ĐBSCL là một trong những khu vực có nhiều tiềm năng phát triển nguồn lợi thủy sản. Do nhu cầu sử dụng sản phẩm thủy sản tăng đã dẫn đến việc khai thác tràn lan, trái quy định, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường và nguồn lợi thủy sản bị khai thác ngày cạn kiệt, nhất là nguồn lợi thủy sản nội địa. Cùng với nhiều tỉnh thành trong khu vực , hiện nay tỉnh Vĩnh Long cũng đang nỗ lực bảo vệ và tái tạo nguồn lợi thủy sản.

Thả cá tra bần giống ra sông

 

 

Thấy được lợi ích của việc bảo vệ nguồn lợi thủy sản, từ năm 1995 đến nay, cơ sở sản xuất kinh doanh giống thủy sản của anh Tống Minh Chánh tại xã Lộc Hòa huyện Phú Tân tỉnh An Giang cũng đã nghiên cứu thành công quy trình sản xuất giống cá tra bần, một trong những loại thủy sản đang có nguy cơ cạn kiệt vì sự khai thác quá của người dân.

Để bảo tồn và duy trì loại cá này, mới đây cơ sở của anh Chánh đã kết hợp với Chi cục Thủy sản các tỉnh khu vực ĐBSCL đã thả trên 500.000 con cá tra bần giống ra môi trường tự nhiên.

Anh Tống Minh Chánh cho biết:“Hiện tại bây giờ do khai thác quá mức, rồi ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong dân cũng không có nhiều đưa đến tình trạng nguồn tài nguyên thủy sản nó bị cạn kiệt . Do tình hình đó, tôi quyết định kết hợp với Chi cục các tỉnh làm chương trình tái tạo  nguồn lợi thủy sản mỗi tỉnh khu vực ĐBSCL là 40.000 con cá tra bần.”

Thời gian qua, việc giáo dục, tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về công tác bảo vệ, phát triển nguồn lợi thủy sản cho cộng đồng ngư dân đã được các cấp ủy, chính quyền, ban ngành, đoàn thể trong tỉnh đặc biệt quan tâm. Mục đích là nhằm giúp người dân nâng cao ý thức bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tránh việc khai thác mang tính hủy diệt “vì lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài”.

Ông Nguyễn Phú Quốc, Bí thư Đảng ủy xã Trung Thành Đông – Vũng Liêm  cho biết: “Nguồn lợi thủy sản rất cần thiết cho nên ở Đảng ủy cũng quan tâm chỉ đạo anh em thường xuyên tăng cường công tác bảo vệ nguồn lợi thủy sản. Thứ nhất chỉ đạo cho các ấp có những cái nó ven sông thì cũng cho dân giải tán, chỉ đạo cho các ngành đoàn thể tuyên truyền cho người dân hiểu được tầm quan trọng của nguồn lợi thủy sản để người dân có ý thức tự bảo vệ nguồn lợi thủy sản.”

Theo chiến lược quy hoạch phát triển thủy sản đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt thì đến năm 2020, diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh phát triển hơn 5.000 ha với tổng sản lượng ước đạt hơn 265.700 tấn, trong đó sản lượng nuôi trồng hơn 260.000 tấn và sản lượng khai thác tự nhiên đạt 5.700 tấn.

Theo ông Liêu Cẩm Hiền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vĩnh Long: “Sở NN chỉ đạo các cơ quan chức năng mà chủ công là Chi cục Thủy sản thực hiện công tác bảo vệ NLTS trên địa bàn tỉnh thông qua 3 nội dung hoạt động chủ yếu. Thứ nhất là tăng cường công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức người dân về bảo vệ NLTS. Thứ hai là phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền, cảnh sát giao thông thủy thực hiện việc kiểm tra theo Chỉ thị 01 của Thủ tướng Chính phủ về cấm sử dụng chất cấm như sung điện, chất nổ. Thứ ba là tăng cường vận động xã hội hóa công tác thả giống tái tạo nguồn lợi tự nhiên.”

 Với những đặc điểm tự nhiên về mặt nước, về thành phần giống loài thủy sinh vật, cộng với điều kiện khí hậu, thời tiết thì tỉnh Vĩnh Long là nơi có tiềm năng rất lớn về nguồn lợi thủy sản. Kết quả điều tra nguồn lợi thủy sản tự nhiênđã xác định được 123 loài cá và 10 loài tôm các loại tại các thủy vực trên địa bàn Vĩnh Long. Để tái tạo lại nguồn lợi thủy sản, từ năm 2009 đến nay, Chi cục Thủy sản tỉnh Vĩnh Long đã phối hợp với các cở sở kinh doanh cá giống trong và ngoài tỉnh thả hơn 270.000 con cá giống các loại ra môi trường tự nhiên.

Nguồn lợi thuỷ sản mà thiên nhiên đã ưu đãi dành cho các tỉnh ĐBSCL nói riêng và cả nước nói chung chỉ được bảo tồn và phát triển khi mỗi người dân, mỗi gia đình đều có ý thức khai thác và sử dụng phương tiện đánh bắt thủy sản theo đúng qui định của Nhà nước./.

Lê Hải

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *