét thì nhiều, nhưng nguồn cung đã không còn dồi dào như trước.

Chị Võ Thị Trang, Chủ ghe mua đất xã Trung Thành Đông, Vũng Liêm cho biết:  “Vô đây nằm ở đây nhiều khi ba ngày một chuyến, nhiều khi bốn ngày một chuyến cũng có. Một mê ở đây ảnh bán là tám thiên là một triệu sáu, lên lò bán được ba triệu hai. Ở đây người ta bán nhiều lắm, đất ở đây thì lò nó chịu chứ chở chỗ khác thì nó không chịu.”

Tại một đoạn kênh ở xã Trung Thành huyện Vũng Liêm, ngày nào cũng có vài chục ghe mua đất sét chờ đến lượt mình. Ông Bùi Văn Một Em, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết, địa phương có kết hợp với Phòng Tài nguyên – Môi trường huyện Vũng Liêm cấp phép cho 3 cối hoạt động tại khu vực trên, với diện tích được khai thác 20 ha trong một năm. Thực tế cho thấy, với 20 ha thì chỉ cần duy nhất cái cối của anh Hải đã không đủ nguồn đất sét để mà khai thác, đằng này địa phương có tới 3 cối cùng hoạt động trong 4 năm nay. Cũng theo ông Bùi Văn Một Em: “Trong quá trình khai thác thì có hợp đồng giữa chủ cối và hộ dân thì đứng ở góc độ quản lý thì UB xã có thường xuyên kết hợp với Phòng TN-MT xuống kiểm tra xem xét định kỳ xem chủ cối có khai thác đúng với hợp đồng ban đầu hay không.”

Mặc dù địa phương có kiểm tra nhưng việc người dân tự ý bán đất mặt cho chủ cối khai thác là chuyện thường xuyên xảy ra. Lý do mà người dân đưa ra là cải tạo đất gò để trồng lúa ba vụ. Khuyến cáo của ngành chức năng về việc đất sản xuất nông nghiệp bị thu hẹp chưa được người dân quan tâm. Ông Nguyễn Nhật Hồng, ấp Xuân Minh 2 – Trung Thành – Vũng Liêm cho rằng:  “Đâu có vụ thu hẹp đất nông nghiệp gì đâu thì đất nông nghiệp cũng còn đất nông nghiệp có điều chỗ nào nó oằn thì người ta dễ làm nông nghiệp hơn.”

Theo báo cáo của ngành Tài nguyên – Môi trường, tỉnh Vĩnh Long có tổng trữ lượng đất sét được đưa vào quy hoạch khai thác khoảng 46 triệu m3,, chỉ chiếm 16% tổng tiềm năng tài nguyên khoáng sản sét trên địa bàn tỉnh; trong khi khu vực quy hoạch cấm khai thác chiếm đến 54% và khu vực dự trữ thăm dò khai thác công nghiệp sau 2020 chiếm đến 30%. Việc khai thác tràn lan hàng chục năm qua cũng đã dẫn đến thực tế tại những vùng cho khai thác đã không còn đất sét nên các chủ cối đang chuyển dần sang các địa phương khác không nằm trong vùng quy hoạch, gây khó cho công tác quản lý nguồn tài nguyên này ở các địa phương.

Ngành NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long cảnh báo, tình hình khai thác đất sét quá mức, không đúng kỹ thuật, thiếu quản lý và không theo quy hoạch như thời gian qua trên địa bàn tỉnh sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn tài nguyên, nhưng nghiêm trọng hơn là ô nhiễm môi trường và giảm diện tích đất sản xuất nông nghiệp.

Đó là chưa kể đến dự báo của ngành chức năng trước tình hình biến đổi khí hậu, nếu mỗi năm mực nước tăng lên 1cm thì chỉ cần 10 năm, 20 năm sau mực nước có thể lên bằng gang tay, lúc đó những diện tích đất gò mà người dân đang tận thu khai thác sẽ thành đất trũng và diện tích đất nông nghiệp bị thu hẹp là điều khó tránh khỏi. Ngành chức năng khuyến cáo địa phương không chỉ vì cái lợi trước mắt mà khai thác tận thu nguồn tài nguyên đất sét trên đồng ruộng, nên chuyển đổi phương thức canh tác theo hướng hai vụ lúa xen một vụ màu trên vùng đất gò để có thể vừa tăng hiệu quả kinh tế trước mắt, vừa đảm bảo được diện tích đất sản xuất nông nghiệp lâu dài./.

Trường Sơn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *