Bên bờ hạnh phúc

 Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến y tế cơ sở là mục tiêu luôn được ngành y tế Vĩnh Long đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, ngoài đầu tư cơ sở vật chất, đào tạo, thu hút bác sĩ về trạm y tế phục vụ, Vĩnh Long còn trang bị nhiều thiết bị cận lâm sàng để các trạm y tế nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.

 

Nhờ được trang bị các thiết bị cận lâm sàng như máy đo điện tim, máy siêu âm, xét nghiệm, máy theo dõi tim thai nên thời gian gần đây trạm y tế xã Phú Quới, huyện Long Hồ đã phát hiện và điều trị ổn định nhiều trường hợp mắc bệnh liên quan đến tim mạch, tiểu đường và một số bệnh lý nội khoa khác. Lượng bệnh nhân đến khám, điều trị tại trạm tăng khoảng 30% so với trước và giảm đáng kể các trường hợp phải chuyển tuyến trên điều trị. 

Bà Lê Hồng Nga, xã Phú Quới – Long Hồ cho biết: “Bệnh của tôi thường xuyên là bao tử đường ruột không được ổn, mỗi tuần đi lại đây khám điều trị. Thời gian sau này TYT có trang bị máy siêu âm, BS siêu âm kiểm tra phát hiện ra gan tôi bị nhiễm mỡ và sỏi thận. Từ đó, TYT điều trị đến hôm nay gan nhiễm mỡ cũng đỡ và sỏi thận cũng nhẹ rồi, có các trang thiết bị như máy siêu âm, đo điện tim bệnh nhân rất yên tâm khi đến trạm y tế điều trị không cần phải đi tuyến trên”.

Mặc dù đã góp phần nâng cao hiệu quả điều trị rất nhiều khi được trang bị các thiết bị cận lâm sàng nhưng hầu hết các trạm có trang thiết bị lại chưa phát huy hết chức năng của máy trong khám chữa bệnh. Không ít phòng chẩn đoán cận lâm sàng ở trạm y tế thường xuyên không hoạt động.

Theo  BS Lê Quang Tùng, Trưởng Trạm y tế xã Phú Quới – Long Hồ: “Hệ thống cận lâm sàng này nhiều mà người được đi đào tạo để chuẩn hóa để thực hiện ít như xét nghiệm lao máy mình có mà người chưa thực hiện được. Thứ 2 máy xét nghiệm huyết học trang bị cho mình nhưng mà công ty cung cấp trang thiết bị không có xuống hướng dẫn vận hành máy móc cái nữa mình không có cử người đi tập huấn để thực hiện xét nghiệm đó. Một bất cập thứ 3 nữa là không có người thay thế như tôi đây vừa nhiệm vụ lãnh đạo vừa khám bệnh siêu âm, phân tích điện tim, đường huyết, huyết học cho nên nếu tôi vắng không có người thay thế, khi bệnh nhân cần mình không thực hiện được”.

BS Bùi Thị Lưu, Trưởng Trạm y tế Phường 4 – TP Vĩnh Long cho rằng: “Mỗi người phụ trách 1 trang thiết bị như siêu âm chỉ có BS hoặc là kỹ thuật viên nên khi không có thì trang thiết bị này không được sử dụng chỉ khi nào có KTV xét nghiệm hoặc BS thì mới thực hiện được xét nghiệm, từ đó, cũng là hạn chế ở Trạm y tế khi chỉ có 1 người thực hiện trang thiết bị này”.

Tính đến nay, toàn tỉnh đã có trên 30 trạm y tế được trang bị đủ các thiết bị cần thiết trong chẩn đoán và điều trị bệnh nhân như máy siêu âm, xét nghiệm, máy đo điệm tim, chiếm hơn 30% trạm y tế trong tỉnh. Song vấn đề đặt ra hiện nay là làm sao để các trạm có đủ khả năng phát huy hết hiệu quả của các trang thiết bị này.

Theo Y sĩ Trần Văn Chơn, Trưởng Trạm y tế xã Tân Ngãi – TP Vĩnh Long: “Lãnh đạo cấp trên cần đào tạo thêm kỹ thuật viên trung cấp xét nghiệm để phát huy được máy xét nghiệm vì máy xét nghiệm nhiều chức năng mà kỹ thuật viên sơ cấp chưa phát huy hết chức năng máy móc còn siêu âm chỉ có 1 BS nên khi BS đi vắng mình cũng chưa đáp ứng kịp thời cho bệnh nhân, theo tôi cần đào tạo, bổ sung thêm chuyên viên kỹ thuật siêu âm để phục vụ tốt cho nhân dân trong xã”.

Việc đầu tư trang thiết bị hiện đại cho tuyến y tế gần dân nhất là nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho người dân và góp phần giảm tải bệnh nhân cho tuyến trên. Tuy nhiên, bên cạnh cung cấp các thiết bị, ngành y tế cũng cần tạo mọi điều kiện để những người làm công tác y tế tuyến cơ sở phát huy hết hiệu quả của thiết bị, vừa để phục vụ tốt nhiệm vụ được giao, vừa tránh lãng phí tiền của đầu tư của Nhà nước./.

Minh Nguyệt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *